Thứ Sáu, 11/10/2024 21:24 CH
Đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá trong giáo dục:
Giáo viên linh hoạt, học sinh tích cực
Thứ Tư, 31/10/2012 08:30 SA

Những năm gần đây, việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo chủ trương của Bộ GD-ĐT đã trở thành một đòn bẩy mạnh mẽ làm thay đổi đáng kể chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh.

 

Thuc-hanh-2-121031.jpg

Giờ thực hành của sinh viên - Ảnh: T.HẰNG

CHỦ ĐỘNG TRONG DẠY VÀ HỌC

 

Theo các giáo viên, nếu như trước đây, người thầy khi dạy học phần nhiều sử dụng phấn trắng bảng đen cùng với lời giảng bài, thậm chí chỉ “thầy đọc – trò chép”, thì nay việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá đã giúp hỗ trợ thêm cho người dạy các trang thiết bị dạy học hiện đại, cũng như việc ra đề kiểm tra một cách khoa học, giúp tiết học trở nên sinh động.

 

Thầy Trần Hùng Anh, Tổ trưởng Tổ chuyên môn Vật lý Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cho biết: “Tổ chuyên môn Vật lý của chúng tôi có 13 người. Bên cạnh sử dụng máy vi tính soạn bài giảng điện tử, các thầy cô giáo trong tổ còn thống nhất trong ra đề kiểm tra (hình thức, mức độ), giáo viên nào cũng phải ra đề, sau đó tổ tổng hợp, góp ý để đi đến thống nhất”. Theo thầy Hùng Anh, thông qua kiểm tra đánh giá, giáo viên và học sinh có thể hiểu được kết quả dạy học có đáp ứng được yêu cầu đề ra hay không để điều chỉnh, hoàn thiện quá trình dạy học cho tốt hơn. Việc phản hồi này không chỉ đơn thuần xem xét một học sinh có đạt được các mục tiêu giáo dục hay không, mà còn có vai trò tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy học và đổi mới phương pháp dạy học. Đối với học sinh, kiểm tra đánh giá không chỉ là biện pháp để hoàn thiện tri thức mà còn là điều kiện để hình thành phương pháp tự học, thái độ học tập tích cực. Kiểm tra đánh giá tổ chức nghiêm túc sẽ giúp học sinh nâng cao tinh thần trách nhiệm trong học tập, ý chí vươn lên để đạt những kết quả học tập cao hơn.

 

Nhà giáo ưu tú Quách Đình Công, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi nhìn nhận: “Trong quá trình dạy học, thực hiện tốt khâu kiểm tra sẽ cung cấp thông tin chính xác giúp cho việc đánh giá được khách quan, từ đó có thể thấy rõ được ưu điểm và hạn chế của thực trạng dạy học để đề ra các biện pháp nhằm cải thiện thực trạng, nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học”. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, ngay từ đầu năm học Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi yêu cầu giáo viên thực hiện đổi mới nội dung, hình thức kiểm tra, đánh giá hoạt động học tập của học sinh theo hướng coi trọng đánh giá để giúp đỡ học sinh về phương pháp học tập, động viên sự cố gắng, hứng thú học tập của các em thông qua việc nâng cao chất lượng các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ, kiểm tra học kỳ cả lý thuyết và thực hành. Giáo viên chủ động kết hợp một cách hợp lý, phù hợp giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan. Giờ học trên lớp không còn thuần túy là tiết học chỉ có một mình giáo viên làm việc, nói thao thao bất tuyệt để giảng bài cho học sinh mà là người hướng dẫn học sinh phương pháp, cách thức phát hiện, tìm hiểu để nắm bắt kiến thức của bài học mới. Người thầy trở thành người đối thoại với học sinh, cùng với học sinh như một người bạn đồng hành từ đầu đến cuối buổi học.

 

Thuc-hanh-1-121031.jpg

Tăng thời lượng thực hành để giúp học sinh thông hiểu, vận dụng kiến thức đã học để góp phần khắc phục việc ghi nhớ máy móc - Ảnh: M.THÚY

KHẮC PHỤC VIỆC GHI NHỚ MÁY MÓC

 

Ngay từ đầu năm học 2012-2013, một vấn đề được Bộ GD-ĐT lưu ý trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học đó là tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Bộ GD-ĐT nêu rõ: Các trường phải tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT. Giáo viên chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học… Giáo viên tạo điều kiện, hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ; xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lý, phù hợp với các đối tượng giúp học sinh vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, khắc phục việc ghi nhớ máy móc, không nắm vững bản chất. Các trường cần chỉ đạo nghiêm túc việc xây dựng ma trận đề kiểm tra cho mỗi chương và cả chương trình môn học; tăng cường ra câu hỏi kiểm tra bổ sung cho thư viện câu hỏi của trường. Khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng tiến bộ của học sinh. Việc cho điểm có thể kết hợp giữa đánh giá kết quả bài làm với theo dõi sự cố gắng, tiến bộ của học sinh. Chú ý hướng dẫn học sinh đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình.

 

Trên cơ sở hướng dẫn này, Sở GD-ĐT Phú Yên yêu cầu mỗi phòng GD-ĐT chọn thí điểm mô hình trường THCS đổi mới đồng bộ phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục. Tất cả các trường tổ chức kiểm tra, thi tập trung một số môn vào giữa học kỳ, cuối học kỳ theo hình thức 3C: chung đề, chấm chéo, công khai (kết quả). Phòng GD-ĐT tổ chức ra đề kiểm tra, chấm tập trung 3 môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh học kỳ 1; Sở GD-ĐT ra đề kiểm tra chung, giao phòng GD-ĐT tổ chức chấm tập trung 3 môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh THCS học kỳ 2. Các phòng GD-ĐT, từng trường THPT chỉ đạo giáo viên ra đề, soạn đáp án và hướng dẫn chấm bài thi phải bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông; đề thi kiểm tra phải đảm bảo tỉ lệ khả năng thông hiểu, vận dụng, mức độ nhận biết phù hợp đối tượng, khắc phục việc ghi nhớ máy móc.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek