Thứ Sáu, 11/10/2024 19:27 CH
Triển khai Đề án Dạy và học ngoại ngữ:
Chậm do cơ sở vật chất, giáo viên thiếu và yếu
Chủ Nhật, 04/11/2012 07:45 SA

Khâu quyết định sự thành công của Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 là xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, đảm bảo về cơ sở vật chất thì Phú Yên vừa thiếu vừa yếu.

 

phong-hoc121104.jpg

Học tiếng Anh ở Trường THPT Nguyễn Huệ - Ảnh: M.THÚY

NHIỀU THÁCH THỨC

 

Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 của Thủ tướng Chính phủ đến nay đã triển khai hết giai đoạn 1. Thực tế tại Phú Yên cho thấy ngành GD-ĐT đang gặp không ít khó khăn. Khâu quyết định sự thành công của đề án là xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, cơ sở vật chất đảm bảo thì Phú Yên vừa thiếu vừa yếu. Tiến sĩ Phạm Văn Cường, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên cho biết, Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS phải đạt chuẩn trình độ B2 trở lên; giáo viên THPT phải đạt trình độ C1 trở lên theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ châu Âu. Tuy nhiên, qua khảo sát năng lực giảng dạy tiếng Anh mới đây của Sở GD-ĐT, rất ít giáo viên của các trường tiểu học, THCS, THPT đạt yêu cầu này.

 

Trình độ năng lực của đội ngũ giáo viên còn quá hạn chế là một trong những rào cản lớn nhất trong việc thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020. Nguyên nhân của thực trạng này là do đội ngũ giáo viên ngoại ngữ được tuyển dụng từ nhiều nguồn, năng lực ngoại ngữ và năng lực giảng dạy của một bộ phận lớn giáo viên còn hạn chế. Đánh giá về kết quả dạy học môn ngoại ngữ, nhiều giáo viên cho rằng môn học này luôn có chất lượng khiêm tốn, hiệu quả thấp. Cả giáo viên lẫn học sinh hầu như không sử dụng được tiếng Anh trong những tình huống giao tiếp thông thường. Việc dạy - học ở nhiều nơi mới là hình thức, chủ yếu dạy - học để đi thi chứ chưa phải để trang bị phương tiện học tập, làm việc. Cô Nguyễn Thị Kim Lệ, giáo viên Trường tiểu học số 2 Hòa Đồng (huyện Tây Hòa) cho biết: “Tôi dạy môn Tiếng Anh gần 10 năm. Chương trình dạy - học tiếng Anh ở tiểu học chỉ chú trọng đến rèn ngữ pháp, viết. Trong khi để đạt chuẩn B2 theo khung tham chiếu châu Âu đòi hỏi rất cao về kỹ năng nghe, nói nên rất ít giáo viên hội đủ chuẩn B2”.

 

Tiến sĩ Phạm Văn Cường nhìn nhận, trong quá trình tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh tiểu học, các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn do chưa có chỉ tiêu biên chế, chế độ tiền lương, thù lao cho giáo viên tiếng Anh tiểu học còn bất cập. Điều quan trọng nhất hiện nay là chất lượng dạy học ngoại ngữ đại trà chưa cao do mục tiêu dạy và học ngoại ngữ đặt ra chưa rõ ràng, đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ còn nhiều hạn chế; phương pháp dạy và học ngoại ngữ còn rất lạc hậu. Ở nhiều trường, các thiết bị tối thiểu cho việc học tiếng Anh như máy cassette, băng, đĩa CD, các thiết bị nghe nhìn khác còn chưa đủ hoặc cũ, hỏng, không đảm bảo chất lượng, chưa được mua sắm, bổ sung kịp thời. Hầu hết các trường chưa có phòng học ngoại ngữ riêng; các thiết bị hiện đại còn ít. Điều này là thách thức lớn khi thực hiện triển khai dạy chương trình mới.

 

Các loại thiết bị nằm trong danh mục thiết bị dạy học thông dụng môn ngoại ngữ, gồm cassette; tăng âm, loa, micro; ti vi, đầu đĩa; máy vi tính; máy chiếu đa năng; thiết bị âm thanh đa năng; tranh tương tác; thẻ luyện tập; bộ thẻ các nhân vật; bộ thẻ chữ; băng, đĩa. Đối với những trường chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ còn hạn chế về chuyên môn thì chỉ chọn mua những thiết bị cần thiết.

NÂNG CHẤT GIÁO VIÊN VÀ ĐẦU TƯ TRANG THIẾT BỊ

 

Theo kế hoạch dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020 được UBND tỉnh phê duyệt, từ năm học 2012-2013, môn Tiếng Anh lớp 3 được triển khai dạy theo chương trình mới cho khoảng 30% số lượng học sinh lớp 3, mở rộng dần quy mô để đạt 70% vào năm học 2015-2016 và 100% các trường tiểu học, THCS và THPT trên địa bàn tỉnh dạy học theo chương trình ngoại ngữ 10 năm vào năm học 2019-2020. Để đáp ứng được yêu cầu, Sở GD-ĐT Phú Yên đang tập trung nâng chất đội ngũ giáo viên và bổ sung trang thiết bị dạy học. Năm 2012, Phú Yên được Trung ương hỗ trợ hơn 5,9 tỉ đồng để tổ chức bồi dưỡng năng lực cho giáo viên và mua sắm trang thiết bị dạy học. Trước mắt, Sở GD-ĐT đầu tư thiết bị dạy học cho 6 phòng học thuộc các trường có số lượng giáo viên đạt chuẩn nhiều nhất với kinh phí 3 tỉ đồng.

 

Tiến sĩ Phạm Văn Cường cho biết, trên cơ sở hướng dẫn mua sắm thiết bị và bảo quản thiết bị dạy học môn ngoại ngữ trong các trường phổ thông của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT căn cứ vào khả năng sử dụng thiết bị của giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất hiện có của từng trường học, số lớp học, số học sinh, các chức năng cơ bản của từng thiết bị phù hợp với yêu cầu, khả năng giảng dạy của từng cơ sở giáo dục, tổ chức rà soát các thiết bị dạy học đã có, đối chiếu với danh mục thiết bị dạy học môn ngoại ngữ trong các trường phổ thông để lập kế hoạch mua sắm về chủng loại, số lượng thiết bị phục vụ giảng dạy môn ngoại ngữ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí. Đối với các trường chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ còn hạn chế về chuyên môn chỉ lựa chọn trong nhóm thiết bị thông dụng để mua sắm những thiết bị cần thiết tối thiểu hỗ trợ cho giáo viên và học sinh trong dạy và học. Đối với các thiết bị thông dụng đã được đầu tư những năm trước như máy vi tính, máy chiếu, ti vi, cassette... phải bảo dưỡng, lắp đặt kết hợp mà không phải mua sắm bổ sung. Bên cạnh đó, những trường đã đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ đạt chuẩn có thể cân nhắc lựa chọn một phương án trong Hệ thống thiết bị dạy học ngoại ngữ chuyên dụng để mua sắm và chỉ được mua sắm khi có đủ điều kiện: Giáo viên đã được tập huấn sử dụng thành thạo thiết bị dạy học ngoại ngữ chuyên dụng; đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất của nhà trường (phòng học, bàn, ghế...) và cam kết của nhà cung cấp về xuất xứ hàng hóa, điều kiện lắp đặt, bảo hành, bảo trì và hướng dẫn sử dụng cho các phòng học bộ môn, không mua sắm quá 1 phòng/trường.

 

Ngoài ra, đối với các thiết bị đã được đầu tư từ những năm trước như: Máy vi tính cho giáo viên và học sinh, máy chiếu, màn chiếu... yêu cầu phải bảo dưỡng, lắp đặt kết hợp mà không phải mua sắm bổ sung. Đối với các thiết bị dạy học khác để hỗ trợ thêm cho giáo viên, học sinh trong giảng dạy, học tập có hiệu quả, tùy theo điều kiện của từng cơ sở giáo dục, đặc biệt là đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ đủ năng lực sử dụng, điều kiện cơ sở vật chất cho lắp đặt, nguồn kinh phí hợp pháp của nhà trường để cân nhắc kỹ và có thể mua sắm bổ sung phù hợp với yêu cầu của chương trình, nội dung sách giáo khoa, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí.

  

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek