Thứ Sáu, 18/10/2024 16:19 CH
Đánh thức niềm vui trong sự học
Thứ Bảy, 18/11/2023 07:05 SA

Báo cáo “Học tập: Một kho báu tiềm ẩn” của Ủy ban quốc tế về Giáo dục đệ trình lên UNESCO, công bố tháng 4/1996, có nêu lên 4 trụ cột của giáo dục trong thế kỷ XXI, đó là: Học để biết, Học để làm việc, Học để chung sống với nhau, Học để làm người.

 

Học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh thi làm thiệp tri ân thầy cô. Ảnh: TRUNG HIẾU

 

Vì sao “học để biết” lại là mục tiêu được đặt lên trước nhất, trong khi rõ ràng, “để biết” không thật sự hấp dẫn, thực tế bằng “học để làm việc”? Trong bối cảnh hiện nay, việc “học để biết” có nên là mục tiêu hàng đầu của người học nữa hay không? Và người thầy có vai trò, trách nhiệm gì trong việc khơi dậy lại tinh thần “học để biết” ấy?

 

“Học để biết” hay niềm vui trong sự học

 

“Tôi không thông minh cũng không có năng khiếu đặc biệt. Tôi chỉ rất, rất tò mò thôi” - Albert Einstein - một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất mọi thời đại, giải Nobel 1921, cha đẻ của thuyết tương đối đã nói như vậy khi được hỏi về nguyên nhân giúp ông đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp của mình. Chính sự tò mò đã thúc đẩy nhà khoa học thiên tài ấy không ngừng tìm tòi, khám phá các quy luật vận hành thế giới tự nhiên. Những phát kiến của ông, trước tiên để thỏa mãn sự tò mò của chính ông. Và sự thỏa mãn đó, chúng ta có thể hiểu là niềm vui.

 

Tò mò là một trong những bản tính của con người. Tò mò thể hiện khát khao được biết, được hiểu, và khi thỏa mãn được sự tò mò, người ta có thể có được niềm vui của việc biết, hiểu một cách thuần khiết, nguyên sơ. Niềm vui khi tìm được cách giải một bài toán, sự sung sướng khi biết thêm một loài sinh vật… luôn xuất hiện tức thời, ngay sau sự biết vừa đến. Đó là điều mà triết gia lỗi lạc người Đức Karl Jasper gọi là “lòng hiếu tri nguyên thủy” của con người. Ông cũng cho rằng, sự khao khát kiến thức về bản chất có trước mọi cân nhắc về tính hữu ích. Sự tò mò đơn giản, mong muốn ngây thơ được nhìn thấy những điều kỳ lạ, chưa từng biết qua và cố gắng tìm hiểu về chúng dưới nhiều hình thức là bản chất của việc tìm kiếm tri thức của con người.

 

Tìm thấy niềm vui trong học tập, hay trong việc “học để biết”, không phải là một mục tiêu phi thực tế. Vì “biết” là nền tảng để có thể thực hiện được các mục tiêu tiếp theo của sự học. Trên nền tảng tri thức, tức trên sự “biết” về thế giới xung quanh và về bản thân, con người mới có thể làm được, mới có thể xác lập và khẳng định bản thân, và biết cách ứng xử với người, với tự nhiên một cách phù hợp. Niềm vui học tập cũng sẽ thúc đẩy ý thức tự học của người học. Niềm khao khát hiểu biết cũng là động lực để người học hình thành tinh thần “học tập suốt đời”, không ngừng “học, học nữa, học mãi” như lời của Lenin. Như vậy, khởi phát từ một niềm vui thuần khiết, nguyên sơ, niềm vui của việc học sẽ tiếp tục được nối dài, mở rộng đến nhiều niềm vui khác trong hành trình học tập của mình.

 

Người thầy có sứ mệnh khơi gợi, đánh thức, dưỡng nuôi được niềm vui trong sự học của người học. Ảnh: LÊ HẢO

 

Thực tế hiện nay cho thấy, người học dần đánh mất đi niềm vui trong sự học. Đại đa số người học xác định học là để có công ăn việc làm. Một số không biết học để làm gì, vì mọi người đi học nên mình cũng đi học. Rất ít người học nhận thức học để có thêm hiểu biết. Không những thế, việc học để biết nhiều khi đã bị biến thành dạng học để… thi. Các cuộc thi học sinh giỏi trong học đường ngày càng nhiều. Thành tích của học sinh trở nên đặc biệt quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả giáo dục của giáo viên và nhà trường. Thế nên, áp lực thi cử đè nặng lên học sinh, giáo viên, nhà trường. Niềm vui trong sự học, trong việc thu nhận được những hiểu biết mới mẻ giờ đây dần bị thay thế bằng niềm vui của thành tích học tập.

 

Không những vậy, thầy cô giáo, nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội đang phải nỗ lực không ngừng trong cuộc đua giành lại người học từ công nghệ, truyền thông và mạng xã hội. Sự phát triển mạnh mẽ của các yếu tố này khiến người học mất dần hứng thú với việc học. Những khao khát hiểu biết, niềm vui thuần khiết khi khám phá ra một điều mới lạ dần mất đi. Thế nên, sứ mệnh, trách nhiệm của người thầy một lần nữa lại đòi hỏi chính họ phải tìm cách, để đánh thức, dưỡng nuôi niềm vui trong việc học của người học.

 

Sứ mệnh của người thầy

 

Trong bối cảnh đương đại, giáo dục nước ta đã xác định “lấy người học làm trung tâm”. Điều này được hiểu là tất cả các hoạt động dạy học phải luôn hướng đến sự phát triển của người học. Và không ai khác, chính người thầy, vẫn là người đóng vai trò trung tâm trong việc thực hiện mục tiêu đó. Câu nói nổi tiếng của William A. Warrd: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng” không chỉ đặt ra các tiêu chuẩn để xếp loại người thầy, mà còn cho thấy vai trò của người thầy trong việc khơi dậy niềm đam mê học hỏi, khát khao tri thức nơi người học là vô cùng quan trọng.

 

Người thầy không chỉ có chuyên môn tốt, phương pháp giảng dạy tích cực, linh hoạt mà còn không ngừng học hỏi và nỗ lực. Ảnh: TRUNG HIẾU

 

Song đánh thức “lòng hiếu tri nguyên thủy” và giúp người học tìm thấy niềm vui trong việc học không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Đó phải là một hành trình tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm từ nội dung giảng dạy cho đến phương pháp sư phạm. Trong đó, việc khơi gợi sự tò mò đóng vai trò quan trọng. Và vì sự tò mò thường bắt đầu bằng câu hỏi “tại sao?” nên nếu muốn khơi dậy trí tò mò của học sinh, người thầy phải biết đặt câu hỏi, đồng thời cần khuyến khích người học đặt câu hỏi và cố gắng trả lời các câu hỏi thay cho việc trình bày những bài giảng khô khan và giải thích mọi thứ.

 

Ngoài ra, người thầy cũng phải biết cách dành chỗ cho học sinh khám phá câu hỏi của mình. Nếu người thầy cung cấp tất cả các câu trả lời, sự tò mò của người học có thể giảm dần, nhưng nếu bạn cho người học thời gian tự do để thử nghiệm, thảo luận, khám phá đến cùng các câu hỏi, thì sự tò mò của họ có thể sẽ tăng lên.

 

Và quan trọng hơn hết, người thầy cũng phải là một người có “lòng hiếu tri nguyên thủy”, là người không ngừng tò mò và truyền tinh thần ấy cho người học, ngay cả khi người thầy biết tất cả câu trả lời cho một bài học nhất định và không có câu hỏi nào chưa được trả lời. Khi đó, người thầy chính là một nhà thám hiểm đang dẫn đầu một cuộc thám hiểm của người học, dẫn dắt họ dần đạt được sự hiểu biết như cách mà chính bản thân người thầy đã từng trải nghiệm.

 

Để thực hiện được những việc trên đây, người thầy không chỉ có chuyên môn tốt, lòng nhiệt thành bền bỉ, phương pháp giảng dạy tích cực, linh hoạt mà còn là một người không ngừng học hỏi và nỗ lực. Hay nói cách khác, người thầy vẫn luôn nên là một - người - học thực thụ với niềm yêu thích sự hiểu biết nguyên sơ của mình.

 

Trí tuệ nhân tạo đang không ngừng thách thức sự tồn tại của nhiều ngành nghề, trong đó có cả nghề dạy học. Khi việc tìm kiếm thông tin trở nên quá dễ dàng, liệu người thầy có còn cần thiết? Nhưng rõ ràng, vai trò của người thầy vốn không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ tri thức hay kỹ năng. Trí tuệ nhân tạo có thể trả lời câu hỏi cho người học, nhưng không giúp người học đặt câu hỏi. Trí tuệ nhân tạo cũng không thúc đẩy người đọc phải đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời. Vì vậy, bất kể sự phát triển của công nghệ ngày càng mạnh mẽ, người thầy vẫn luôn thật sự cần thiết, nhất là trong việc khơi gợi, đánh thức, dưỡng nuôi được niềm vui trong sự học của người học. Từ đó, việc dạy và học sẽ có nhiều cơ hội hơn để thoát ra được sự bủa vây của chủ nghĩa thực dụng vốn đang de dọa mọi mặt của đời sống trong xã hội hiện đại.

 

Bất kể sự phát triển của công nghệ ngày càng mạnh mẽ, người thầy vẫn luôn thật sự cần thiết, nhất là trong việc khơi gợi, đánh thức, dưỡng nuôi được niềm vui trong sự học của người học.

 

BÍCH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek