Thứ Hai, 25/11/2024 22:57 CH
Đưa ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Thứ Hai, 07/03/2022 07:00 SA

Đoàn viên thanh niên Phú Yên tham quan mô hình trồng lan ứng dụng công nghệ cao để khởi nghiệp. Ảnh LỆ VĂN

Hoạt động nghiên cứu KH-CN được triển khai trên các mặt đời sống của xã hội. Tuy nhiên, để phát triển, đưa ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong thời gian đến thì cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN xoay quanh nội dung này.

 

* Xin ông cho biết, thời gian qua, việc triển khai KH-CN và ĐMST, chuyển giao các tiến bộ KH-CN trên địa bàn tỉnh diễn ra như thế nào?

 

- Tại Phú Yên, trong những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của phát triển, ứng dụng KH-CN và ĐMST trong phát triển kinh tế - xã hội. Năng lực nghiên cứu KH-CN được nâng cao, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST có nhiều chuyển biến, thị trường KH-CN từng bước được hình thành. Trong đó, chú trọng hoàn chỉnh một số luận cứ khoa học phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử Phú Yên qua các thời kỳ; nghiên cứu lai tạo một số giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển giao một số công nghệ tiên tiến, sản xuất một số dược phẩm thay thế hàng nhập khẩu; phát triển một số nhãn hiệu hàng hóa đặc trưng của tỉnh có giá trị kinh tế cao...

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH-CN và ĐMST chưa được chú trọng; cơ chế tài chính còn nhiều bất cập, đầu tư cho KH-CN còn thấp (giai đoan 2016-2020 đạt 0,68% tổng chi ngân sách); quỹ phát triển KH-CN ở tỉnh chưa hình thành...Việc đào tạo, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH-CN chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; cơ chế quản lý hoạt động KH-CN có đổi mới nhưng còn chậm; công tác quy hoạch, phát triển KH-CN gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chưa được triển khai đồng bộ; sự phối hợp giữa các cấp, ngành trong thực hiện các nhiệm vụ KH-CN chưa tốt, hiệu quả chưa cao. Nhất là, thị trường KH-CN chưa phát triển, kết quả nghiên cứu ứng dụng gắn kết với nhu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý chưa nhiều; chưa có nhiều kết quả nghiên cứu KH-CN nổi bật được nhân rộng.

 

Nhằm tạo đột phá để KH-CN và ĐMST trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế và phát triển Phú Yên nhanh, bền vững, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 11 về “Phát triển, ứng dụng KH-CN và ĐMST phục vụ phát triển kinh tế, xã hội”. Tiếp đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 209 về việc thực hiện Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm phát triển, ứng dụng KH-CN và ĐMST, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ; chú trọng ĐMST, chuyển đổi số, chủ động tích cực và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực và nền tảng chủ yếu cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên nhanh và bền vững.

 

Ông Dương Bình Phú

* Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch 209 của UBND tỉnh đặt ra như thế nào để đẩy mạnh việc phát triển, ứng dụng KH-CN và ĐMST phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên trong thời gian đến, thưa ông?

 

- Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch 209 của UBND tỉnh đặt ra trong thời gian đến là phải nâng tỉ lệ đóng góp KH-CN và ĐMST vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh thông qua yếu tố năng suất tổng hợp phải đạt hơn 35% và tăng tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao chiếm khoảng 10% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2025. Phấn đấu 90% nhiệm vụ KH-CN đưa vào ứng dụng trong thực tiễn sản xuất và đời sống.

 

Bên cạnh đó, phấn đấu đến hết năm 2025, hình thành không gian ĐMST và chuyển đổi số để phục vụ chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số cho các tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên; sẵn sàng tiếp nhận, chuyển giao giữa các viện, trường, doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị trên cơ sở hạ tầng, vật chất của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (Sở KH-CN); tổ chức sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ; phấn đấu hết năm 2025, 100% tổ chức KH-CN công lập chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm…

 

Mặt khác, trong thời gian đến phải hỗ trợ phát triển 10 dự án khởi nghiệp, 10 dự án khởi nghiệp ĐMST, 5 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, 5 doanh nghiệp KH-CN, 1 doanh nghiệp về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, 5 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho ít nhất 20 sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Số văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp đạt 318 văn bằng. Thẩm định về công nghệ đối với 100% dự án đầu tư mới vào tỉnh, kiên quyết không cấp phép dự án sử dụng công nghệ hạn chế hoặc có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

 

Mặt khác, phải tăng tỉ lệ cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 5-7 người/vạn dân; hình thành 5 nhóm chuyên gia nghiên cứu KH-CN trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghệ sinh học và môi trường; công nghệ thông tin; y dược, kỹ thuật cơ khí, chế tạo máy và điều khiển, tự động hóa. Xây dựng chương trình chuyển đổi số và khung kiến trúc chính quyền điện tử 2.0, phát triển hạ tầng mạng, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Phấn đấu bố trí ngân sách nhà nước cho KH-CN đạt 2% tổng chi hàng năm.

 

* Trong thời gian đến, Sở KH-CN sẽ có những giải pháp nào để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch 209 của UBND tỉnh đề ra, thưa ông?

 

- Để thực hiện thắng lợi có hiệu quả Nghị quyết 11 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch 209 của UBND tỉnh đề ra, cũng như phát huy mạnh mẽ vai trò KH-CN, trong thời gian đến, chúng tôi phải xác định rõ nhiệm vụ của từng phòng, từng đơn vị gắn trách nhiệm của từng công chức, viên chức, lãnh đạo cấp phòng và đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH-CN và ĐMST.

 

Theo đó, sở sẽ có các giải pháp cụ thể, tập trung vào 6 nhiệm vụ chủ yếu. Trọng tâm là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển, ứng dụng KH-CN và ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Làm sao phải gắn các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển, ứng dụng KH-CN và ĐMST với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, từng ngành. Đưa phát triển, ứng dụng KH-CN và ĐMST là một nội dung trong tham mưu, góp ý xây dựng kế hoạch phát triển của từng ngành và từng địa phương.

 

Bên cạnh đó, đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách, phát triển, ứng dụng KH-CN và ĐMST cả về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động; nâng cao tiềm lực KH-CN và ĐMST của tỉnh; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng KH-CN và ĐMST, chuyển đổi số, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và phát triển nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống truy xuất nguồn gốc; tăng cường hợp tác về KH-CN và ĐMST, nhất là tích cực phối hợp, liên kết với các trường đại học, viện nghiên cứu đầu ngành trong nước, quốc tế và một số địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh…để chuyển giao công nghệ, trực tiếp giải quyết các vấn đề cấp bách, phù hợp với điều kiện của tỉnh ở các lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường…Qua đó không chỉ tăng cường hợp tác, mà còn rút ngắn khoảng cách, cũng như nâng cao trình độ KH-CN trên địa bàn Phú Yên.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Trong năm 2021-2022, hoạt động KH-CN đã đạt được những kết quả cơ bản như: Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về công nghệ, an toàn bức xạ hạt nhân, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động KH-CN, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ lĩnh vực KH-CN, nhất là các nhiệm vụ nghiên cứu KH-CN được thực hiện theo hướng ưu tiên và ứng dụng vào thực tiễn đời sống và sản xuất, không để việc nghiên cứu KH-CN không có địa chỉ sử dụng, ứng dụng cụ thể, gắn với chuỗi liên kết giá trị. Do đó, đến nay đã triển khai được 38 nhiệm vụ nghiên cứu KH-CN các cấp, trong đó có 9 đề tài, dự án cấp quốc gia, 24 đề tài, dự án cấp tỉnh và 5 đề tài cấp cơ sở.

 

VĂN TÀI (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek