Thứ Ba, 08/10/2024 05:26 SA
Để ôn thi tốt nghiệp THPT hiệu quả
Thứ Tư, 03/04/2013 08:30 SA

Bộ GD-ĐT vừa công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT, bao gồm: Toán, Hóa học, Sinh học, Ngữ Văn, Địa lý và Tiếng Anh. Làm thế nào để ôn thi tốt các môn này? Báo Phú Yên chia sẻ lời khuyên của các thầy cô giáo.

 

THẦY LÊ TRUNG TOÀN (TỔ TRƯỞNG TỔ SINH HỌC TRƯỜNG THPT PHAN ĐÌNH PHÙNG, TX SÔNG CẦU): “Học chắc kiến thức”

 

toan130403.jpg

Trên nền tảng hướng dẫn của giáo viên, học sinh cần phải tập trung tự học. Các em không nên học thuộc lòng, học tủ mà nên học - hiểu những nội dung chính của từng bài/chương, sau đó tập ghi dàn ý chính của bài đó. Tiếp theo, các em tự trả lời những câu hỏi ở sách giáo khoa và sách bài tập. Các em cứ học lần lượt từng bài trong chương như vậy cho đến khi hết một chương thì tổng kết chương đó bằng dàn bài tổng quát.

 

Ngoài ra, học sinh cần tham khảo đề thi của những năm trước và làm thử, nó sẽ tạo cho các em sự tự tin và biết được những hạn chế của mình để khắc phục. Đồng thời, học sinh phải học hiểu những bài trong sách giáo khoa, nghiên cứu sâu nội dung chính của môn Sinh học lớp 12 là: Di truyền học, tiến hóa và sinh thái. Để đạt điểm cao, các em nên tập trung ôn sâu ở phần chương 2 là Tính quy luật của hiện tượng di truyền và cần thực hành nhiều các dạng toán quy luật di truyền, vì phần này chắc chắn sẽ có trong đề thi. Vì đề thi trắc nghiệm nên các em cần làm từ trên xuống dưới theo nguyên tắc câu hỏi dễ làm trước, riêng câu bài tập nếu thấy dễ thì các em cần phải cẩn thận kẻo bị đánh lừa.

 

CÔ THÁI THỊ MINH HỒNG (GIẢI NHẤT MÔN HÓA HỌC HỘI THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI CẤPTỈNH NĂM2013, TRƯỜNG THPT NGÔ GIA TỰ, TP TUY HÒA): ”Thực hành, nắm vững các dạng bài tập”

 

hong130403.jpg

Vì nội dung đề thi có đến 70% là kiến thức giáo khoa, nên học sinh sẽ không quá khó để có điểm. Các em cần phải nắm vững kiến thức, nhớ các công thức, định lý và biết cách vận dụng chúng để giải được bài tập. Nên tự làm các bài tập, làm lại các ví dụ trong sách giáo khoa, sách bài tập. Khi làm xong một bài toán ta nên tập thói quen kiểm lại kết quả vừa tìm được, vì nếu không rất dễ bỏ qua những sai sót một cách ngớ ngẩn. Để không nhầm lẫn giữa các chất và các phản ứng, học sinh nên làm sườn bài hoặc vẽ sơ đồ. Riêng với các phương trình phản ứng, các em nên chú ý đến các hệ số khi học. Lúc thi, các em sẽ thấy hệ số quen thuộc và điền vào để giải bài tập nhanh hơn. Ngoài ra trong thời gian ôn tập, các em cũng cần rèn luyện cho mình thói quen làm bài liên tục 180 phút không nghỉ. Lúc đó vào phòng thi, trí óc ta mới minh mẫn đến những phút cuối buổi thi.

 

THẦY TRẦN QUỐC NHUẬN (TỔ TRƯỞNG TỔ SỬ - ĐỊA - CÔNG DÂN TRƯỜNG THPT CHUYÊN LƯƠNG VĂN CHÁNH, TP TUY HÒA): ”Bám sát atlat”

 

nhuan130403.jpg

Nhìn tổng thể sách giáo khoa Địa lý lớp 12 được chia ra làm bốn phần: địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, địa lý kinh tế và địa lý vùng kinh tế. Các phần này đều có mối liên hệ qua lại với nhau. Đầu tiên, học sinh nên chọn cho mình một cách học phù hợp nhất để nhớ bài một cách tốt nhất bằng cách vẽ sơ đồ tư duy, sơ đồ hình cây, bảng hệ thống... Dù làm cách nào cũng đòi hỏi các em phải có sự đầu tư cho việc hệ thống hóa lại bài học. Nên nhớ, lợi thế của môn Địa lý là có thể mang Atlat địa lý Việt Nam vào phòng thi, nên các em cần rèn luyện kỹ năng khai thác kiến thức từ Atlat. Riêng phần đọc Atlat, trong khi học đến bài nào, học sinh quan sát trong Atlat liên quan đến bài đó. Cách này vừa giúp học sinh nhớ bài tốt, vừa biết cách đọc Atlat. Em nào có khả năng đọc Atlat tốt đều có thể đạt điểm cao. Với phần kỹ năng liên quan đến biểu đồ, học sinh chỉ cần nhận biết được các dạng biểu đồ, cách vẽ biểu đồ, nhận xét biểu đồ. Vì môn này đòi hỏi học sinh tư duy, tổng hợp, phân tích nên các em phải hiểu rõ vấn đề và nhất định không được học thuộc lòng. Với môn Địa lý, điều mà các em sợ nhất chính là số liệu. Tuy nhiên, không nhất thiết các em phải nhớ hết số liệu, mỗi ý chúng ta chỉ cần một dẫn chứng, nếu có hai số liệu (phần trăm hoặc số liệu thực tế) chúng ta có thể chọn một trong hai. Nếu không thể nhớ chính xác các số liệu thì có thể nhớ gần đúng theo kiểu khoảng, gần bằng, lớn hơn... Đọc kỹ đề, giữ tâm lý ổn định, bình tĩnh sẽ giúp các em làm bài đạt hiệu quả cao nhất.

 

CÔ ĐẶNG THỊ XUÂN HƯƠNG (TỔ TRƯỞNG TỔ VĂN, TRƯỜNG THPT CHUYÊN LƯƠNG VĂN CHÁNH): “Phải nắm rõ phương pháp làm bài”

 

huong130403.jpg

Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm 2013 vẫn giữ nguyên 3 phần: câu hỏi kiểm tra kiến thức 2 điểm, bài văn nghị luận xã hội 3 điểm và bài văn nghị luận văn học 5 điểm. Với câu hỏi kiểm tra kiến thức, chỉ cần đọc kỹ trong sách giáo khoa, nắm rõ kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm, học sinh sẽ dễ dàng có điểm. Tuy nhiên, các em nên đọc kỹ câu hỏi để tránh lạc đề, thiếu ý. Còn với bài văn nghị luận xã hội, thường có hai dạng: dạng tư tưởng đạo lý và dạng hiện tượng xã hội. Các em phải nắm rõ phương pháp, quy trình từng bước của các dạng này, ví như: dạng tư tưởng đạo lý, đầu tiên các em phải giải thích vấn đề, nêu khái niệm, sau đó bàn luận vấn đề, nêu ý nghĩa, thể hiện thái độ, quan điểm của cá nhân, từ đó rút ra bài học cho bản thân; còn với dạng hiện tượng xã hội, các em cũng giải thích vấn đề, hiện tượng này, sau đó đi tìm nguyên nhân, các giải pháp, nâng cao vấn đề… Tuyệt đối không nên bỏ qua các bước này nếu muốn đạt điểm cao.

 

Bài nghị luận văn học rất quan trọng, vì nó chiếm một nửa số điểm. Cho nên, với văn xuôi, các em phải nắm kỹ thế nào là phân tích nhân vật và phân tích nhận định. Trong phân tích nhân vật, các em chú ý đến cách xây dựng nhân vật của tác giả, qua đó làm nổi bật lên chân dung nhân vật qua ngoại hình, tính cách, số phận. Nên để ý đến các chi tiết để bài văn sâu hơn. Đồng thời, không quên khẳng định giá trị của tác phẩm. Còn với thơ, các em phải tập trung phân tích: thể loại thơ, cách ngắt nhịp, hình tượng thơ, các biện pháp tu từ và nhất là phân tích cái tôi trữ tình của tác giả. Còn một điều nữa các em nên nhớ là mặc dù môn Văn, cảm xúc rất quan trọng, nhưng không nên vì thế mà sa đà, lan man, cố gắng nêu đầy đủ các ý chính, cần thiết để có điểm cao.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek