Trải qua chặng đường gần 22 năm “trồng người”, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên không ngừng đổi mới về quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, trở thành địa chỉ tin cậy về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của địa phương.
Trường cao đẳng Nghề Phú Yên tiền thân là Trường Dạy nghề tỉnh Phú Yên, ra đời vào ngày 7/5/2001. Sứ mệnh của trường là đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ, tương ứng với ba cấp độ: Cao đẳng, trung cấp và sơ cấp, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Trường cũng tập trung vào việc bồi dưỡng và liên kết đào tạo để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động.
Nhiều đơn vị đặt hàng đào tạo
Theo TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, mục tiêu giáo dục nghề nghiệp của trường là đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, đảm bảo người học có đủ phẩm chất đạo đức, sức khỏe, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Những nỗ lực của trường trong những năm qua nhằm góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Chương trình hành động 21-CTr/TU, ngày 28/3/2014 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW trên địa bàn tỉnh.
Những năm gần đây, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên luôn điều chỉnh nội dung đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp. Đây được coi là yếu tố quyết định đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và nhà trường nói riêng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã phối hợp nhà trường tham gia vào quá trình tuyển sinh, đặt hàng đào tạo và tuyển dụng sinh viên trước hoặc ngay sau khi tốt nghiệp. Cách làm này giúp nhà trường nhận được sự hỗ trợ trang thiết bị, công nghệ mới, từ đó giúp học sinh, sinh viên tiếp cận với thực tế sản xuất và sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng phối hợp với doanh nghiệp điều chỉnh chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, theo nhu cầu sản xuất thực tế; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bao gồm đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho người lao động để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi nghề, chuyển đổi công việc của người lao động trong doanh nghiệp, thích ứng được với sự thay đổi của sản xuất, kinh doanh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đội ngũ nhà giáo dạy nghề cũng không ngừng được nâng cao về chất lượng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của nhà trường được đẩy mạnh và đem lại kết quả tích cực.
Những nỗ lực trong đổi mới đào tạo, tuyển sinh của nhà trường đã giúp cho việc tuyển sinh những năm gần đây luôn đạt chỉ tiêu đề ra. Từ con số vài trăm học viên, đến nay quy mô đào tạo của nhà trường đạt khoảng 3.000 học viên. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 1.000 học viên; sơ cấp và dạy nghề thường xuyên khoảng 2.000 học viên (chủ yếu học viên học lái ô tô, xe máy hạng A1). Ngoài ra, trường còn liên kết với Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh mở các lớp đại học đào tạo gần 200 kỹ sư ngành Cơ khí động lực và Điện công nghiệp; mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm bậc II và sư phạm nghề cho hơn 400 giáo viên trong toàn tỉnh.
Hằng năm, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên còn dành hơn 1 tỉ đồng học bổng khuyến khích học nghề giúp học sinh, sinh viên nghèo, học giỏi có ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập.
Nâng cao năng lực đào tạo trong thời đại số
Để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới, TS Đặng Văn Lái cho biết nhà trường đề ra nhiệm vụ tập trung đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo...; chú trọng hoạt động truyền thông, tư vấn, hướng nghiệp giúp phụ huynh, người học hiểu hơn về việc chọn nghề, chọn trường, từ đó có sự lựa chọn nghề học phù hợp. Nhà trường cũng sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thiết bị đào tạo; tăng cường gắn kết với doanh nghiệp để khai thác, sử dụng thiết bị đào tạo tại doanh nghiệp…
“Trường cao đẳng Nghề Phú Yên sẽ chú trọng áp dụng phương pháp dạy học hiện đại, tăng cường phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng số và khả năng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Một phần quan trọng trong quá trình này là phát triển đội ngũ chuyên gia đang hoạt động trong các doanh nghiệp, để họ tham gia vào quá trình đào tạo ở mọi cấp trình độ của trường”, TS Đặng Văn Lái nói.
Ngoài ra, trường cũng sẽ xây dựng các mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và thị trường lao động địa phương, đặc biệt chú trọng đến nhóm lao động bị thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp.
Ngoài nhiệm vụ trên, trường cũng tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh công tác khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong môi trường học tập.
Tính đến nay, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đã đào tạo hơn 35.000 học sinh, sinh viên, bồi dưỡng hơn 900 học viên trong việc học tiếng Hàn. Dựa trên các khảo sát, hơn 90% học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo. |
VÕ LUM