Thứ Ba, 08/10/2024 12:29 CH
Xây dựng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Khảo sát địa hình
Thứ Hai, 25/03/2013 09:01 SA

Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa được Bộ Công thương giao nhiệm vụ xây dựng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề Khảo sát địa hình. Đây là công trình nghiên cứu có nhiều ý nghĩa thực tiễn, được xây dựng và hoàn thiện từ tháng 7/2012 đến tháng 1/2013.

nghe130325.jpg

Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Khảo sát địa hình là cơ sở để đánh giá năng lực của người lao động - Ảnh: C.T.V

ÁP DỤNG TOÀN QUỐC

Ông Huỳnh Tấn Khả, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, Chủ nhiệm đề tài Xây dựng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề Khảo sát địa hình cho biết: Khảo sát địa hình là nghề chuyên thực hiện công tác khảo sát, đo đạc, tính toán, thành lập các bản đồ địa hình, bình đồ địa hình, mặt cắt địa hình phục vụ quy hoạch, thiết kế, thi công các loại công trình xây dựng tại khu vực địa lý theo yêu cầu của dự án hoặc phục vụ nghiên cứu khoa học; bố trí các công trình từ bản vẽ thiết kế ra thực địa; đo hoàn công công trình, theo dõi sự ổn định của công trình từ khi thi công đến khi ổn định.

Ngày 22/6/2012, Bộ trưởng Bộ Công thương giao nhiệm vụ cho Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa biên soạn tài liệu Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia dành cho nghề này. Để thực hiện đề tài, Ban chủ nhiệm phải hoàn thành tổng cộng 20 nhiệm vụ. Cụ thể, nhóm thực hiện đề tài phải lập phương án khảo sát thực địa, xây dựng lưới khống chế mặt bằng, xây dựng lưới khống chế độ cao, xây dựng lưới khống chế theo công nghệ GPS, xây dựng lưới khống chế đo vẽ bản đồ, đo vẽ bản đồ, thành lập bản đồ kỹ thuật số, nghiệm thu bàn giao bản đồ, đo vẽ các mặt cắt phục vụ thiết kế công trình xây dựng... Bên cạnh đó, trường còn tổ chức 4 cuộc hội thảo, thu hút nhiều chuyên gia có uy tín tham gia, đóng góp những đề xuất mới, ý kiến hay, góp phần làm nên sự thành công của đề tài.

Cùng với sự hỗ trợ của Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, sự cố gắng của Ban chủ nhiệm, tháng 1/2013, công trình đã được hoàn thành đúng tiến độ. Ông Khả cho biết thêm: Sau khi được Bộ Công thương ban hành, Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, nghề Khảo sát địa hình sẽ được lấy làm cơ sở chung, áp dụng cho nghề Khảo sát địa hình trên cả nước.

PHÙ HỢP VỚI XU THẾ PHÁT TRIỂN CỦA XÃ HỘI

Lâu nay, vì chưa có tiêu chí đánh giá chung nên vấn đề đánh giá đúng năng lực làm việc của người lao động để trả lương xứng đáng vẫn còn nhiều vướng mắc. Vì vậy, việc xây dựng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia rất cần thiết. Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề Khảo sát địa hình là tài liệu chi tiết về tiêu chuẩn thực hiện công việc như: mô tả công việc, các tiêu chí thực hiện, các kỹ năng và kiến thức thiết yếu, các điều kiện thực hiện công việc, tiêu chí và cách thức đánh giá kỹ năng. Công trình nghiên cứu cũng đã xây dựng được khung trình độ quốc gia đối với nghề khảo sát địa hình. Theo đó, khung trình độ nghề được chia làm 5 bậc, tương ứng với mỗi bậc là những tiêu chí đánh giá riêng, gồm: phạm vi, độ khó và độ phức tạp của công việc; mức độ linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện công việc; mức độ phối hợp và trách nhiệm trong thực hiện công việc. Cụ thể, người có trình độ kỹ năng nghề bậc 1 (chứng chỉ 1) phải làm được các công việc đơn giản, có tính lặp lại; có kiến thức cơ bản ở một phạm vi hẹp về hoạt động của nghề trong một số lĩnh vực; có khả năng tiếp nhận, ghi chép và chuyển thông tin theo yêu cầu... Người có trình độ kỹ năng nghề bậc 5 (chứng chỉ 5) phải: làm được các công việc của nghề với mức độ tinh thông, thành thạo và làm việc độc lập, tự chủ cao; hiểu biết rộng về lý thuyết cơ sở và sâu về kiến thức chuyên môn trong nhiều lĩnh vực của nghề; có kỹ năng phân tích, chẩn đoán, thiết kế, suy xét để giải quyết các vấn đề về mặt kỹ thuật và yêu cầu quản lý trong phạm vi rộng...

Dựa vào tiêu chuẩn này, người làm việc trong lĩnh vực khảo sát địa hình sẽ có định hướng phấn đấu nâng cao trình độ về kiến thức và kỹ năng của bản thân thông qua việc học tập hoặc tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm việc để có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp. Người sử dụng lao động, liên quan đến chuyên môn về khảo sát địa hình, có cơ sở để tuyển chọn lao động, bố trí công việc và trả lương hợp lý cho người lao động. Các cơ sở dạy nghề có căn cứ để xây dựng chương trình dạy nghề tiếp cận chuẩn nghề quốc gia, nghề Khảo sát địa hình. Cơ quan có thẩm quyền có căn cứ để tổ chức thực hiện việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, nghề Khảo sát địa hình.

Theo ông Khả, việc xây dựng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia phù hợp với xu thế hướng tới thị trường lao động chung của các nước thành viên ASEAN. Ở đó, người lao động có thể làm việc ở bất kỳ nước thành viên nào và được hưởng chế độ theo cấp bậc.

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek