Thứ Sáu, 03/05/2024 17:07 CH
Cân đối bài toán tuyển sinh với nhu cầu nhân lực
Thứ Năm, 03/03/2022 13:00 CH

Trường đại học Phú Yên đang xây dựng các ngành học mới như Nông nghiệp, Du lịch, Sư phạm Khoa học tự nhiên để tuyển sinh trong thời gian tới. Trong ảnh: TS Trần Lăng, Hiệu trưởng nhà trường kiểm tra tình hình học tập của sinh viên. Ảnh: THÚY HẰNG

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, cũng như để thu hút thí sinh, vài năm trở lại đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học mở thêm một số ngành học mới vào mỗi mùa tuyển sinh. Việc các trường mở thêm ngành học mới là cần thiết, nhưng cũng cần cân đối với nhu cầu nhân lực.

 

Mở ngành mới gắn với nhu cầu nhân lực

 

Liên tục hai mùa tuyển sinh 2020, 2021, Trường đại học Xây dựng Miền Trung thu hút thí sinh bằng việc tuyển sinh các ngành học mới như Kiến trúc nội thất, Quản lý đô thị và công trình, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh. Đa số các ngành mới mở này được xem là hấp dẫn. Mùa tuyển sinh năm 2022, tuy không có thêm ngành học mới, nhưng với 11 ngành đào tạo, gồm: Kỹ thuật xây dựng, Kinh tế xây dựng, Quản lý xây dựng, Kiến trúc, Kiến trúc nội thất, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật cấp thoát nước, Kế toán, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Quản lý đô thị và công trình, nhà trường kỳ vọng sẽ thu hút được thí sinh.

 

Năm 2022, Trường đại học Phú Yên tuyển sinh 10 ngành đại học, gồm Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học, Sư phạm Toán học, Sư phạm Tin học, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Tiếng Anh, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh và Việt Nam học (chuyên ngành Du lịch). Bên cạnh các ngành đào tạo truyền thống này, hiện nhà trường đang xây dựng chương trình mở các ngành đào tạo mới phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và điều kiện của nhà trường như Nông nghiệp, Du lịch, Sư phạm Khoa học tự nhiên. TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên chia sẻ: Nhà trường xác định rất rõ thế mạnh của trường là gì, phân khúc thị trường lao động ra sao. Những ngành mà nhà trường sẽ mở trong thời gian tới, mặc dù chưa phải là hot nhưng trường vẫn kiên trì để đáp ứng nhu cầu nhân lực của tỉnh.

 

Xu hướng và nhu cầu nhân lực của thị trường lao động đóng vai trò lớn trong việc định hướng hình thái tuyển sinh và đào tạo của các trường. Theo đề án tuyển sinh mà các trường công bố, năm 2022, nhóm ngành mới các trường mở và tuyển sinh khá đa dạng, đều là những ngành nghề mà nhu cầu xã hội đang tăng. Chẳng hạn, Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) mở ngành Công nghệ điện tử và Tin học, Kỹ thuật máy tính, Quản lý tài nguyên và môi trường; Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh mở ngành Công nghệ và đổi mới sáng tạo, Truyền thông số và thiết kế đa phương tiện; Trường đại học Gia Định mở thêm 5 ngành mới gồm: Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Bất động sản, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Quản trị du lịch và lữ hành, nâng tổng số ngành đại trà tuyển sinh trong năm tới lên 19 ngành. Việc mở thêm 5 ngành mới này, theo ThS Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Gia Định, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động nhóm ngành nghề này trong những năm tới.

 

Với xu thế cùng bối cảnh ngày một mở của nền kinh tế và các thành tựu khoa học công nghệ, việc chuyển dịch trong đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của người học, theo kịp với sự dịch chuyển nghề nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ là chuyện đương nhiên. Mỗi trường cần phải có tầm nhìn, chiến lược riêng của mình; phải xây dựng cho mình một phân khúc về đào tạo, chất lượng khác nhau mới có thể cạnh tranh lành mạnh và phát triển. Nếu một trường nào đó mở một ngành mà trường nào cũng mở được, chất lượng không hơn những trường khác, rõ ràng sẽ bị cạnh tranh rất lớn và không thể phát triển.

 

Năm 2022, các trường đại học mở nhiều ngành học mới nên thí sinh cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn ngành, trường để tham gia xét tuyển. Ảnh: THÚY HẰNG

 

Đề cao vai trò chất lượng

 

Việc mở mới ngành đào tạo trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh, tự chủ đại học ngày một mở rộng là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, đáng e ngại là một số trường cấp tập chạy theo xu hướng và chỉ tiêu tuyển sinh mang tính thời điểm.

 

Tại diễn đàn bàn về vấn đề tự chủ đại học, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận: Các trường đại học, nhất là trường thuộc khối tư thục cứ mỗi mùa tuyển sinh là mở thêm nhiều ngành học mới, điều này giúp thí sinh tăng sự lựa chọn trường, ngành. Tuy nhiên, nếu việc mở ngành học của các trường chỉ nhằm đón bắt xu hướng và nhu cầu của phụ huynh, thí sinh hơn là gắn với nhu cầu nhân lực xã hội thì thật đáng lo.

 

“Thực tế, đào tạo đa ngành đang là xu hướng được phần lớn các trường đại học tại Việt Nam lựa chọn và theo đuổi. Xu hướng trên giúp các trường dễ dàng giảm tải áp lực chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm khi mở mới ngành có nhu cầu hot và đóng lại những ngành không còn người học. Tuy nhiên, về lâu dài, chính sách tuyển sinh và đào tạo nặng tính nhất thời và thỏa mãn nhu cầu của người học mà bỏ quên các thống kê và tính toán về nhu cầu nhân lực ở tương lai, sẽ để lại những áp lực cho xã hội khi phải giải quyết bài toán thừa nhân lực”, TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

 

Thực tế cho thấy, ngành nghề đào tạo thay đổi không ngừng để phù hợp với sự phát triển và vận động của xã hội. Nhóm ngành này hôm nay có thể là hot, là sự lựa chọn lớn trong chính sách tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhưng vài năm sau, ngành đó có thể không còn thịnh, thậm chí là bão hòa… và không còn nhu cầu tuyển dụng. Điều đó cho thấy nhu cầu mở ngành mới của các trường là bản chất “hai mặt của một vấn đề”. Các trường không mở ngành học mới phù hợp với bối cảnh kinh tế và sự phát triển của xã hội thì sẽ gặp khó trong tuyển sinh. Nhưng vì ngành đang có sức hút lớn với thí sinh mà bất chấp mở ngành dù nó nghịch với thế mạnh đặc thù đào tạo của mình thì rất nguy hiểm. Nhìn nhận thực tế trên, TS Trần Lăng nói: Nhà trường phải có sự tính toán kỹ về đội ngũ, cơ sở vật chất và cả nguồn tuyển rồi mới lên kế hoạch mở ngành mới. Một khi xác định rõ mục tiêu mở ngành mới là vì quyền lợi của thí sinh và đáp ứng nhu cầu cho nguồn nhân lực trong tương lai, ngành học đó sẽ phát triển và ổn định.

 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã tập trung sửa đổi một số quy định liên quan tới tự chủ đại học. Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), việc mở các ngành nghề đào tạo mới trước hết phải đáp ứng yêu cầu của thị trường, người sử dụng lao động, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng đồng thời cũng phải đáp ứng những chuẩn tối thiểu theo quy định của Nhà nước và thông lệ quốc tế. Nếu các cơ sở giáo dục đại học khi mở ngành nghề mới mà không gắn với yêu cầu thị trường, thì thứ nhất, không đáp ứng quy định pháp lý về vận hành; thứ hai, thị trường sẽ có ngay phản ứng với quyết định đó của nhà trường, trước mắt là tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sẽ thấp. Từ đó đặt ra sự tồn tại của nhà trường, của ngành nghề đó có phù hợp hay không? Thị trường lao động sẽ giúp thanh lọc những cơ sở đào tạo thiếu chất lượng hoặc đào tạo những ngành nghề không còn phù hợp. 

 

Nếu việc mở ngành mới chỉ nặng chạy theo việc tuyển sinh, thiếu đầu tư có bài bản thì chắc chắn chất lượng sẽ bị ảnh hưởng và đương nhiên danh tiếng của nhà trường cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

 

TS Trần Lăng, Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek