UBND tỉnh Phú Yên vừa có chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh sử dụng các phần mềm nguồn mở trong hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước, nhằm góp phần hạn chế vi phạm bản quyền phần mềm.
Chỉ thị yêu cầu: Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm nâng cao nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức, trong cộng đồng về bảo vệ bản quyền phần mềm, lợi ích của các phần mềm nguồn mở trong việc phát triển công nghệ thông tin; Xây dựng lộ trình cụ thể từng bước ứng dụng phần mềm nguồn mở vào phục vụ công tác chuyên môn, trong công tác quản lý... Khuyến khích phong trào thi đua giữa các cơ quan, cá nhân về việc sử dụng phần mềm nguồn mở; đưa việc sử dụng phần mềm nguồn mở vào nội dung bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm.
Nghiên cứu, đánh giá kết quả, mức độ ảnh hưởng, giải pháp liên quan đến việc chuyển đổi sang sử dụng phần mềm nguồn mở cũng như tính tương thích của các ứng dụng phần mềm nguồn mở so với các sản phẩm thương mại đơn vị đang sử dụng. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin- Truyền thông để đạt được mục tiêu đến ngày 31/12/2009 đảm bảo 70% máy trạm được cài đặt, 70% cán bộ, nhân viên được tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm nguồn mở, trong đó tối thiểu 40% cán bộ, nhân viên sử dụng các phần mềm nêu trên trong công việc. Riêng tại Sở Thông tin- Truyền thông Phú Yên, đến ngày 30/6/2009, đảm bảo 100% máy trạm được cài đặt, 100% cán bộ, nhân viên được tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm nguồn mở, trong đó tối thiểu 50% cán bộ, nhân viên có thể sử dụng thành thạo phần mềm nguồn mở trong công việc, có khả năng hướng dẫn trợ giúp các cơ quan, đơn vị khác. Đến ngày 31/12/2010, hầu hết cán bộ, nhân viên trong các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Phú Yên sử dụng được các phần mềm nêu trên trong công việc.
Đối với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo công nghệ thông tin: tích cực, chủ động xây dựng các chương trình, giáo trình và tổ chức các khóa đào tạo về phần mềm nguồn mở; đưa nội dung đào tạo sử dụng các sản phẩm phần mềm nguồn mở vào các chương trình đào tạo về tin học cơ bản, tin học văn phòng, tin học nâng cao; Khuyến khích giáo viên, học sinh, sinh viên tự tìm hiểu ứng dụng phần mềm nguồn mở, tham gia cộng đồng mã nguồn mở để sáng tạo phát triển các giải pháp hoặc sản phẩm phần mềm nguồn mở.
Các doanh nghiệp cung cấp máy tính phải cài đặt các phần mềm nguồn mở vào các máy tính khi cung cấp cho các cơ quan, tổ chức nhà nước; Không được cung cấp ra thị trường các máy tính với những phần mềm không có bản quyền hợp pháp.
(PYP)
Bộ Thông tin- Truyền thông đã ban hành danh mục các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước gồm các phần mềm: văn phòng (OpenOffice), thư điện tử trên máy trạm (Mozilla ThunderBird), trình duyệt web (Mozilla, FireFox) và bộ gõ tiếng Việt (Unikey).