Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa vừa thực hiện đề tài Xây dựng lưới khống chế thi công phục vụ giảng dạy thực hành trắc địa. Đề tài này còn làm cơ sở để giảng viên, sinh viên thực nghiệm nghiên cứu khoa học, tiến tới phục vụ quy hoạch trường và các khu vực có diện tích lớn hơn.
Các sinh viên thực hành trắc địa trên máy toàn đạc điện tử - Ảnh: CTV
CẢI TIẾN CÔNG VIỆC
Môn trắc địa đại cương trong nhà trường thường chỉ có tính lý thuyết nên khi ra thực tế công tác, sinh viên, học sinh thường gặp nhiều khó khăn. Nhằm giúp người học trang bị đầy đủ kỹ năng thực hành, thạc sĩ Trần Quang Thành, Trưởng khoa Tài nguyên - Môi trường, Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa và nhóm cộng tác đã thực hiện đề tài Xây dựng lưới khống chế thi công, dạng lưới ô vuông xây dựng theo TCXDVN309-2004 tại cơ sở 1 Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa. Kết quả của đề tài đã giúp cải tiến đáng kể việc thực hành đo đạc của sinh viên, học sinh trong nhà trường.
Trong trắc địa, để phục vụ công tác đo đạc bản đồ trên một phạm vi lớn, các chuyên gia tiến hành xây dựng hệ thống các điểm có tọa độ và độ cao theo một hệ thống nhất định. Hệ thống các điểm này tạo thành một mạng lưới liên kết với nhau theo một tiêu chuẩn nhất định. Căn cứ vào tọa độ của một điểm được chọn làm giá trị khởi tính, người ta xác định các điểm còn lại của lưới. Hệ thống các điểm này gọi là lưới khống chế trắc địa. Về tổng thể, lưới khống chế trắc địa phân thành 3 cấp chính, gồm lưới khống chế trắc địa Nhà nước, lưới khống chế trắc địa cơ sở và lưới khống chế đo vẽ. Mỗi cấp lại phân thành các hạng theo nguyên tắc từ tổng quát đến chi tiết với độ chính xác giảm dần; lưới cấp sau phát triển dựa vào lưới cấp trước và được tính trong cùng một hệ thống nhất.
Thạc sĩ Trần Quang Thành chia sẻ: “Khi chưa có hệ thống lưới này, việc dạy thực hành các môn trắc địa gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết các công trình đang xây dựng thường không cho học sinh, sinh viên vào công trường thực hành để bảo an toàn lao động. Mặt khác, mỗi khi thực hành, học sinh, sinh viên thường phải ra thực địa tính toán, đo đạc để có kết quả; còn giáo viên, muốn kiểm tra kết quả của học sinh phải tiến hành tính toán lại, đo đạc lại. Từ khi có hệ thống lưới khống chế thi công, các giáo viên có sẵn các số liệu gốc để làm cơ sở đánh giá trong kiểm tra và thi thực hành nên công việc giảng dạy thuận lợi hơn”.
ĐÁP ỨNG NHU CẦU THỰC HÀNH
Hiện Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa có nhiều học sinh, sinh viên đang theo học các ngành trắc địa ở các bậc trung cấp và cao đẳng. Ở ngành học này, nhu cầu đo đạc, xử lý số liệu đo đạc của lưới khống chế trắc địa nói chung, lưới thi công công trình nói riêng rất cần thiết. Đề tài Xây dựng lưới khống chế thi công, dạng lưới ô vuông xây dựng theo TCXDVN309-2004 tại cơ sở 1 Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa được đưa vào ứng dụng thực tiễn đã đáp ứng phần nào nhu cầu này. Theo thạc sĩ Trần Thiện Thuật, Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Hợp tác quốc tế Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, lưới khống chế thi công sau khi hoàn thành, đưa vào ứng dụng đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong thực tế dạy và học của giáo viên và học sinh Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa.
Thạc sĩ Trần Quang Thành cho biết: “Từ khi xây dựng hệ thống lưới khống chế thi công cho cơ sở 1 của trường, các học sinh, sinh viên có thêm nhiều khoảng trống sân trường để thỏa sức bố trí những công trình xây dựng theo ý tưởng của các em. Đổi lại, các em phải thu thập, tính toán, xử lý các số liệu để xác định được vị trí công trình ngoài thực địa. Việc thường xuyên thực hành này giúp các em có tay nghề vững hơn. Trong xây dựng, nếu kiến trúc sư là người tạo nên những bản vẽ; kỹ sư xây dựng dựa vào bản vẽ để xây dựng nên công trình, thì công việc của người trắc địa là chuyển công trình từ trên bản vẽ ra ngoài thực tế. Cụ thể, người trắc địa phải định vị được công trình sẽ nằm ở vị trí nào ở trên khu đất nào. Muốn vậy, trước tiên, người làm cần phải dùng lưới này để định vị chung cho khu vực cần xây dựng công trình, sau đó mới định vị các điểm công trình trên bề mặt tự nhiên; cuối cùng mới là xây dựng công trình”.
Để xây dựng hệ thống lưới khống chế thi công, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập tài liệu liên quan gồm bình đồ địa hình khu vực cơ sở 1 của trường; điểm gốc tọa độ, độ cao hệ VN-2000; chương trình khung đào tạo ngành trắc địa. Sau khi có đủ tài liệu, nhóm tiến hành thiết kế và đo đạc lưới mặt phẳng và độ cao bằng máy toàn đạc điện tử GTS721, máy thủy bình tự động Nikon với độ chính xác cao. Cuối cùng, các số liệu lưới được xử lý bằng cách ứng dụng phần mềm DP Survey để bình sai chặt chẽ. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên trong quá trình thực hành, nhóm nghiên cứu đã làm mô hình lưới khống chế xây dựng có tính chất chung, không phục vụ cho một công trình cụ thể nào mà chủ yếu dùng để học sinh, sinh viên có thể tiếp tục công việc tính toán, xử lý số liệu nhằm hướng đến việc hoàn thiện cơ sở 1 của trường. Ngoài ra, hệ thống lưới này còn được sử dụng cho các môn học khác.
THÁI HÀ