Phú Yên có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển nghề nuôi cá chình bông. Vì vậy, việc xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho cá chình bông Phú Yên là rất cần thiết, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và gia tăng giá trị loại cá này trên thị trường.
Nhiều tiềm năng
Phú Yên có nhiều vùng bãi triều nước lợ, cửa sông, tạo ra các dòng hải lưu giàu dinh dưỡng, hình thành nên vùng nước lợ ven biển khoảng 21.000ha, là các bãi đẻ và sinh trưởng của các loài thủy sản. Chất lượng, nhiệt độ nước ít thay đổi và có hệ sinh thái san hô tốt, nên các loại động vật đáy, thực vật phù du, số lượng tảo và vi tảo tập trung nhiều hơn ở các vùng khác, qua đó tạo môi trường sinh sống thuận lợi cho các loài thủy sản. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi như vậy, Phú Yên là tỉnh dẫn đầu cả nước về nguồn giống cá chình bông, chiếm 80-90% lượng cung toàn quốc. Nguồn cá chình giống chủ yếu thu vớt từ tự nhiên, với ngư cụ khai thác là lưới mành kết hợp với ánh sáng.
Cá chình có giá trị dinh dưỡng, thịt thơm ngon, được nhiều người ưa thích. Nghề nuôi cá chình ở nước ta bắt đầu ở Phú Yên khoảng những năm 2000, sau đó lan rộng ra các tỉnh phía Nam và hiện phát triển ra nhiều địa phương trong nước.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Phú Yên, cá chình bông là loài di cư, cá mẹ đẻ trứng ở biển sâu, cá con sau đó trôi dạt vào vùng cửa sông kiếm ăn và lớn lên. Đến lúc trưởng thành, cá lại về biển đẻ trứng. Vì vậy, việc nhân giống còn nhiều khó khăn.
Đầu năm 2019, ông Phú đã mạnh dạn đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt thực hiện dự án Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình ương nuôi cá chình. Thời gian thực hiện dự án 36 tháng, với tổng kinh phí gần 7 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách sự nghiệp khoa học trung ương hơn 2,9 tỉ đồng, ngân sách địa phương 700 triệu đồng và nguồn vốn khác gần 3,4 tỉ đồng. Dự án này không chỉ góp phần đa dạng loài nuôi cá nước ngọt của tỉnh, giúp người nuôi chủ động nguồn giống, mà còn góp phần chuyển đổi diện tích nuôi kém hiệu quả sang nuôi thủy sản theo hướng bền vững, tạo thêm việc làm cho người dân và nâng cao thu nhập với giá thu mua trên thị trường trong nước hiện nay là 400.000-450.000 đồng/kg.
Để có thể nhân rộng và phát triển nghề nuôi cá chình trong tỉnh, dự án phối hợp cùng với Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên hướng dẫn kỹ thuật, kết hợp với cung cấp nguồn con giống có chất lượng cho người dân.
Là hộ dân được dự án chuyển giao KH&CN, đầu năm 2020, ông Trần Văn Thảo (xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa) đã mạnh dạn thuê lại diện tích của xã, tiến hành đào ao nuôi cá chình bông thương phẩm trên diện tích 1.500m2 và 10 lồng để nuôi cá chình thương phẩm. Theo ông Thảo, đầu năm 2020, được công ty hỗ trợ con giống, thức ăn và chuyển giao kỹ thuật, ông đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Qua thời gian nuôi đến nay, ông nhận thấy nuôi cá chình nước ngọt mang lại hiệu quả kinh tế vì giá bán khá cao, ít bị dịch bệnh, nguồn thức ăn cũng rất dễ kiếm.
Mô hình nuôi cá chình bông đang tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân Phú Yên và là hướng làm giàu bền vững. Hiện nay, người dân nuôi cá chình bông theo 3 mô hình: Nuôi trong ao, nuôi dưới bùn và nuôi lồng bè. Mô hình nuôi cá chình bông thương phẩm đã được nhân rộng ra nhiều hộ gia đình ở các huyện Tuy An, Tây Hòa, TX Đông Hòa...
Ông Kiều Công Thoại (xã An Mỹ, huyện Tuy An) cho biết, bên cạnh giá trị dinh dưỡng thì giá trị kinh tế của cá chình bông cũng rất cao, sau 1 vụ nuôi từ 18-24 tháng, có thể thu lãi từ 70.000-80.000 đồng/con.
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Phú Yên, kiểm tra cá chình thương phẩm để giao cho khách hàng. Ảnh: LỆ VĂN |
Sớm xây dựng chỉ dẫn địa lý
Từ những lợi thế của nghề nuôi cá chình bông ở Phú Yên, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông là rất cần thiết. Hiện nay, Sở KH&CN và Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ NN&PTNT) đang phối hợp một số cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông của tỉnh Phú Yên”. Mục tiêu của nhiệm vụ khoa học này là bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý cho cá chình bông giống tự nhiên và cá chình bông thương phẩm tươi sống nuôi tại các ao, hồ, đầm, lồng bè.
Việc xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông Phú Yên sẽ góp phần nâng cao vị thế sản phẩm trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho các hộ nuôi cá chình bông và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói riêng và các cơ sở kinh doanh cá chình bông Phú Yên ở các địa phương khác nói chung.
Các sản phẩm cá chình bông Phú Yên sau khi được bảo hộ, người tiêu dùng sẽ dễ nhận biết và lựa chọn sản phẩm. Sản phẩm sẽ góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ trong tương lai, có sức cạnh tranh hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, củng cố lòng tin của người tiêu dùng, từ đó gia tăng giá trị, thúc đẩy sản phẩm tham gia tốt hơn vào thị trường. Việc xây dựng, triển khai các hoạt động của nhiệm vụ khoa học này sẽ tạo điều kiện để xây dựng đồng bộ chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm cá chình bông Phú Yên mang chỉ dẫn địa lý trên địa bàn; xây dựng mô hình quản lý và kiểm soát quy trình nuôi nhằm đảm bảo chất lượng đặc thù của sản phẩm; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; tổ chức mạng lưới tiêu thụ sản phẩm…
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, kết quả của nhiệm vụ sẽ góp phần gìn giữ và phát triển giá trị, bảo vệ uy tín và danh tiếng sản phẩm các làng nghề nuôi cá chình bông Phú Yên; tạo thêm và giải quyết việc làm tại chỗ; nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thương hiệu, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Nhiệm vụ thành công sẽ góp phần tuyên truyền về sở hữu trí tuệ tới người dân các vùng nuôi cá chình bông Phú Yên…
Việc thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cá chình bông Phú Yên” tạo điều kiện cho sản phẩm được đăng ký bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý và đi vào vận hành, qua đó khẳng định giá trị kinh tế và vai trò của một sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN |
LỆ VĂN