Chuyển giao công nghệ là hình thức mua, bán công nghệ trên cơ sở hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được thỏa thuận phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển giao công nghệ vẫn cần có kỹ năng đàm phán, lập hợp đồng...…Ông Huỳnh Duy Hiếu, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên cho biết về xung quanh vấn đề này.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Hoạt hóa điện hóa Hà Nội hướng dẫn cách sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện cho cán bộ Sở Khoa học - Công nghệ Phú Yên. - Ảnh: MINH NGUYỆT
* Theo quan điểm quản lý công nghệ, chuyển giao công nghệ được hiểu như thế nào, thưa ông?
- Chuyển giao công nghệ là tập hợp các hoạt động về kỹ thuật, thương mại và pháp lý nhằm làm cho bên nhận công nghệ có được năng lực công nghệ như bên giao công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Theo pháp luật chuyển giao công nghệ Việt
* Theo ông, điều quan trọng nhất trong hoạt động mua, bán công nghệ là gì?
- Việc mua bán công nghệ thực chất là mua bán một tài sản vô hình - tài sản trí tuệ - thông qua các vật mang công nghệ nhằm biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm. Do vậy, đây không phải là hoạt động mua bán thông thường trên thị trường truyền thống. Việc mua bán này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực công nghệ của hai bên, đặc biệt là của bên nhận công nghệ. Bên nhận mất rất nhiều thời gian, tiền của, công sức nhưng chưa chắc đã có được công nghệ hoặc có công nghệ nhưng là công nghệ không đầy đủ.
* Có những cản trở gì trong giao dịch công nghệ?
- Trước hết đó là sự bất bình đẳng về thông tin công nghệ, do công nghệ có các thuộc tính đặc biệt như tính hệ thống - tập hợp các kỹ thuật, công đoạn, giai đoạn thực hiện; tính sinh thể - phôi thai, trưởng thành, tăng trưởng, suy thoái; tính thông tin - lan truyền, phổ biến, sao chép. Chính vì bản chất của công nghệ là tri thức, chất xám, kiến thức kỹ thuật…, nói chung là tài sản vô hình nên việc mua bán, định giá hết sức khó khăn, đòi hỏi bên mua phải có kiến thức, kinh nghiệm, nắm vững luật pháp chuyển giao công nghệ và đặc biệt là cần phải nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức dịch vụ tư vấn trong giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ. Bên mua công nghệ khó cùng một lúc nhận biết được tất cả các quyền của mình dưới các góc độ kỹ thuật, thương mại, pháp lý. Khi thực hiện thì những vấn đề về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ mới phát sinh dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Ngoài ra, trong giao dịch công nghệ còn thiếu các thể chế đảm bảo cho việc mua bán công nghệ. Cốt lõi của công nghệ là các đối tượng sở hữu công nghiệp nên nếu một hệ thống pháp luật không có đủ khả năng đảm bảo quyền thực thi sở hữu trí tuệ thì khó có thể bảo vệ được quyền sở hữu hợp pháp cho cả bên giao và bên nhận công nghệ. Công nghệ là hàng hóa được mua bán trong thị trường công nghệ nên vai trò, tác dụng của các tổ chức dịch vụ môi giới, tư vấn chuyển giao công nghệ thực sự cần thiết và không thể thiếu được trong nền kinh tế thị trường, nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, trong giao dịch công nghệ hiện vẫn còn thiếu các dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
* Ông có thể cho biết trong quá trình lập, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ, điều gì cần chú ý nhất?
- Đó là kế hoạch, chương trình hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo. Hỗ trợ kỹ thuật giai đoạn chuẩn bị sản xuất bao gồm việc thiết kế mặt bằng, dây chuyền sản xuất và thiết kế sản phẩm; hỗ trợ việc mua sắm, lựa chọn, lắp đặt máy móc thiết bị; hỗ trợ giám sát kỹ thuật, kiểm tra các vấn đề liên quan đến hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường. Giai đoạn bắt đầu sản xuất, bên giao sẽ cử các chuyên gia kỹ thuật phù hợp với từng công việc, công đoạn sản xuất để hướng dẫn bên nhận tiến hành chạy thử toàn bộ dây chuyền sản xuất nhằm sản xuất sản phẩm đạt theo đúng các đặc tính mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Xác nhận hoàn thành giai đoạn này là việc bên giao cấp giấy chứng nhận sẵn sàng sản xuất chính thức và được bên nhận ký nhận. Đến giai đoạn sản xuất chính thức, trong suốt quá trình sản xuất thương mại, bên giao có trách nhiệm hỗ trợ bên nhận khi có vụ việc nhằm đảm bảo cho bên nhận có được năng lực đầy đủ về sản xuất, quản lý sản xuất và tiếp thị, quảng bá sản phẩm trên thị trường. Cần lưu ý rằng, những yêu cầu của bên nhận công nghệ trong mỗi giai đoạn là khác nhau và phải cân nhắc về các khoản chi phí trả cho chuyên gia của bên giao khi sang bên nhận. Ngoài ra, bên nhận cũng phải thảo luận cụ thể về việc hỗ trợ không thành công, quy định trách nhiệm hỗ trợ lại.
Cùng với kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật, bên giao phải cử các chuyên gia đến bên nhận hoặc bên nhận cử cán bộ, công nhân kỹ thuật sang bên giao để mục tiêu cuối cùng là bên nhận có được năng lực, kỹ năng sản xuất sản phẩm phù hợp với các đặc tính kỹ thuật như đã thỏa thuận trong hợp đồng. Đây là phần rất quan trọng. Một hợp đồng được soạn thảo tốt cần ghi rõ: sau khi kết thúc đào tạo, người của bên nhận phải có khả năng tự sản xuất sản phẩm mà không cần đến sự giúp đỡ của bên giao. Hơn thế nữa, bên nhận muốn có cả kỹ năng, kinh nghiệm trong sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế, sửa đổi nhằm thực sự làm chủ được công nghệ. Tuy nhiên, thực tế là có rất ít bên giao chủ động cung cấp cho bên nhận một chương trình đào tạo tốt nhất trừ khi bên nhận phải chủ động xây dựng một kế hoạch cụ thể, rõ ràng với các chỉ tiêu đánh giá, kiểm tra và cuối cùng là vấn đề xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo.
* Xin cảm ơn ông!
MINH CHÂU (thực hiện)