Công tác quản lý, sử dụng và phát triển các nhãn hiệu cộng đồng, nhãn hiệu tập thể cũng như phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của địa phương ở huyện Tuy An bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực.
Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông thôn bao gồm nông sản, thực phẩm, tiểu thủ công nghiệp, gắn với chỉ dẫn nguồn gốc địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã trở thành một định hướng quan trọng nhằm thúc đẩy sức cạnh tranh, giá trị của các nông sản, đặc sản, góp phần tổ chức sản xuất, phát triển thị trường trên cơ sở lợi thế về điều kiện sản xuất, văn hóa bản địa. Mặt khác, nhãn hiệu cộng đồng, nhãn hiệu tập thể đã từng bước khẳng định được vai trò, giá trị trong sản xuất, thương mại sản phẩm nông thôn, góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Những kết quả bước đầu
Với sự hỗ trợ của Sở KH-CN, Sở NN-PTNT và đặc biệt là sự phối kết hợp chặt chẽ trong việc phát triển thương hiệu cộng đồng với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, UBND huyện Tuy An đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai rộng rãi đến các chủ thể sản xuất đăng ký tham gia chương trình.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tuy An, trong thời gian qua, trên địa bàn huyện có nhiều sản phẩm đặc trưng như: bún bắp An Dân, gạo đỏ An Hiệp, nước mắm Yến, bánh tráng Hòa Đa, chả cá An Ninh Tây… Những sản phẩm này đều được các chủ thể sản xuất quan tâm đến kiểu dáng, nhãn mác, bao bì đóng gói và các loại giấy chứng nhận như: an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ… nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm trên địa bàn huyện Tuy An lần lượt được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao như: sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa kết nối cộng đồng tại Mộc Miên Rooky Garden (4 sao); nước mắm nhỉ Mỹ Quang (3 sao); sản phẩm bánh tráng Hòa Đa được cấp nhãn hiệu tập thể vào năm 2019, đến nay đã có 117 hộ tham gia.
Theo ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, việc xây dựng một số nhãn hiệu nông sản đặc thù của địa phương bước đầu đã hình thành, hoàn thiện cơ chế phối hợp tương đối đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhãn hiệu và cơ quan có thẩm quyền liên quan trong việc quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận trên các khâu tập huấn - đào tạo, thẩm định - giám sát điều kiện sử dụng, tuyên truyền - quảng bá nhãn hiệu… Từ đây, nông sản đặc thù của địa phương đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gắn với hoạt động sản xuất - kinh doanh trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định do cơ quan quản lý có thẩm quyền ban hành. Đồng thời, việc xây dựng nhãn hiệu nông sản góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hành chính Nhà nước trên lĩnh vực sản xuất - tiêu thụ, đặc biệt là các yếu tố liên quan đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. “Khi sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu được đăng ký, được bảo hộ thì người tiêu dùng an tâm, nắm được thông tin xuất xứ, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian tìm kiếm thông tin…”, ông Nguyễn Văn Hoàng nhấn mạnh.
Sản phẩm OCOP gạo thơm Hoa Vàng của HTX An Nghiệp thời gian qua đã định hình chất lượng, thương hiệu, được thị trường đón nhận. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững
Việc quản lý và sử dụng các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu cộng đồng trên địa bàn huyện Tuy An tuy đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng để phát triển nhãn hiệu chứng nhận rộng rãi và bền vững ra cộng đồng doanh nghiệp thì vẫn còn một số khó khăn.
“Trước hết do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa bảo đảm nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, nên sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trực tiếp, chưa qua chế biến. Bên cạnh đó, mức độ quan tâm của người sản xuất về các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu còn hạn chế. Công tác phối hợp quản lý giữa các cơ quan hành chính trong việc kiểm soát, tuyên truyền nâng cao nhận thức về nhãn hiệu, thương hiệu chưa thường xuyên. Công tác quảng bá và xúc tiến thương mại chưa thật hiệu quả do những hạn chế về nguồn lực, phạm vi thẩm quyền và các yếu tố kỹ thuật khác”, ông Hoàng cho biết thêm.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và phát triển nhãn hiệu các sản phẩm đã xây dựng, theo Phó Chủtịch UBND huyện Tuy An, trong thời gian tới, các cơ quan hữu quan của tỉnh cần kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm; đồng thời hỗ trợ nguồn lực, vốn, kỹ thuật giúp các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất… góp phần hạ giá thành và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm địa phương.
Theo bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, trước yêu cầu của thị trường, việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm đặc thù của địa phương là tất yếu, hướng đến nền nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững. Vì vậy, hoạt động quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù của địa phương cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương vàcó sự đầu tư đúng mức.
“Trong thời gian đến, Sở KH-CN sẽ tham mưu cơ chế chính sách, trình UBND tỉnh cấp kinh phí hằng năm để thực hiện đăng ký nhãn hiệu cộng đồng các sản phẩm ở địa phương. Sở sẽ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ, lựa chọn hình thức bảo hộ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận), sản phẩm được lựa chọn cần có danh tiếng, chất lượng gắn với điều kiện của địa phương; ưu tiên lựa chọn các HTX làm chủ thể để đăng ký các nhãn hiệu tập thể. Công tác đào tạo, nâng cao năng lực sẽ được tăng cường, trong đó xây dựng và bổ sung các nội dung đào tạo, tập huấn về quản trị và phát triển thương hiệu trong các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực cho các HTX, cán bộ quản lý HTX, làng nghề, đào tạo nghề nông thôn…”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Trong năm 2023, huyện Tuy An sẽ có các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, như: Gạo Hương Thơm 1 của HTX Nông nghiệp An Ninh Tây, sản phẩm du lịch văn hóa Quảng Đức Xưa của Công ty TNHH Đá Đĩa Phú Yên (thị trấn Chí Thạnh), sản phẩm làng nghề chiếu cói An Cư, gạo đỏ của HTX Nông nghiệp An Hiệp, cá cơm xuất khẩu của một số cơ sở sản xuất tại xã An Chấn, chả cá An Ninh Tây, rượu sim An Xuân, nấm bào ngư An Lĩnh…; tiến hành đăng ký xây dựng nhãn hiệu tập thể: Gạo đỏ Tuy An của HTX Nông nghiệp An Hiệp…
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An |
VĂN TÀI