Nếu các năm trước, điểm chuẩn trúng tuyển các ngành đào tạo giáo viên thường chỉ bằng điểm sàn thì năm nay điểm chuẩn trúng tuyển của ngành này tăng vọt, thậm chí có ngành lên tới 30,5 điểm.
Thu hút được thí sinh giỏi
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, ngay sau khi các trường đại học công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi THPT năm 2021, có tới 64 ngành của các trường sư phạm tăng từ 5 điểm trở lên so với năm 2020. Tăng cao nhất và cũng gây ngạc nhiên nhất là ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường đại học Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa), với điểm chuẩn lên tới 30,5. Với mức điểm này, thủ khoa khối C00 năm 2021 (tổng điểm thi 29,25) cũng không thể trúng tuyển nếu không có điểm ưu tiên đối tượng và khu vực.
Trong khi đó, các trường đại học như Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP Hồ Chí Minh, đại học Giáo dục…, điểm chuẩn cũng không kém các trường hot, ngành hot khác. Tại Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, điểm chuẩn nhóm ngành đào tạo giáo viên từ 22,05-27,15 tùy ngành. ThS Lê Phan Quốc, Phó Trưởng Phòng Đào tạo của trường, cho biết so với năm 2020, điểm chuẩn các ngành năm nay đều tăng từ gần 1-4 điểm.
Tại Trường đại học Phú Yên, điểm chuẩn trúng tuyển các ngành đào tạo giáo viên dù chỉ bằng điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đưa ra là 19 điểm (chỉ có ngành Giáo dục mầm non là 19,5 điểm) nhưng một thông tin rất vui đến với trường là trong 181 thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi THPT, có nhiều em đạt 24-28 điểm. Đây là tín hiệu vui đối với đầu vào các ngành sư phạm.
Theo TS Lê Thị Kim Loan, Phó phụ trách Phòng Đào tạo Trường đại học Phú Yên, điểm chuẩn ngành sư phạm tăng có thể kể đến là do điểm thi của thí sinh tăng so với năm 2020; chỉ tiêu các ngành ít hơn. Đặc biệt là năm nay sinh viên sư phạm không chỉ được miễn học phí, mà còn được cấp sinh hoạt phí hằng tháng 3,56 triệu đồng. Chính sách ưu đãi này đã thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế nhiều gia đình rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cần cân đối cung - cầu
Lợi thế của sinh viên sư phạm là được miễn học phí và được hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, để đảm bảo cung - cầu đối với nhóm ngành này, một trong những việc quan trọng là các địa phương cần công khai nhu cầu tuyển dụng, thiếu thông tin này người học sẽ băn khoăn.
Tại Phú Yên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê nhu cầu giáo viên của từng bậc học, ngành học để làm cơ sở lập kế hoạch đào tạo giáo viên cũng như để giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Riêng năm học 2021-2022, toàn tỉnh thiếu 1.274 giáo viên theo định mức. Trong đó bậc mầm non thiếu 527 giáo viên, tiểu học thiếu 565 giáo viên, THCS thiếu 73 giáo viên (nhưng thừa cục bộ 251 giáo viên) và THPT thiếu 109 giáo viên. Tuy nhiên việc bổ sung bị giới hạn về biên chế từ phía nội vụ.
Miễn học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm là chính sách kịp thời và tiến bộ, song đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ phải là vị trí việc làm và chế độ chính sách, môi trường, cách thức làm việc để người học sư phạm phát huy hết năng lực của nhà giáo. Do đó, điều kiện đủ phải bắt đầu từ UBND các tỉnh và Bộ Nội vụ, phải làm thế nào để tránh được tình trạng nhu cầu cần nhiều nhưng lại vướng biên chế như hiện nay.
Theo Bộ GD-ĐT, hằng năm, UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo giáo viên, nhu cầu tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp theo từng trình độ, cấp học, ngành học. Từ đó xác định số lượng chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng (hoặc đấu thầu) đào tạo giáo viên cho năm tuyển sinh, bao gồm cả nhu cầu đào tạo liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên trình độ đại học. Một khi đào tạo giáo viên gắn liền với địa chỉ, giải quyết tốt đầu ra cho sinh viên sau tốt nghiệp thì sẽ hạn chế được tình trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp hoặc phải làm các công việc trái ngành nghề được đào tạo sau khi ra trường.
THÚY HẰNG