Kết thúc xác nhận nhập học đợt 1, một số ngành vẫn chật vật trong tuyển sinh, dù rất cần cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ngành hẹp khó tuyển sinh
Trong đợt công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, 5 trong tổng số 11 ngành ở Trường đại học Xây dựng Miền Trung chỉ tuyển được trên dưới 10 thí sinh. Trong khi các ngành như Quản lý đô thị và công trình, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Quản lý xây dựng, Kỹ thuật cấp thoát nước… rất cần cho sự phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay.
Đây cũng là khó khăn chung của các trường đào tạo ngành đặc thù. PGS.TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, cho biết hiện đang có sự mất cân đối về số lượng sinh viên ở từng ngành đào tạo. Trong khi các ngành như Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin… rất được ưa chuộng thì nhiều ngành khác như Thủy văn học, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Kỹ thuật tài nguyên nước, Quản lý tài nguyên khoáng sản, Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo… tuyển sinh rất khó khăn. Trong khi nhu cầu nhân lực của các ngành học này không hề ít.
Tại Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, trong khi các ngành thuộc nhóm nông nghiệp, công nghệ có điểm chuẩn khá cao vì thí sinh xét tuyển đông, thì các ngành như Lâm học, Quản lý tài nguyên rừng, lâm nghiệp đô thị... rơi vào tình trạng khó tuyển sinh trong nhiều năm qua. Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng nhà trường, nhu cầu nhân lực ở những lĩnh vực này khá cao, công việc và thu nhập sau tốt nghiệp tốt nhưng có thể do cách nhìn nhận, sự thấu hiểu về lĩnh vực nghề nghiệp, đặc thù công việc khiến những ngành này không được ưa chuộng. “Do mất cân đối trong việc chọn ngành nghề của thí sinh đã làm gia tăng nghịch lý cung cầu và khoảng cách thừa, thiếu nguồn nhân lực ở một số lĩnh vực nghề nghiệp”, TS Trần Đình Lý nói.
Ghi nhận qua đợt 1 xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cho thấy điểm chuẩn các ngành nông - lâm, tài nguyên - môi trường, các ngành khoa học cơ bản chỉ ở mức trung bình, song vẫn không thu hút được thí sinh. Điều đó cho thấy, xu hướng phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nguyên nhân tác động đến lựa chọn ngành nghề của người học.
Thay đổi nhận thức về ngành học
Theo quy định tuyển sinh, từ ngày 3/10, các cơ sở đào tạo bắt đầu thực hiện quy trình xét tuyển và công bố điểm chuẩn của đợt xét tuyển bổ sung. Các đợt xét tuyển tiếp theo và cập nhật danh sách trúng tuyển, nhập học theo quy định sẽ diễn ra đến tháng 12/2021.
Cơ hội xét tuyển bổ sung còn nhiều, song với các ngành hẹp, ngành đặc thù cũng khó có thể thu hút được người học. GS.TS Vũ Huy Đại, Viện trưởng Viện Công nghiệp gỗ nhìn nhận, nhu cầu nhân lực ngành gỗ của các doanh nghiệp rất lớn, nhưng những năm gần đây lượng sinh viên theo học ngành này tại các trường có đào tạo ngành Lâm nghiệp ngày một ít. Bên cạnh nguyên nhân từ phía nhà trường cũng cần tăng cường truyền thông về các ngành học này để thí sinh biết đến, hiểu và thay đổi nhận thức về ngành học, về công việc sau khi ra trường.
Thực tế, nhóm ngành khoa học đặc thù mất sức hút với thí sinh các trường đều nhìn thấy. Vấn đề là các trường cần có giải pháp cụ thể ngoài truyền thông, hỗ trợ người học thì cần phối hợp với các bộ, ngành để có thống kê, dự báo cụ thể về nguồn nhân lực trong tương lai mới mong giải quyết được sự sụt giảm sức hút hiện nay với thí sinh. Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2021, một số trường chuyển từ đào tạo đơn ngành sang đào tạo theo hướng liên ngành, xuyên ngành để vừa thu hút thí sinh vừa đảm bảo cho nguồn nhân lực. Đơn cử như tại Trường đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Quản lý đô thị thông minh bền vững là ngành mới có tính liên ngành được trường đưa vào tuyển sinh trong năm nay. TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo của trường chia sẻ: Ngành học này kết hợp các nhóm kiến thức liên quan đến môi trường, quản lý và công nghệ thông tin. Qua đó, sau khi tốt nghiệp, cơ hội việc làm của sinh viên sẽ rộng mở hơn.
Nếu nhìn xu hướng kỹ năng nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, rõ ràng người học phải được trang bị kiến thức đa ngành để đáp ứng nhu cầu. Điều này bắt buộc các trường phải có sự thay đổi trong đào tạo, nếu không chất lượng đào tạo sẽ lạc hậu so với nhu cầu nhân lực mới, sinh viên không đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; nguy cơ mất ngành nếu tiếp tục không tuyển sinh được…
THÚY HẰNG