UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ, hội viên của Hội Khuyến học tỉnh được học tập quán triệt các tiêu chí xây dựng mô hình Công dân học tập; 40% người lớn trong gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập; 60% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị học tập cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đạt danh hiệu Công dân học tập; 70% những người đạt danh hiệu Công dân học tập đều phải có những kỹ năng số và đáp ứng nhu cầu công việc theo quy định của chương trình chuyển đổi số quốc gia; trong đó 60% thành thạo kỹ năng số để tự cập nhật thông tin về tiêu chí đánh giá Công dân học tập trên môi trường số hóa.
Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2030, tiếp tục quán triệt đến toàn thể cán bộ, hội viên của Hội Khuyến học trong tỉnh để hiểu rõ và triển khai có hiệu quả các tiêu chí xây dựng mô hình Công dân học tập; 60% người lớn trong gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập; 80% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị học tập cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đạt danh hiệu Công dân học tập; 90% những người đạt danh hiệu Công dân học tập đều phải có những kỹ năng số và đáp ứng nhu cầu công việc theo quy định của chương trình chuyển đổi số quốc gia; trong đó 80% thành thạo kỹ năng số để tự cập nhật thông tin về tiêu chí đánh giá Công dân học tập trên môi trường số hóa.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, tham gia xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá mô hình Công dân học tập. Hướng dẫn, triển khai bộ tiêu chí đánh giá mô hình Công dân học tập để áp dụng trên toàn tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình Công dân học tập. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, xây dựng mô hình Công dân học tập. Triển khai công tác tập huấn, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc xây dựng mô hình Công dân học tập. Huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tăng cường sự đóng góp của cộng đồng trong việc thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, nhân rộng mô hình Công dân học tập góp phần xây dựng xã hội học tập.
Hội Khuyến học tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội có liên quan để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Chỉ đạo, hướng dẫn hội khuyến học các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai chương trình ở địa phương. Kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả việc triển khai thực hiện chương trình ở địa phương.
Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong việc tổ chức xây dựng mô hình Công dân học tập; phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh trong việc tổ chức đánh giá, công nhận danh hiệu Công dân học tập.
(PYP)