Thực hiện Quyết định 1373, ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch UBND tỉnh, ngày 24/9/2021 về triển khai thực hiện đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030, thời gian qua, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều phần việc, nội dung, trong đó đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực.
Báo Phú Yên phỏng vấn Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Khắc Lễ về nội dung này.
* Để đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT hiệu quả, Sở GD-ĐT thực hiện công tác tuyên truyền như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Khắc Lễ |
- Sở GD-ĐT đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT; xây dựng các mô hình học tập, nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng XHHT trong điều kiện phát triển nền kinh tế số, xã hội số, thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên, các thiết chế văn hóa. Hằng năm, các đơn vị, trường học còn tuyên truyền về Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam...
* Hiện nay, hoạt động của những mô hình học tập như thế nào?
- Trên địa bàn tỉnh có các mô hình: Dòng họ học tập; Cộng đồng học tập ở phạm vi thôn, buôn/tổ dân phố; Đơn vị học tập trên địa bàn cấp xã; Cộng đồng học tập cấp xã; Đơn vị học tập trực thuộc huyện/tỉnh; Công dân học tập... Mỗi mô hình đều đóng góp thêm cho mục tiêu học tập suốt đời, có ý nghĩa to lớn trong việc tôn vinh giá trị của việc học; kịp thời động viên, khuyến khích các gia đình trong dòng họ học tập, XHHT, công dân học tập... để cùng nhau tiến bộ.
Đơn cử, mô hình Dòng họ học tập, các gia đình trong dòng họ hằng năm đều phấn đấu đạt danh hiệu Gia đình học tập, xây dựng Quỹ Khuyến học của dòng họ để khen thưởng, động viên, tạo động lực cho con cháu phấn đấu học tập, lao động, sáng tạo...
Có thể khẳng định, các mô hình học tập suốt đời có tác động tích cực đến mọi mặt đời sống, xã hội của người dân trong cộng đồng cũng như mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị. Từ phạm vi nhỏ nhất là mỗi công dân, cho đến quy mô gia đình, thôn buôn, đơn vị và cộng đồng đều có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng thông qua các tiêu chí đánh giá cụ thể, chặt chẽ.
Học sinh tiểu học trên địa bàn TP Tuy Hòa tham gia trò chơi và sinh hoạt cộng đồng tại Trường tiểu học Trưng Vương. Ảnh: TRUNG HIẾU |
* Ngoài những mô hình học tập trên, tỉnh có những hoạt động, phong trào học tập nào nổi bật mang tính đặc thù?
- Qua 2 năm triển khai đề án Xây dựng XHHT, phong trào xây dựng mô hình học tập ở cơ sở đã xuất hiện nhiều mô hình tốt, cách làm hay ở các khu dân cư như: Phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài trong gia đình, dòng họ, cơ quan, đơn vị đã tạo động lực, khuyến khích mỗi người dân học tập thường xuyên, suốt đời, tạo tiền đề xây dựng XHHT, góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới. Cấp ủy chi bộ hằng năm đưa chỉ tiêu phấn đấu xây dựng gia đình học tập, cộng đồng học tập vào nghị quyết, kế hoạch; đồng thời tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Bên cạnh đó, chi hội khuyến học của thôn cũng có nhiều hình thức giúp đỡ, khuyến khích, động viên trẻ em và người lớn học tập thường xuyên...
* Trong quá trình triển khai các mô hình gặp những khó khăn nào, thưa ông?
- Thực tiễn triển khai các mô hình: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập ở thôn, buôn/tổ dân phố, Đơn vị học tập, Cộng đồng học tập cấp xã, Đơn vị học tập trực thuộc huyện/tỉnh, Công dân học tập, bên cạnh kết quả ghi nhận, cũng cho thấy việc nhân rộng, phát triển các mô hình đang gặp những khó khăn, rào cản nhất định.
Nhờ đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhiều trẻ đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường và có môi trường học tập tốt. Ảnh: HIẾU TRUNG |
Trong đó, chất lượng của các mô hình học tập còn hạn chế so với yêu cầu của tiêu chí. Công tác tuyên truyền về học tập suốt đời, xây dựng các mô hình học tập suốt đời, xây dựng XHHT phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước, nhưng xu thế phát triển giáo dục chưa có chiều sâu, nhất là một số địa bàn khu dân cư vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trình độ nhận thức của một bộ phận người dân lao động ở nông thôn chưa đồng đều, chưa thật chuyển biến, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực theo mô hình Công dân học tập ở các ngành, lĩnh vực, các nhóm đối tượng lãnh đạo, quản lý, người lao động chưa cao. Đặc biệt, chất lượng nhân lực đội ngũ cán bộ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục và đào tạo chưa được bổ sung, hoàn thiện.
Sở GD-ĐT đề nghị các cấp hội xây dựng kế hoạch thực hiện tốt việc xây dựng các mô hình học tập ở gia đình, dòng họ, địa phương, cơ quan, đơn vị; tham mưu với cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ chức thực hiện nhằm thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội tham gia tạo thành phong trào lan tỏa trong toàn tỉnh. |
Ngoài ra, việc triển khai lồng ghép một số chuyên đề vào chương trình giáo dục chính trị tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, trung tâm bồi dưỡng chính trị; việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học theo hướng giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng XHHT, để hình thành một văn hóa trong học tập, lấy tự học làm thước đo đánh giá năng lực của mỗi người trong công việc và cuộc sống chưa hiệu quả...
* Để hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT đạt kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới, ngành Giáo dục có kế hoạch và giải pháp trọng tâm nào?
- Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT trong các tầng lớp nhân dân; nâng cao chất lượng và hiệu quả của các mô hình trong thời gian qua. Tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị 14, ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030 và Quyết định 1373, ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030. Sở GD-ĐT cũng đề nghị các cấp hội xây dựng kế hoạch thực hiện tốt việc xây dựng các mô hình học tập ở gia đình, dòng họ, địa phương, cơ quan, đơn vị; tham mưu với cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ chức thực hiện nhằm thu hút nhiều tầng lớp trong xã hội tham gia tạo thành phong trào lan tỏa trong toàn tỉnh.
* Xin cảm ơn ông!
HIẾU TRUNG (thực hiện)