Công nghệ thông tin (CNTT) là công cụ nối dài và tạo thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp Phú Yên trên con đường hội nhập thế giới. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ứng dụng công nghệ thông tin ở Đài 108 (Bưu điện Phú Yên) - Ảnh: MINH NGUYỆT |
NHIỀU TIỆN ÍCH
Các doanh nghiệp ở Phú Yên bước đầu đã xây dựng hệ thống mạng nội bộ và hệ thống máy tính để hỗ trợ triển khai các ứng dụng liên quan. Các doanh nghiệp ứng dụng CNTT phục vụ sản xuất kinh doanh chủ yếu trong tin học văn phòng, quản lý tài chính, nhân sự. Máy tính chủ yếu là dùng cho các ứng dụng văn phòng như soạn thảo văn bản, bảng tính Excel, lưu trữ văn bản, lập lịch công tác hoặc ở mức cao hơn là thiết lập trao đổi trên mạng. Một số doanh nghiệp bắt đầu đưa các chương trình tài chính kế toán, quản lý bán hàng, nhân sự, tiền lương vào từng bộ phận của đơn vị. Một số doanh nghiệp đã xây dựng trang thông tin điện tử để quảng bá hình ảnh và sản phẩm, sử dụng thư điện tử để giao dịch. Các doanh nghiệp kết nối internet để trao đổi email, tìm kiếm thông tin, tiếp thị, kiểm tra thị trường, dịch vụ ngân hàng, tài chính…, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này đã mang lại những lợi ích thấy rõ như giảm thiểu chi phí in ấn, quảng cáo, giảm thiểu thời gian xử lý nghiệp vụ, nâng cao khả năng liên kết và liên lạc… Đây cũng chính là nền tảng cho các ứng dụng CNTT ở mức độ cao hơn sau này.
CNTT có thể ứng dụng trong mô hình nhằm cải thiện hiệu suất tài chính để tạo ra sự năng động cho doanh nghiệp. Việc tăng hiệu suất đồng vốn sẽ tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Không đơn thuần của nghiệp vụ kế toán thông thường mà phải kiểm soát luồng tiền vào ra, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh. CNTT có thể ứng dụng nâng cao trong quản trị nhân sự, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Doanh nghiệp cần xác định khuynh hướng thị trường, dự đoán nhu cầu và xây dựng chiến lược kinh doanh. Để giải quyết vấn đề này, cần tập trung phát triển việc khai thác thông tin doanh nghiệp. Tập hợp các chương trình ứng dụng và các công nghệ để thu thập, truy cập và phân tích dữ liệu nhằm giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định kinh doanh tốt hơn, dự đoán chính xác hơn những chuyển biến của thị trường. Đầu tư vào phần mềm phân tích và các công cụ thiết lập mô hình phỏng đoán nhằm giúp nhà quản lý hiểu rõ hơn thị trường mà họ đang cung cấp sản phẩm. Bộ phận CNTT phải cung cấp các công cụ phân tích và khai thác dữ liệu có tính tùy biến để hỗ trợ các mặt hàng của doanh nghiệp, mỗi chủng loại sản phẩm lại có những nhu cầu thị trường khác nhau về địa lý và mức độ cạnh tranh. Công cụ thiết lập mô hình dự đoán sẽ giúp doanh nghiệp xác định và phản ứng với những thay đổi trên thị trường một cách nhanh chóng.
Theo quy trình phát triển sản phẩm, công ty gửi những mẫu này tới các khách hàng và tiếp nhận ý kiến phản hồi của họ về bao bì, giá cả, so sánh với những sản phẩm cùng loại. Sau đó, nhóm phụ trách về sản phẩm sẽ sửa đổi mẫu mã cho phù hợp và gửi đến khách hàng để kiểm tra lại. Quy trình này sẽ kéo dài trong nhiều tuần. Việc xây dựng mô hình sản phẩm ảo dựa trên hệ thống vi tính sẽ giúp rút ngắn quy trình trên. Khi người tiêu dùng đưa ra ý kiến phản hồi, công ty có thể thay đổi sản phẩm ngay lập tức, rút ngắn được nhiều thời gian phát triển sản phẩm. Nhờ đó, chi phí phát triển các sản phẩm mới cũng như thời gian tiếp cận thị trường giảm một cách đáng kể.
LỘ TRÌNH ỨNG DỤNG CNTT
Lộ trình ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp gồm 4 giai đoạn:
Giai đoạn hình thành: Để đảm bảo việc triển khai CNTT tại các doanh nghiệp cần sớm tổ chức hình thành hạ tầng nhân lực CNTT. Doanh nghiệp trang bị máy tính, thiết lập mạng cục bộ LAN hay các mạng diện rộng WAN; thiết lập kết nối internet, các môi trường truyền thông giữa các văn phòng, giữa công ty với các đối tác… Dùng máy tính cho các ứng dụng đơn giản như soạn thảo văn bản, bảng tính, lưu trữ văn bản, thiết lập hệ thống email, lập lịch công tác hoặc ở mức cao hơn là thiết lập các trao đổi đối thoại trên mạng.
Giai đoạn phát triển: Bắt đầu đưa các chương trình tài chính kế toán, quản lý bán hàng, quản lý nhân sự - tiền lương… vào sử dụng trong từng bộ phận của đơn vị, tác động trực tiếp đến phòng ban khai thác ứng dụng. Việc phân tích quản trị, điều hành đã có nhưng ít và không tức thời.
Giai đoạn chiến lược: Ngoài điều hành tác nghiệp, CNTT không còn là ứng dụng đơn thuần mà là giải pháp theo mô hình quản trị để giúp doanh nghiệp thay đổi chất lượng quản lý nội tại, nâng cao năng lực điều hành, tăng hiệu quả và năng lực cạnh tranh của mình. Đây là cách áp dụng CNTT của doanh nghiệp ở các nước tiên tiến. CNTT tác động đến toàn bộ doanh nghiệp, việc điều hành được thực hiện trên hệ thống với số liệu trực tuyến và hướng tới phân tích quản trị.
Giai đoạn thương mại điện tử: Thông qua mạng internet, doanh nghiệp hình thành các quan hệ thương mại điện tử như B2B, B2C và B2G. Thương mại điện tử không đơn thuần là thiết lập website, giới thiệu sản phẩm, nhận đơn đặt hàng, chăm sóc khách hàng… qua mạng mà là kế thừa, phát huy sức mạnh trên nền tảng dữ liệu và các quy trình nghiệp vụ đã hình thành trong doanh nghiệp. Điều này minh chứng cho vai trò cốt lõi, không thể thiếu của ERP trong chiến lược lâu dài.
Ngày nay, CNTT đang phát triển theo xu hướng tích hợp, sử dụng các giao diện mở. Phần mềm được xây dựng dưới dạng các đối tượng có chức năng thông qua các giao diện mở, thuận tiện cho việc tích hợp và tiếp tục phát triển. Phát triển phần mềm nguồn mở sẽ giúp giảm sự lệ thuộc vào các phần mềm lớn, tạo thêm sự lựa chọn cho người sử dụng cũng như cơ hội kinh doanh mới và nâng cao khả năng phát triển cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xu hướng hội tụ của CNTT - viễn thông - phát thanh và truyền hình đang tạo ra một thị trường rộng lớn cho công nghiệp nội dung thông tin. Dựa vào tính mở của thị trường, các doanh nghiệp có điều kiện để lựa chọn nhiều đối tác, các sản phẩm, giải pháp thuận lợi cho đơn vị.
ThS. LÊ THANH PHƯƠNG