Đó là diễn biến tại hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2023-2024 và tiêu chí xác định địa bàn không đủ trường tiểu học công lập trên địa bàn tỉnh Phú Yên vừa được Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức với sự tham dự của đại diện HĐND, UBND, ủy ban MTTQ các cấp, phòng GD&ĐT, một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh.
Phụ huynh khó đóng, nhà trường khó thu
Theo dự thảo nghị quyết này, đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên, mức thu vùng thành thị là 300.000 đồng/học sinh/tháng; vùng nông thôn là 100.000 đồng/học sinh/tháng đối với bậc mầm non, tiểu học, THCS và 200.000 đồng/học sinh/tháng đối với bậc THPT; vùng dân tộc thiểu số và miền núi 50.000 đồng/học sinh/tháng đối với mầm non, tiểu học, THCS và 100.000 đồng/học sinh/tháng đối với THPT. Học phí đối với giáo dục tiểu học công lập quy định tại khoản này dùng làm căn cứ để quyết định mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục ở các địa bàn không đủ trường tiểu học công lập và học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định. Cũng theo dự thảo này, trường hợp tổ chức học trực tuyến, mức thu học phí cũng bằng 100% mức học phí theo từng cấp nói trên.
Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu cho rằng, mức thu học phí mà dự thảo đưa ra dù đúng với quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên, so với khung học phí trước đây thì các mức thu này tăng khá lớn so với mức thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thủy ở phường 3, có hai con đang học THCS, THPT cho biết: Trong tình hình nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh đang rơi vào cảnh khó khăn do tác động của dịch COVID-19 cũng như tác động của thị trường kinh tế hiện nay, tôi nghĩ tăng học phí quá cao vào thời điểm năm học 2023-2024 vô hình trung tạo áp lực nặng nề cho người dân. Vợ chồng tôi làm công nhân, lâu nay hàng tháng phải cố gắng gói ghém mới đủ lo cho hai con ăn học. Nếu số tiền đóng học phí tăng cao như vầy, chuyện học của sắp nhỏ sẽ khó đảm bảo.
Còn bà Đặng Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa) ý kiến: Trên thực tế, bên cạnh học phí, phụ huynh còn phải đóng nhiều khoản phí xã hội khác đi kèm mỗi đầu năm học. Tăng học phí là tất yếu khách quan nhưng cần phải có lộ trình (tăng dần theo từng năm, tránh tăng cao đột ngột - PV). Đội ngũ giáo viên chúng tôi cũng như nhiều phụ huynh mong muốn tỉnh cần có sự chia sẻ khó khăn với người dân để tạo tâm lý ổn định xã hội. “Tăng học phí tác động không nhỏ đến học sinh có cha mẹ là người thu nhập thấp, trong khi con số này trên địa bàn tỉnh ta không hề nhỏ. Một khi phụ huynh chưa sẵn sàng và chưa thể đáp ứng được với mức thu học phí tăng cao thì nhà trường cũng khó mà hoàn thành nhiệm vụ do cấp trên giao”, bà Thanh nhấn mạnh.
Trước đó, Ủy ban MTTQ TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa và huyện Tuy An cũng đã khảo sát và tổ chức phản biện xã hội đối với dự thảo này. Kết quả khảo sát, phản biện xã hội ở các địa phương này cũng cho thấy việc tăng học phí trong năm học 2023-2024 chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các bậc phụ huynh. Lý do đại dịch COVID-19 đã để lại hậu quả nặng nề, khoản tăng thêm này gây sức ép không nhỏ đến sinh hoạt và đời sống của người dân.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa) Đặng Thị Thanh phát biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: THÚY HẰNG |
Không nên tăng học phí lúc này
Mục tiêu xây dựng nghị quyết Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2023-2024 và tiêu chí xác định địa bàn không đủ trường tiểu học công lập trên địa bàn tỉnh Phú Yên là nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai thu học phí tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh từ năm học 2023-2024. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, liệu đã nên tăng học phí hay chưa? Nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng chưa nên là điều dễ hiểu vì thực tế cho thấy, dù dịch bệnh cơ bản đã qua, nhưng cũng rất cần thời gian để hồi phục. Vì thế, không nên tăng học phí giai đoạn này. “Cải thiện chất lượng giáo dục là cần thiết nhưng “quên” đi những khó khăn của người dân là điều rất không nên. Tất nhiên đại đa số gia đình sẽ không vì học phí tăng mà không cho con đến trường, nhưng đối với họ, khó sẽ chồng khó. Hiện các dấu hiệu phục hồi kinh tế đã xuất hiện, khi có cơ sở bền vững thì tăng và tăng có lộ trình, như vậy mới hợp lòng dân”, ông Lương Công Dũng Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 7 (TP Tuy Hòa) nói.
Còn nếu như phải thực hiện Nghị định 81 theo quy định, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần có chính sách, giải pháp hỗ trợ tiền đóng học phí phù hợp khi mức thu học phí tăng cao như đề xuất của dự thảo nghị quyết. ThS Nguyễn Hoài Sơn, thành viên hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh việc sử dụng ngân sách và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc cấp bù 50% học phí chênh lệnh giữa mức thu mới năm học 2023-2024 và mức thu cũ cho các đối tượng áp dụng. Khi điều kiện kinh tế - xã hội được phục hồi thì áp dụng đầy đủ mức thu học phí như nghị quyết.
Chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2023-2024 và tiêu chí xác định địa bàn không đủ trường tiểu học công lập trên địa bàn tỉnh Phú Yên, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, chia sẻ: Học phí giáo dục phổ thông cũng giống như giá sách giáo khoa, các mặt hàng thiết yếu khác sẽ tác động đến toàn xã hội. Do đó, cần cân nhắc việc tăng học phí trong năm học 2023-2024. “Đây là nghị quyết liên quan đến chính sách nên cần phải thể hiện được tính nhân văn, chia sẻ, hợp lòng dân. Nhiều ý kiến cho rằng, cần chọn thời điểm hợp lý hơn và tạo đồng thuận cao hơn từ người dân, do đó, đơn vị soạn thảo cần tiếp thu và có sự điều chỉnh phù hợp. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh ghi nhận, tổng hợp các ý kiến phản biện của đại biểu trình cấp có thẩm quyền xem xét, để nghị quyết sau khi được ban hành sẽ nhận được sự đồng tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân”, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn nói.
Theo nhiều người, cần phải có lộ trình trong việc tăng học phí, cũng như đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh việc sử dụng ngân sách và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc cấp bù học phí chênh lệnh giữa mức thu mới và mức thu cũ. Khi điều kiện kinh tế - xã hội được phục hồi thì áp dụng đầy đủ mức thu học phí như dự thảo nghị quyết đề ra. |
THÚY HẰNG