Thiết bị gây nhiễu thông tin di động tế bào là công cụ (thiết bị phát sóng vô tuyến điện) ngăn chặn tín hiệu thu hoặc phát từ điện thoại di động đến trạm gốc (BTS). Thiết bị này được ứng dụng để ngăn chặn cuộc gọi của các phần tử hoạt động bất hợp pháp, chống đánh bom, mìn điều khiển từ xa bằng điện thoại di động và phong tỏa sự hoạt động của máy điện thoại di động tại những khu vực nhất định.
Sử dụng thiết bị này có khả năng gây can nhiễu cao cho các hệ thống thông tin khác.
Để bảo vệ sức khỏe con người, hạn chế các nguy cơ gây can nhiễu, hầu hết các nước trên thế giới chỉ cho phép các cơ quan bảo vệ pháp luật (mật vụ, an ninh) áp dụng các điều luật riêng của từng nước để sử dụng thiết bị gây nhiễu thông tin di động tế bào hoạt động nghiệp vụ.
Tại Việt Nam, để các đơn vị chuyên trách bảo vệ an ninh hoạt động đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân cung cấp và sử dụng dịch vụ thông tin di động, bảo vệ sức khỏe con người, ngày 2/5/2008 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 60/2008/QĐ-TTg về “Quản lý, sử dụng thiết bị gây nhiễu thông tin di động tế bào”.
NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA QUYẾT ĐỊNH 60/2008/QĐ-TTg:
1. Đối tượng và mục đích sử dụng: Chỉ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được sử dụng thiết bị gây nhiễu đúng mục đích bảo vệ an ninh quốc gia.
2. Nghiêm cấm các đối tượng không thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thiết bị gây nhiễu.
3. Trách nhiệm của từng Bộ:
- Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm: Kiểm soát tần số, xử lý hành vi sử dụng thiết bị gây nhiễu trái quy định, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xử lý can nhiễu có hại.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm: Quản lý và sử dụng các loại thiết bị gây nhiễu thuộc phạm vi từng Bộ đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật. Tham gia phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý can nhiễu do sử dụng thiết bị gây nhiễu gây ra.
Các hành vi sản xuất, kinh doanh và sử dụng thiết bị gây nhiễu sẽ bị xử lý theo các mức sau:
- Sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện không có giấy phép sẽ bị xử phạt theo điều 17, Nghị định 142/2004/NĐ-CP, mức phạt cao nhất 15 triệu đồng.
- Sử dụng thiết bị phát sóng vô tuyến điện không có giấy phép, gây can nhiễu có hại sẽ bị xử theo điều 18, Nghị định 142/2004/NĐ-CP, mức phạt cao nhất 70 triệu đồng.
- Nhập khẩu, sản xuất phát sóng vô tuyến điện không có giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, không có giấy phép sẽ bị xử phạt theo điều 24, Nghị định 142/2004/NĐ-CP, mức phạt cao nhất 50 triệu đồng, tịch thu tang vật.
Để ngăn chặn nguy cơ sử dụng thiết bị gây nhiễu thông tin di động bất hợp pháp hiệu quả, các cơ quan quản lý phải tăng cường phối hợp kiểm tra từ khâu nhập khẩu, sản xuất, lưu thông trên thị trường.