Thứ Tư, 09/10/2024 02:18 SA
Sân khấu hóa văn học dân gian:
Khơi dậy tình yêu văn học trong học sinh
Thứ Tư, 06/03/2013 14:30 CH

Nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh học bộ môn Ngữ văn trong nhà trường, tối 2/3, tại Nhà Văn hóa Diên Hồng (TP Tuy Hòa), Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức ngoại khóa chuyên đề Văn học dân gian - mạch nguồn sức sống dân tộc. Chương trình góp phần khơi dậy trong học sinh tình cảm yêu mến văn học hơn.

 

dan-gian130306.jpg

Một tiết mục hát dân ca do học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ thể hiện - Ảnh: M.THÚY

Mở đầu diễn văn khai mạc chương trình, cô giáo Nguyễn Thị Ngân, Tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Nguyễn Huệ nhấn mạnh: Văn học dân gian là sáng tác nghệ thuật truyền miệng của các tầng lớp nhân dân. Trải qua các thời kỳ lịch sử, văn học dân gian có sức sống mãnh liệt và tồn tại cho đến ngày nay. Văn học dân gian là khởi nguồn cho sáng tác của văn học viết và trở thành nội dung không thể thiếu của văn học dân tộc. Đặc trưng cơ bản của văn học dân gian mang tính tập thể, tính truyền miệng gắn liền với môi trường diễn xướng. Trải qua suốt chiều dài lịch sử, văn học dân gian như mạch nguồn trong lành nuôi dưỡng đời sống tâm hồn người Việt Nam từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành.

 

Ngay sau đó, khán giả đã được thưởng thức sinh động “bữa tiệc” văn học dân gian với các thể loại được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông như tục ngữ, ca dao, hò vè, câu đố, truyện kể dân gian, chèo, hài kịch… Vở kịch “Thị Mầu lên chùa” do giáo viên Trần Thị Thủy và Thu Trang thể hiện, ngay từ khi cất lời đã nhận được nhiều tràng pháo tay từ học sinh. Một cô Mầu lẳng lơ, một chú tiểu “đẹp” trong bộ áo nâu, hai cô giáo đã thực sự hóa thân vào nhân vật, đem lại cho người xem những tiếng cười sảng khoái. Cô Trần Thị Thủy bộc bạch: “Trong chương trình Ngữ văn lớp 10, văn học dân gian chiếm một thời lượng không nhỏ. Để học sinh khối lớp này cảm và yêu mến văn học dân gian, Tổ Ngữ văn của nhà trường tổ chức Câu lạc bộ Văn học dân gian. Buổi ngoại khóa này nhằm mục đích ôn tập, củng cố những kiến thức về phần văn học dân gian cho các em. Chương trình cũng là sân chơi “vui - học, học - vui”, là dịp để các em học sinh giao lưu và thể hiện khả năng bản thân, sự sáng tạo của chính mình. Hy vọng những buổi ngoại khóa như thế này sẽ khơi dậy ở các em tình cảm yêu mến văn học hơn”.

 

Bên cạnh những tiết mục do giáo viên thể hiện, các tiết mục hát, múa dựa trên các làn điệu dân ca được đông đảo học sinh thể hiện cũng thu hút khán giả. Em Trương Xuân Dung, học sinh lớp 10 TH2 cho biết: “Em tham gia biểu diễn trang phục truyền thống của người Dao. Trước khi khoác lên mình bộ trang phục người Dao em được các thầy cô giáo hướng dẫn tìm hiểu về phong tục, lối sống của họ. Đây là cơ hội giúp em hiểu biết thêm về đời sống của cộng đồng người Dao”. Còn học sinh Nguyễn Thị Hồng Nhung thì thổ lộ: “Thông qua phần thi đón làn điệu dân ca, em biết và sẽ nhớ kỹ bài Lý cây bông là dân ca Nam Bộ; bài Đi cấy là dân ca Thanh Hóa… Cách học này giúp em dễ ghi nhớ và nhớ lâu hơn”. Với các thể loại của văn học dân gian được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông như tục ngữ, ca dao, hò vè, câu đố, truyện kể dân gian, chèo, hài kịch, sân khấu dân gian… những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo việc giữ gìn văn hóa dân gian qua phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong đó quan tâm tới việc triển khai các làn điệu dân ca và các trò chơi dân gian… gắn với nội dung đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực nhằm phát huy trí lực, sự sáng tạo của học sinh. Nhiều học sinh cho rằng môn Văn là bộ môn “gây mê”, khó học. Thế nhưng môn Văn có thật sự đáng sợ như vậy không? Em Lê Nguyễn Quỳnh Như, học sinh lớp 10 TL1 nói: “Thế mạnh của em là các môn tự nhiên nên nhiều khi lơ là môn Văn. Em tham gia sinh hoạt câu lạc bộ Văn học dân gian để làm “mềm” tâm hồn mình thông qua thể hiện diễn xuất các văn bản được học trên lớp. Môn Văn trở nên nhẹ nhàng và ý vị khi mình biết cách tạo bầu không khí vui vẻ, ý nghĩa trong quá trình tiếp thu”.

 

Môn Văn dễ đối với các học sinh yêu văn chương, nhưng để học sinh hiểu và cần cù học hỏi thì đòi hỏi giáo viên có cách truyền đạt. Cô Ngân cho biết: “Nguồn cảm hứng văn học lúc nào cũng từ thực tế cuộc sống, do đó học sinh biết quan sát những cử chỉ, hành động và sự việc xảy ra xung quanh, các em sẽ nhận rõ những ý tưởng cần thiết trong bài văn của mình. Sân khấu hóa cách học văn mà Tổ Ngữ văn của nhà trường tổ chức cũng không ngoài mục đích giúp học sinh nhận ra điều này”.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek