Làm thế nào để học sinh, sinh viên (HSSV) và giáo viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát huy được vai trò của đào tạo trực tuyến trong thời đại công nghệ số là vấn đề rất quan trọng.
Hội đồng Quốc gia Giáo dục và phát triển nhân lực (Tiểu ban GDNN) vừa tiến hành khảo sát đối với 997 cán bộ quản lý các cấp, 2.108 nhà giáo, 16.671 HSSV các cơ sở GDNN và 138 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm GDNN. Kết quả cho thấy, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, 69,5% số lượng giáo viên và 83,8% học viên tham gia dạy và học thông qua các công cụ dạy học trực tuyến như Zoom, Google Meeting, Microsoft Teams. Có 69,8% giáo viên đã được đào tạo, hướng dẫn giảng dạy trực tuyến. Điều này cho thấy, các cơ sở GDNN đã bước đầu áp dụng công nghệ và học liệu số trong việc dạy học.
Tuy nhiên, cũng theo kết quả khảo sát online của Tiểu ban GDNN, có đến 80% giải pháp đưa ra là sử dụng thiết bị và phần mềm trình chiếu, demo video, hình ảnh, phần mềm… Như vậy, tính mở và linh hoạt của các chương trình đào tạo chưa cao, dẫn đến hạn chế trong việc cập nhật nội dung đào tạo hiệu quả và kịp thời.
Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, nên các cơ sở GDNN trên địa bàn Phú Yên phải thực hiện việc tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học. Thực tế dạy học đối với trường nghề cho thấy, nhiều khó khăn gặp phải khi thực hiện chuyển đổi từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Nhà giáo và cán bộ quản lý đương đầu với nhiều thách thức khi cố gắng triển khai các khóa học trực tuyến một cách hiệu quả. “Không ít nhà giáo vấp phải khó khăn trong lựa chọn và xây dựng học liệu số, tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra đánh giá trong môi trường dạy học trực tuyến. Do đó, trong thời gian qua, nhà trường đã tập trung bồi dưỡng phát triển năng lực dạy học trực tuyến trong cán bộ, giáo viên”, TS Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung cho hay.
Đối với việc đào tạo nghề thì thực hành là vô cùng quan trọng. Chỉ có các xưởng thực hành ảo mới có thể đáp ứng được sự phát triển của KH-CN hiện nay và giúp quá trình học và giảng dạy thuận tiện hơn. Do đó, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, cho rằng để nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến, toàn hệ thống cần hướng tới những giải pháp để chuyển đổi số một cách hiệu quả như: Xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN; chỉnh sửa, cập nhật nội dung đào tạo các cấp trình độ GDNN phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế; thay đổi phương pháp dạy và học các cấp trình độ GDNN; phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; phát triển nhà giáo số và học viên số... Khi hệ thống giáo dục được đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thì từng bước đáp ứng tốt các yêu cầu của doanh nghiệp về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các yêu cầu chuyển đổi số chung của nền kinh tế.
MẠNH THÚY