Bằng việc áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến xuyên suốt từ khâu gieo trồng đến thu hoạch và chế biến, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung (gọi tắt là Trung tâm) đã cho ra đời những sản phẩm diệp hạ châu được đánh giá là có chất lượng vượt trội so với các dòng sản phẩm cùng loại ở Việt Nam hiện nay.
Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh bên vườn thuốc được bà dày công chăm sóc - Ảnh: T.HÀ
THẾ GIỚI CỦA CÂY THUỐC
Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung đóng tại xã Hòa Hiệp Nam (Đông Hòa), trên một khu đất rộng vài ba hecta với đủ các loại cây thuốc. Cây diệp hạ châu, tần dày lá, hồng đài, sâm bố chính (nhân sâm Phú Yên), dây thìa canh, trinh nữ hoàng cung, xuyên tâm liên, dừa cạn, kim tiền thảo, lạc tiên tây, gừng, đinh lăng, đương quy… được trồng xen kẽ nhau trải trên một vùng đất. Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Trung tâm đã tiếp quản khu đất này từ sau giải phóng và đã bỏ ra rất nhiều công sức, tâm huyết để xây dựng nên một trung tâm chuyên trồng và sản xuất dược liệu.
Trung tâm được trang bị nhiều máy móc hiện đại với lực lượng lao động có tay nghề cao. Các khu sơ chế 1, kho, khu sơ chế 2, khu sơ chế 3 có quy mô lớn với nhiều máy móc vừa được nâng cấp để phục vụ khâu chế biến sau thu hoạch. Để bảo vệ vườn thuốc, kỹ sư Tuyết Anh đã cho trồng phi lao ở xung quanh khu vực Trung tâm. Theo bà, đây là cách làm hiệu quả để tránh gió và cát bay làm hỏng vườn thuốc. Ngoài ra, khi trồng thuốc, bà Tuyết Anh còn chú ý làm dàn theo hướng đông - tây để cây hấp thu đầy đủ ánh sáng mặt trời, phát triển tốt, tăng lượng hợp chất có hoạt tính sinh học trong cây thuốc. Chỉ vào vườn thuốc xanh mơn mởn, bà Tuyết Anh chia sẻ: “Lúc trước, chẳng ai tin trên vùng đất cát nóng bỏng này lại có thể trồng được cây gì. Nhưng rồi tôi từ TP Hồ Chí Minh ra đây, làm cho vùng đất này trở nên xanh tốt. Người dân thấy mình làm được, họ cũng làm theo. Bao nhiêu cây thuốc ở đây đều trồng để lấy giống hoặc trình diễn mô hình. Còn để cung cấp nguyên liệu cho Trung tâm thì chúng tôi lấy từ những vườn thuốc của các hộ nông dân có hợp đồng sản xuất với Trung tâm”.
Hiện nay, số lượng chuyên viên, công nhân làm việc ở Trung tâm lên đến 50 người. Đó là chưa kể còn có 150 hộ dân đang hợp tác cùng Trung tâm trồng 5ha cây tần dày lá và 30ha cây diệp hạ châu. So với số hộ dân ban đầu tham gia dự án, con số này đã tăng gấp 3 lần. Ông Châu Văn Đồng, ở phường Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), là một người tham gia dự án từ rất sớm nói: “Cách làm của Trung tâm rất thuyết phục người dân. Họ biết chia sẻ lợi nhuận với bà con, và luôn đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nên đã góp phần thay đổi cuộc sống của người dân tham gia dự án”.
QUY TRÌNH SẢN XUẤT CHẶT CHẼ
Nông dân vùng dự án phải trồng diệp hạ châu, tần dày lá theo tiêu chuẩn VietGAP. Giống được trồng, thu hái, xử lý tại Trung tâm và cấp phát miễn phí cho người nông dân. Kỹ thuật trồng và chăm sóc được Trung tâm hỗ trợ qua các đợt tập huấn. Trong suốt quá trình gieo trồng cho đến lúc thu hoạch, các chuyên viên kỹ thuật của Trung tâm đến kiểm tra quy trình trồng ở từng gia đình. Nếu phát hiện sai sót, Trung tâm sẽ chấm dứt hợp đồng để chuyển sang cho hộ khác. Ngoài ra, Trung tâm còn áp dụng nhiều máy móc hiện đại ở khâu sau thu hoạch, nên đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao.
Theo bà Tuyết Anh: “Hiện trung tâm có 3 sản phẩm làm từ diệp hạ châu: nguyên liệu (lá sấy khô), cao chiết và bột sấy. Ai đã từng sử dụng những sản phẩm của Trung tâm sẽ thấy sản phẩm giữ được màu xanh, đẹp và có chất lượng rất tốt trong chữa bệnh. Thậm chí, có nhiều người sống ở nước ngoài cũng phải gọi điện về nhờ người thân mua sản phẩm “chính hãng”. Để tạo được uy tín đối với khách hàng, Trung tâm chúng tôi phải tuân thủ quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt; kiểm soát chất lượng từ khi cây thuốc còn trên đồng ruộng đến khi thu hoạch về xưởng và lúc xuất xưởng”.
Nhờ áp dụng công nghệ sau thu hoạch tiên tiến, chuyên viên kỹ thuật của Trung tâm có thể thực hiện tách chiết, định lượng hoạt chất sinh học có trong cây, và kiểm soát chúng ở mức ổn định nhất. Hiện tại, các sản phẩm nguyên liệu của Trung tâm được nhiều nhà thuốc trong nước tin tưởng, đặt hàng với số lượng lớn. Ví như, Công ty cổ phần Dược Danapha mua bột sấy để làm viên nang Vg 5, Công ty cổ phần Nam Dược dùng làm viên nang Hamega, hay Công ty cổ phần Dược phẩm Khang Minh làm viên nang Diệp hạ châu…
Với việc trồng cây dược liệu theo quy trình VietGAP, đồng thời ứng dụng công nghệ cao sau thu hoạch, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất dược liệu Miền Trung đang từng bước khẳng định vị trí của mình trong ngành sản xuất dược liệu.
THÁI HÀ