Liên kết, hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp được xem là xu hướng và cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên. Đây cũng là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động.
Không ngừng mở rộng đối tác
Thời gian qua, song song với công tác đào tạo, nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường kết nối, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từ năm 2022 đến nay, Trường đại học Phú Yên thường xuyên hợp tác với Công ty IMT Solutions - một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ gia công phần mềm, nội dung số và giải pháp kinh doanh thông minh để trao đổi trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Hai bên đã tham gia xây dựng và phát triển chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin của nhà trường; đồng thời Công ty IMT Solutions tiếp nhận học viên, sinh viên đến thực tập hoặc làm việc; tổ chức những buổi hội thảo, tọa đàm chuyên ngành…
Là một trong những cơ sở giáo dục đào tạo theo định hướng ứng dụng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường đại học Xây dựng Miền Trung cũng phát triển quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước trên phương châm đôi bên cùng có lợi. Điển hình như trong tháng 4 vừa qua, nhà trường đã ký kết hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO). Theo đó, hai bên sẽ phối hợp, hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tài trợ trang thiết bị. Trước đó, nhà trường đã trở thành hội viên chính thức của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam. Đây được xem là cơ hội kết nối giữa nhà trường với các chuyên gia đầu ngành, hợp tác giảng dạy và biên soạn tài liệu ngành Logistics; phát triển cơ hội việc làm cho sinh viên, thực tập trải nghiệm thông qua các hoạt động của hiệp hội.
Theo TS Phan Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung, việc liên kết trong hoạt động đào tạo - tuyển dụng được nhà trường đặc biệt chú trọng. Nhiều đại diện của doanh nghiệp đã tham gia vào hội đồng trường. Đây là nền tảng để nhà trường cùng với doanh nghiệp xây dựng mô hình hợp tác cùng đào tạo sinh viên trước khi tuyển dụng. Chương trình liên kết được triển khai sâu rộng trong trao đổi chuyên môn, học tập kinh nghiệm, khởi nghiệp và sáng tạo; nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Đồng thời, nhà trường cũng liên kết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp để đảm bảo việc làm cho sinh viên khi ra trường.
Đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao
Thực tế cho thấy, mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp doanh nghiệp lựa chọn được nguồn nhân lực chất lượng, phát triển tài năng dựa trên năng lực của sinh viên, tiết kiệm được chi phí, thời gian đào tạo lại sau khi tuyển dụng, sinh viên sau khi ra trường có thể đáp ứng ngay công việc tại doanh nghiệp.
Theo ông Bùi Trần Nhân Trí, Giám đốc nhân sự của THACO Chu Lai, với chiến lược phát triển đa ngành, THACO đang đầu tư mở rộng các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhu cầu về nguồn nhân lực của tập đoàn là rất lớn, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực xây dựng, ô tô, cơ khí, logistics… Việc ký kết hợp tác giữa nhà trường và THACO sẽ góp phần giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực chất lượng cao. Sinh viên sẽ được tham quan các nhà máy cơ khí và ô tô của THACO để hình dung được công việc thực tế trong tương lai.
Trong khi đó, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Hiện tập đoàn liên kết với khá nhiều trường đại học trong vấn đề đào tạo, tuyển dụng để hỗ trợ sinh viên. Doanh nghiệp luôn sẵn sàng tạo điều kiện để sinh viên tham gia vào các công việc thực tế nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định chung giống như một nhân viên thực thụ của tập đoàn. Không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập, doanh nghiệp còn phối hợp với các trường tổ chức chương trình đào tạo chuyên sâu ngay trong thời gian học tập tại trường. Đó là bước đệm để sinh viên đáp ứng được công việc thực tế. Nhiều sinh viên đã được doanh nghiệp nhận và ký hợp đồng chính thức ngay khi còn đang thực tập.
Theo TS Phan Văn Huệ, mô hình hợp tác gắn kết và đồng hành giữa nhà trường và doanh nghiệp ngày càng khẳng định hiệu quả trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Để tiếp tục duy trì hiệu quả và nhân rộng mô hình hợp tác đào tạo sinh viên trước tuyển dụng, Trường đại học Xây dựng Miền Trung tiếp tục nghiên cứu, cải tiến chương trình, phát triển mở rộng cho các đối tượng sinh viên năm thứ nhất, thứ hai, hướng tới mô hình hợp tác nhà trường - doanh nghiệp cùng triển khai các khóa đào tạo chính quy theo đặt hàng của doanh nghiệp. Sinh viên được định hướng nghề nghiệp rõ ràng, từ đó phát huy trí tuệ và sự say mê, cố gắng trong học tập; tiếp cận với môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có việc làm phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp. Nhà trường cũng sẽ tạo điều kiện tốt về cơ sở vật chất, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong trường trong việc quản lý, hỗ trợ sinh viên, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho sinh viên tham gia chương trình.
Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là nền tảng để đơn vị xây dựng mô hình hợp tác đào tạo sinh viên trước khi tuyển dụng. Sinh viên được định hướng nghề nghiệp rõ ràng, từ đó phát huy trí tuệ và cố gắng trong học tập, phấn đấu trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
TS Phan Văn Huệ, Hiệu trưởng Trường đại học Xây dựng Miền Trung |
NHƯ THANH