Sáng 11/12 tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ TT&TT đã tổ chức Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (Diễn đàn Make in Viet Nam) lần thứ 5 với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động".
Diễn đàn là sự kiện lớn của ngành nhằm tổng kết, đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp Công nghệ Số Việt Nam trong 4 năm qua, truyền tải những tư tưởng cốt lõi về phát triển Công nghệ Số, tinh thần Make in Viet Nam, ứng dụng số để giúp tăng doanh thu, lợi nhuận và năng suất lao động,...
Chương trình Diễn đàn bao gồm phiên chính và các phiên chuyên đề. Tại phiên chính buổi sáng, các diễn giả sẽ chia sẻ các câu chuyện thành công trong việc dùng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm ứng dụng trong thực tiễn, giúp thay đổi Việt Nam, thay đổi thế giới.
Ngành Công nghiệp Công nghệ Số Việt Nam phát triển vượt bậc
Tại sự kiện, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, diễn đàn là thời điểm chúng ta nhìn lại, tổng kết, đánh giá sự phát triển, tôn vinh các doanh nghiệp Công nghệ Số tiêu biểu thông qua giải thưởng sản phẩm Công nghệ Số Make in Viet Nam.
Đây là những sản phẩm Công nghệ Số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp và chính quyền lên môi trường Số, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ Số, Kinh tế Số và Xã hội Số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn manh: "Nhìn lại chặng đường 4 năm vừa qua, từ năm 2019 đến nay, ngành Công nghiệp Công nghệ Số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành rất đáng khích lệ.
Số lượng doanh nghiệp Công nghệ Số tăng 30%, doanh thu Công nghiệp Công nghệ Số tăng 32%, tỉ trọng Make in Vietnam - Làm ra tại Việt Nam của các sản phẩm Công nghiệp Công nghệ Số tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng trưởng 43%, và chúng ta hiện có tới trên 1.400 doanh nghiệp loại này, với doanh thu đang tiến dần đến mốc 10 tỉ USD".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, chủ đề của diễn đàn năm nay, và cũng tức là chủ đề của năm 2024 là: “Sáng tạo ứng dụng số để phát triển Kinh tế Số - Động lực cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động".
Theo Bộ trưởng Hùng, phát triển ứng dụng Số cho các ngành thì cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các doanh nghiệp Công nghệ Số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển. Thị trường các ứng dụng 5G sẽ đạt 670 tỉ USD vào năm 2025, tức là giúp cho doanh thu nhà mạng tăng tới 50% so với năm 2020.
Bộ trưởng Mạnh Hùng phân tích: "Vậy thì, hàng chục ngàn doanh nghiệp Công nghệ Số Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng Số, giúp Chuyển đổi Số, phát triển Kinh tế Số cho các ngành và lĩnh vực. Và đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Doanh nghiệp Công nghệ Số Việt Nam từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng Số, Chuyển đổi Số cho các ngành, các lĩnh vực.
"Phát triển Kinh tế Số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động của các ngành này. Việt Nam chúng ta nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng tăng năng suất lao động thì nay, lời giải của chúng ta về vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng Số để phát triển Kinh tế Số các ngành".
Bộ trưởng Mạnh Hùng cũng cho biết, năm 2024 cũng sẽ là năm thương mại hoá, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng công nghiệp. Năm 2024 còn là năm phát triển AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực.
Năm đầu tiên thực hiện Chiến lược Quốc gia về phát triển Công nghiệp bán dẫn
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024 cũng là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược Quốc gia về phát triển Công nghiệp bán dẫn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Bộ TT&TT |
Theo Bộ trưởng Hùng, Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, và không chỉ có vậy đó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới.
"Lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gien về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế gien là quan trọng nhất, chắc cũng không kém lợi thế về địa chính trị. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn", Bộ trưởng chỉ rõ.
"Chúng ta phát triển Công nghiệp bán dẫn thì nên nhìn nó trong một ngữ cảnh lớn hơn. Nếu nói về thị trường thiết kế chip bán dẫn thì chỉ có 60 tỉ USD, nếu nói cả ngành công nghiệp bán dẫn thì là 600 tỉ USD, nhưng ngành công nghiệp điện tử thì trên 3.000 tỉ USD, còn ngành công nghiệp chuyển đổi số thì trên 20.000 tỉ USD, tức là lớn hơn 30 lần ngành công nghiệp bán dẫn", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Người đứng đầu Bộ TT&TT cũng nhấn mạnh, phát triển Công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp,...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT.
Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp Chuyển đổi Số, Công nghiệp Chuyển đổi Số là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam có tới 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hoá nhanh, Chuyển đổi Số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho ngành Công nghiệp bán dẫn nước nhà.
"Công nghiệp bán dẫn là một chuỗi cung ứng, một hệ sinh thái có tính toàn cầu. Chúng ta sẽ phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong một hệ sinh thái trong nước và toàn cầu. Vừa có tự chủ, vừa có hợp tác quốc tế. Nhưng Việt Nam vẫn phải tiến tới một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, không chỉ là một vài công đoạn. Công nghệ đang thay đổi rất nhanh, có thể còn nhanh hơn. Chỉ có một chuỗi cung ứng quốc gia đầy đủ thì mới đáp ứng được tốc độ nhanh và giá thành thấp", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Hoạt động bên lề diễn đàn là Triển lãm trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm trực tiếp về các sản phẩm Công nghệ Số Make in Viet Nam, thể hiện năng lực của các doanh nghiệp Công nghệ Số phát triển Chính phủ Số, Kinh tế Số và Xã hội Số.
Theo Vietnam+