Chủ Nhật, 24/11/2024 18:05 CH
Phát huy hiệu quả tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số
Thứ Tư, 22/12/2021 11:00 SA

Không gian lớp học ở Trường mẫu giáo Ea Bia (huyện Sông Hinh) được tăng cường dụng cụ học tập, đồ chơi, học liệu để TCTV cho trẻ. Ảnh: HÀ NHÚNG

Nhằm giúp các trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp tiếng Việt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh nhà, năm học 2021-2022, các trường học có trẻ, học sinh DTTS đã đưa ra nhiều giải pháp tăng cường tiếng Việt (TCTV) cho học sinh hai cấp học này.

 

Nhiều cách làm sáng tạo

 

Trước tình trạng trẻ em đồng bào DTTS không rành tiếng Việt, các em thường giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, chưa có thói quen sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hoặc biểu đạt rất hạn chế…, các trường mẫu giáo, tiểu học có trẻ, học sinh DTTS đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc TCTV cho các em.

 

Năm học 2021-2022, Trường mẫu giáo Ea Bia (huyện Sông Hinh) có 137 cháu từ 3-5 tuổi, trong đó 135 trẻ là đồng bào DTTS. Hầu hết trẻ gặp khó khăn khi giao tiếp bằng tiếng Việt với cô giáo. Cô Hà Thị Nhúng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Để TCTV cho trẻ, các góc học tập, vui chơi trong lớp, ngoài trời đều đa dạng đồ dùng, đồ chơi và được gắn tên gọi, chữ cái, con số hoặc ký hiệu… tạo nhiều cơ hội cho trẻ tiếp xúc, tập nhận diện, tập đọc. Đối với những em nói tiếng Việt còn hạn chế, hàng ngày các cô giáo thường xuyên tiếp xúc, gần gũi, trò chuyện với các em trong lớp học cũng như tiết học ngoài trời. Ngoài ra, nhà trường còn lồng ghép, sử dụng tiếng Việt trong tổ chức hoạt động văn hóa dân tộc, nghe kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca dao…, trong đó tập trung vào phần phát âm cho trẻ. Nhờ vậy, trong mấy tháng đầu của học kỳ I, nhiều trẻ đã nhận biết, phát âm tương đối đúng theo bộ chữ cái tiếng Việt”.

 

Trường tiểu học và THCS Cà Lúi (huyện Sơn Hòa) có 516 học sinh, trong đó trên 93% học sinh đồng bào DTTS. Đối với học sinh lớp 1, qua hơn 3 tháng học, nhiều em nói tiếng Việt rành, nhưng đọc và viết còn rất yếu. Có em còn nhút nhát dẫn đến việc trao đổi bài trên lớp chưa sôi nổi. Theo thầy Dương Văn Cường, Phó Hiệu trưởng nhà trường, để TCTV cho học sinh, nhất là các em khối lớp 1, nhà trường tăng cường số tiết dạy tiếng Việt trong tuần; đồng thời tổ chức dạy phụ đạo cho các em vào những buổi học không chính khóa. Ngoài ra, nhà trường còn tích hợp dạy tiếng Việt trong các môn học, bằng cách giáo viên cho sinh đọc đề bài, câu hỏi… để luyện đọc, nói. “Giáo viên đều có kế hoạch, xây dựng bài giảng, đảm bảo nội dung TCTV, trong đó bám sát đối tượng, phù hợp với năng lực, tính tích cực của học sinh. Với cách dạy như vậy, mỗi năm học, 100% học sinh khối lớp 1 trong trường đều giao tiếp bằng tiếng Việt tốt và dạn dĩ hơn nhiều”, thầy Dương Văn Cường nói.

 

Phát huy hiệu quả

 

Để phát huy hiệu quả thực hiện đề án “TCTV cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, ngành Giáo dục tỉnh đã cụ thể hóa đề án này trong mỗi năm học với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Theo Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đồng Xuân Phạm Trung Thành, để phát huy hiệu quả đề án TCTV cho trẻ, thời gian qua, song song với việc thực hiện nhiều giải pháp giáo dục trên lớp, thì cơ sở vật chất ở các trường mầm non có trẻ DTTS đã được chú trọng, nhiều trường học được đầu tư xây dựng mới, mua sắm trang thiết bị dạy học cho trẻ. Ngoài ra, các trường cũng đã chủ động xây dựng tốt môi trường bên trong và bên ngoài lớp học từ các trang thiết bị mua sắm và tự làm, tạo môi trường, không gian lớp học để kích thích các em đến lớp, học tập tốt. “Với nhiều nỗ lực trong thực hiện đề án TCTV cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS, mỗi năm học, 100% trẻ DTTS ở tất cả các trường mầm non đều được TCTV và chuẩn bị tốt tâm thế cho trẻ khi vào lớp 1”, ông Phạm Trung Thành nói.

 

Còn theo Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sông Hinh Nguyễn Thanh Lam, thời gian qua, Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo các trường làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, nhà trường và xã hội để việc chăm sóc giáo dục trẻ ngày càng hiệu quả hơn. Các trường thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu; tổ chức hội thi Trang trí lớp đẹp; làm đồ dùng, đồ chơi… nhằm huy động, bổ sung đồ dùng, đồ chơi cho trẻ hoạt động hay tổ chức ngày hội nói tiếng Việt cho trẻ DTTS bằng nhiều hình thức phong phú… Qua đó giúp các em nói, viết tiếng Việt ngày càng thành thạo, tự tin hơn. 

 

Trong thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh đẩy mạnh các giải pháp TCTV cho trẻ mầm non, học sinh DTTS. Đến năm 2025, có ít nhất 30% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, từ 90% trẻ em DTTS trong độ tuổi mẫu giáo, trong đó 100% trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non được TCTV phù hợp theo độ tuổi. Để đạt được mục tiêu này, mỗi năm ngành Giáo dục và các trường tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, xây dựng môi trường tiếng Việt trong cơ sở giáo dục…

 

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái

 

HIẾU TRUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek