Thứ Sáu, 11/10/2024 17:20 CH
Phát triển nhân lực tỉnh Phú Yên:
Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn của nhân lực
Thứ Ba, 06/11/2012 18:00 CH

Phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh. Phóng viên Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Quang Nhất, Phó chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.

 

Ong-Nhat.jpg

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Nhất - Ảnh: M.NGUYỆT

* Xin đồng chí cho biết thực trạng nguồn nhân lực ở Phú Yên hiện nay như thế nào?

 

- Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, Phú Yên cũng chú trọng đầu tư nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài nhằm thúc đẩy nhanh sự nghiệp CNH-HĐH của tỉnh. Tuy nhiên, thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay còn nhiều hạn chế so với yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Điều đáng chú ý là: Cơ cấu nguồn nhân lực chưa phù hợp, tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” chưa được khắc phục. Theo các nhà kinh tế, cơ cấu nguồn nhân lực theo chuyên môn kỹ thuật có tỉ lệ hợp lý là: 1 người có trình độ đại học và sau đại học thì có 4 người có trình độ trung học chuyên nghiệp và 10 công nhân kỹ thuật, trong khi đó cơ cấu nguồn nhân lực ở Phú Yên là: 1-1,66-1,35 rõ ràng là chưa hợp lý và sẽ khó phát huy hiệu quả. Trình độ chuyên môn, kỹ thuật của lao động còn hạn chế; lao động giản đơn chưa qua đào tạo còn chiếm tỉ lệ lớn (60%); công nhân kỹ thuật lành nghề còn thấp, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề mới chỉ chiếm 26% trong tổng số 40% lao động đã qua đào tạo. Số lượng cán bộ có trình độ chuyên sâu các ngành, các lĩnh vực mà địa phương đang thiếu, đang cần còn ít, nhất là các ngành kinh tế, kỹ thuật. Trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước của không ít cán bộ, công chức cấp xã chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quy định. Trình độ tin học, ngoại ngữ của lao động rất hạn chế, chưa đáp ứng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cơ chế chính sách thu hút nhân tài, lao động có chất lượng cao chưa đạt yêu cầu đề ra. Sử dụng cán bộ sau đại học có lúc, có nơi chưa hợp lý, chưa phát huy được năng lực chuyên môn, dẫn đến tình trạng cán bộ được đào tạo xin chuyển đi tỉnh khác hoặc tự ý bỏ việc.

 

* Xin đồng chí cho biết hướng phát triển nhân lực thời kỳ 2011- 2020 của tỉnh Phú Yên là gì?

 

- Công tác phát triển nhân lực trong thời gian tới sẽ là nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn của nhân lực; tạo việc làm, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ và nâng cao hiệu quả sử dụng nhân lực. Công tác này cũng sẽ hợp lý hóa phân bổ nhân lực theo lãnh thổ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội các địa bàn trong tỉnh.

 

* Để phát triển nguồn nhân lực, tỉnh có giải pháp phát triển như thế nào, thưa đồng chí?

 

- Việc đầu tiên là nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phát triển nhân lực, đồng thời đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực; các giải pháp về đào tạo và bồi dưỡng nhân lực, huy động nguồn lực, về việc làm, thị trường lao động, điều kiện làm việc. Ngoài ra, tỉnh cũng mở rộng, tăng cường sự phối hợp, hợp tác để phát triển nhân lực và có các chương trình dự án ưu tiên.

 

* Đồng chí có thể nói cụ thể các chương trình dự án ưu tiên?

 

- Đó là chương trình đào tạo mới nhân lực; chương trình đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho nhân lực; chương trình, dự án phát triển nhân lực các nhóm đặc thù và chương trình, dự án phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực.

 

Trong đó, công tác đào tạo mới ở giai đoạn 2011-2015 bình quân 24.000 người/năm, giai đoạn 2016-2020 bình quân 28.000 người/năm. Việc đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho nguồn nhân lực là việc làm thường xuyên và mang tính tất yếu, nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc đổi mới công nghệ sản xuất diễn ra nhanh chóng thì nhu cầu đào tạo lại và bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý và người lao động là cần thiết. Do vậy, mỗi một doanh nghiệp và người sử dụng lao động, các cơ quan hành chính, sự nghiệp phải lập chương trình 5 năm về đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho cán bộ công nhân viên và người lao động của cơ quan, đơn vị mình, từ đó hàng năm có kế hoạch đào tạo lại và bồi dưỡng sát với yêu cầu sử dụng nguồn nhân lực.

 

Các nhóm đặc thù được tập trung gồm: Cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; cán bộ quản lý các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã; nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin; công nhân kỹ thuật phục vụ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

 

Day-nghe-121106.jpg

Dạy nghề ở Trường cao đẳng Nghề Phú Yên - Ảnh: MINH NGUYỆT

* Chương trình, dự án phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nhân lực được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

 

- Về hệ thống giáo dục phổ thông, tỉnh sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, chỉ đạo xây dựng trường trọng điểm, trường chuẩn quốc gia ở các ngành học, bậc học. Phú Yên luôn khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư các trường tư thục ở các bậc học phổ thông. Ngân sách nhà nước tập trung đầu tư một số trường chất lượng cao của tỉnh, tạo nguồn để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với việc phát triển mạng lưới giáo dục phổ thông, tỉnh còn tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ, đồng bộ, đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn.

 

Về hệ thống đào tạo chuyên nghiệp, tỉnh sẽ hình thành hệ thống trung học chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh và của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, đảm bảo cơ cấu đào tạo hợp lý. Chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo được đổi mới để đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế. Việc dạy nghề, công nhân kỹ thuật cũng sẽ được đẩy mạnh nhằm phát huy vai trò của các trường cao đẳng và các trường trung học có dạy nghề hiện có của tỉnh. Đa dạng hóa các phương thức đào tạo và cho phép các thành phần kinh tế mở trường đào tạo nghề. Tỉnh khuyến khích các trung tâm giáo dục thường xuyên liên kết với các trường trong và ngoài tỉnh tham gia đào tạo trung cấp, cao đẳng và đại học chuyên nghiệp; có chính sách thu hút các trường đại học trong và ngoài nước đầu tư mở các trường chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu đào tạo của tỉnh; tiếp tục có chính sách khuyến khích đào tạo cán bộ có trình độ tiến sĩ, khuyến khích du học ở các nước.

 

Về mạng lưới cơ sở hạ tầng, sau năm 2015, các trung tâm dạy nghề sẽ được nâng cấp phát triển thành các trường trung cấp nghề, tiếp tục được đầu tư chiều sâu, trang thiết bị hoàn chỉnh. Bên cạnh việc xây dựng chính sách hiện đại hóa dạy nghề, tỉnh sẽ khuyến khích các hoạt động đào tạo nghề truyền thống theo lối kèm cặp đối với các ngành nghề đặc trưng mang tính dân tộc... nhằm giữ gìn và đẩy mạnh việc sản xuất các mặt hàng truyền thống phục vụ cho các hoạt động thương mại, quảng bá văn hóa.

* Xin cảm ơn đồng chí!

 

Theo quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020, đến năm 2015, tỉ lệ lao động qua đào tạo 55%, trong đó đào tạo nghề 41%, quy mô đào tạo đạt 24.900 người, hệ dạy nghề 16.100 người, hệ đào tạo giáo dục 8.800 người. Khu kinh tế có nhu cầu lao động được đào tạo bình quân 3.790 người/năm. Đặc biệt trong giai đoạn này, nhu cầu đào tạo các kỹ sư, lao động lọc hóa dầu khoảng 500 người.

 

Đến năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo 67%, trong đó đào tạo nghề 51%, quy mô đào tạo đạt 29.300 người, hệ đào tạo nghề 14.700 người, hệ đào tạo giáo dục 12.000 người. Khu kinh tế có nhu cầu lao động được đào tạo bình quân 8.900 người/năm, 2 ngành mũi nhọn được tập trung là lọc hóa dầu và chế biến thủy sản - thực phẩm 7.585 người.

 

MINH CHÂU (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek