Những năm qua, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KH-CN) cũng như tiếp nhận, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Bà Đào Thị Kim Chi, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường đầm Ô Loan đến năm 2025 định hướng đến năm 2035, Chi cục Bảo vệ môi trường triển khai hạng mục: Tuyên truyền, xây dựng mô hình quản lý giảm thiểu rác thải tại nguồn khu vực đầm Ô Loan tại xã An Hiệp. Theo đó, những người thực hiện dự án sẽ hướng dẫn người dân phân loại rác, ủ rác thải thành phân hữu cơ; đồng thời hỗ trợ 100 thùng ủ, 100 gói men vi sinh cho các hộ dân có nhu cầu sử dụng thùng rác hữu cơ. Đây là giải pháp bước đầu giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân và hiện tại, Sở TN-MT vẫn đang tìm kiếm các công nghệ xử lý rác thải tiên tiến để tham mưu UBND tỉnh nhằm đảm bảo công nghệ xử lý rác thải phù hợp với thành phần rác của khu vực dự án và phương pháp thu gom hiện hữu; phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất và quỹ đất của địa phương; đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và mang lại hiệu quả khi đưa vào vận hành.
Năm 2019, Phú Yên thực hiện đề tài khoa học: Điều tra, đánh giá tài nguyên sinh vật ở vịnh Xuân Đài phục vụ quản lý tổng hợp và phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Nghiên cứu đã đưa ra và phân tích một cách chi tiết, cụ thể các giải pháp quản lý, sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên sinh học vịnh Xuân Đài, trong đó đề ra giải pháp bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn lợi; nuôi trồng thủy sản bền vững; giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường đến hệ sinh thái… Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho rằng, kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở quan trọng giúp đánh giá giá trị tài nguyên vịnh Xuân Đài, ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học.
Năm 2020, Viện Địa lý (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam) thực hiện đề tài nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ hỗ trợ công tác phòng, chống ngập lụt tại Phú Yên với mục tiêu đánh giá diễn biến và nguyên nhân gây lũ và ngập lụt vùng hạ du các sông Kỳ Lộ, Bàn Thạch và sông Ba trên địa bàn tỉnh; xây dựng công nghệ mô phỏng ngập lụt các sông; xây dựng cơ sở dữ liệu và bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định công tác cảnh báo ngập lụt trên nền web. Cùng với triển khai đề tài phòng chống ngập lụt, tỉnh cũng đã tiến hành nghiên cứu đánh giá diễn biến xói lở và đề xuất giải pháp chỉnh luồng tuyến 3 cửa sông chính Đà Nông, Đà Diễn, Tiên Châu; nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn phát triển sản phẩm du lịch biển khu vực vịnh Xuân Đài và vùng phụ cận… Qua đó đã xây dựng luận cứ, cơ sở khoa học phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội có hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều đề tài, dự án đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH-CN mới trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm và đặc biệt là sản xuất sạch, an toàn cho người tiêu dùng, thân thiện với môi trường. Trong đó, tiêu biểu là các mô hình nghiên cứu xây dựng quy hoạch về làng nghề nuôi chim yến; nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới về mô hình nuôi tôm hùm có xử lý chất thải; nuôi tôm hùm trong bể trên bờ, nuôi tôm hùm lồng xa bờ theo công nghệ Na Uy, nuôi cua lột trong hệ thống bể tuần hoàn; phục hồi, quản lý và bảo vệ quần thể chim yến hàng, hướng đến xây dựng một thương hiệu Yến sào Phú Yên. Ngoài ra, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ cũng đã nghiên cứu sản xuất thành công chế phẩm vi sinh PYMIC để xử lý môi trường chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên, thời gian qua, việc ứng dụng KH-CN trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển và đạt được những kết quả nhất định, góp phần tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. “Thời gian tới, hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật tập trung vào phục vụ bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu, với mục tiêu: Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai; tạo bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững; kiểm soát ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học”, ông Phú nói.
THÁI HÀ