UBND tỉnh Phú Yên vừa phát động hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 3 (2008 - 2009) nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo của toàn dân trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Hồ Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Phú Yên, kiêm Trưởng ban tổ chức hội thi xung quanh vấn đề này.
Kỹ sư Trương Đình Tú (Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa), người từng đoạt giải sáng tạo KHCN tỉnh Phú Yên với phần mềm “Bộ gõ tiếng dân tộc thiểu số” - Ảnh: P.V |
* Xin ông cho biết những đối tượng, lĩnh vực nào được tham dự hội thi?
- Tất cả các giải pháp kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống, kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng đều có quyền tham dự hội thi. Các giải pháp dự thi đăng ký theo 5 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông lâm ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; y dược, giáo dục, đào tạo và các lĩnh vực khác.
Mọi cá nhân người Phú Yên ở trong và ngoài tỉnh, cá nhân, người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Phú Yên, không phân biệt lứa tuổi, thành phần, dân tộc, nghề nghiệp, có các giải pháp kỹ thuật là kết quả của hoạt động sáng tạo, sáng kiến, cải tiến và ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động kinh tế - xã hội được tạo ra và áp dụng tại tỉnh từ năm 2003 trở lại đây đều có quyền tham dự hội thi. Mọi tổ chức ở Phú Yên đã đầu tư để tạo ra giải pháp kỹ thuật đều có quyền đứng tên tham dự hội thi. Trong trường hợp này, những người trực tiếp tham gia sáng tạo ra giải pháp kỹ thuật được tổ chức đứng tên dự thi đăng ký là tác giả hoặc nhóm tác giả của giải pháp kỹ thuật dự thi.
* Tiêu chuẩn đánh giá giải pháp dự thi như thế nào, thưa ông?
- Thứ nhất là mới so với trình độ kỹ thuật ở Phú Yên: Giải pháp dự thi không trùng với giải pháp đã được công bố trong bất kỳ nguồn thông tin nào có ở Việt Nam hoặc đã được áp dụng ở Việt Nam trước ngày nộp hồ sơ. Thứ hai là khả năng áp dụng rộng rãi trong điều kiện của tỉnh: Giải pháp dự thi đã được thử nghiệm, sản xuất thử và được chứng minh khả năng áp dụng có hiệu quả. Thứ ba là hiệu quả kinh tế - xã hội: Giải pháp mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cao hơn so với giải pháp tương tự đã biết ở trong nước hoặc tỉnh, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội.
* Ông có thể cho biết cách thức lập hồ sơ dự thi?
- Hồ sơ dự thi trình bày trên khổ giấy A4, gồm 3 bộ, bao gồm phiếu đăng ký dự thi, bản mô tả giải pháp dự thi và toàn văn giải pháp dự thi thuộc các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật. Phiếu đăng ký dự thi gồm các nội dung: họ và tên người dự thi hoặc tên tổ chức dự thi; địa chỉ nơi làm việc hoặc nơi cư trú, điện thoại liên hệ; nghề nghiệp của tác giả hoặc nhóm tác giả, tên giải pháp dự thi; lĩnh vực dự thi; thời điểm tạo ra giải pháp. Bên cạnh đó, cần có văn bản thỏa thuận của các đồng tác giả về phần trăm đóng góp và ủy quyền cho một người đứng ra làm đại diện dự thi nếu giải pháp do nhóm tác giả tạo ra; cam đoan của người dự thi về những điều ghi trong hồ sơ dự thi là đúng sự thật; xác nhận của tổ chức cho phép dự thi nếu tác giả dự thi với tư cách cá nhân hoặc tập thể, hoặc xác nhận của địa phương nơi tác giả cư trú.
Bản mô tả giải pháp dự thi mô tả giải pháp kỹ thuật đã biết, nếu có, mô tả ngắn gọn các giải pháp kỹ thuật đã biết trước ngày tạo ra giải pháp dự thi, đặc biệt cần nêu rõ những nhược điểm cần khắc phục của các giải pháp đó. Mô tả giải pháp dự thi, thuyết minh tính mới của giải pháp dự thi, mô tả ngắn gọn nhưng đầy đủ và rõ ràng toàn bộ nội dung của giải pháp dự thi. Đặc biệt cần nêu rõ đã khắc phục những nhược điểm nào, sáng kiến cải tiến những chỉ tiêu nào của giải pháp kỹ thuật đã biết, nếu có, hoặc những sáng tạo hoàn toàn mới. Khả năng áp dụng được chứng minh thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng sản xuất thử, hợp đồng bán hàng hoặc hóa đơn bán hàng. Lợi ích kinh tế - xã hội của giải pháp dự thi được đánh giá bằng cách so sánh với những giải pháp tương tự đã biết. Cần nêu rõ những chỉ tiêu kinh tế mà giải pháp dự thi mang lại cao hơn giải pháp đã biết hoặc nêu rõ những khiếm khuyết đã được khắc phục của những giải pháp đã biết mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, trật tự an ninh xã hội. Bản mô tả giải pháp có thể kèm theo bản vẽ, sơ đồ, hình ảnh, các tính toán minh họa.
Toàn văn giải pháp dự thi cần nêu cụ thể quá trình từ khi bắt đầu thực hiện đến khi hoàn thành giải pháp. Các tác giả có thể gửi kèm theo mô hình, sản phẩm chế thử, sơ đồ công nghệ, ảnh chụp từ các góc độ khác nhau và các tài liệu có liên quan khác, nếu thấy cần thiết.
* Xin cảm ơn ông!
Hồ sơ dự thi gửi đến Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh theo địa chỉ Văn phòng Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Yên. Thời hạn nhận hồ sơ dự thi được bắt đầu từ khi công bố thể lệ hội thi đến hết ngày 30/8/2009, chấm các giải pháp dự thi trong tháng 9, nộp giải pháp dự thi hội thi toàn quốc ngày 30/9/2009, lễ trao giải thưởng được tổ chức vào tháng 1/2010. Giải thưởng hội thi gồm 1 giải đặc biệt trị giá 10 triệu đồng; 5 giải nhất mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải nhì mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải ba, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng; 10 giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 1 triệu đồng. Các tác giả đoạt giải được tặng bằng khen của UBND tỉnh và được chọn tham gia hội thi toàn quốc lần thứ 10. Tác giả là đoàn viên Công đoàn đoạt giải cao sẽ được đề nghị tặng bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt
MINH NGUYỆT (thực hiện)