Ngoài việc được miễn học phí, từ năm học mới 2021-2022, sinh viên nhóm ngành sư phạm được hỗ trợ thêm 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả sinh hoạt phí.
Nguyện vọng đăng ký xét tuyển gấp 4,5 lần chỉ tiêu
Theo số liệu thống kê từ Bộ GD-ĐT, mùa tuyển sinh năm nay, số nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT thuộc tốp cao với gần 229.000, gấp 4,5 lần so với chỉ tiêu (hơn 50.700). Thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, từ năm học 2021-2022, sinh viên sư phạm được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng là để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Tại Trường đại học Phú Yên, năm nay, hai ngành đào tạo giáo viên là Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học thu hút gần 500 thí sinh đăng ký xét tuyển. Đây được xem là hai ngành hot của nhà trường. TS Lê Thị Kim Loan, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo của trường này cho biết: So với nhiều ngành nghề khác, nhóm ngành đào tạo giáo viên có phần yếu thế, nguyên nhân chính là do sinh viên ra trường khó xin việc. Tuy nhiên, gần đây, trong khi sinh viên nhiều ngành khác phải chịu tăng học phí do nhiều trường thực hiện tự chủ thì sinh viên sư phạm vẫn được miễn học phí. Đặc biệt, từ năm học 2021-2022, sinh viên sư phạm có thêm khoản sinh hoạt phí, số lượng đào tạo đã được siết chặt hơn là những yếu tố giúp nhóm ngành đào tạo giáo viên hấp dẫn trở lại.
Theo các trường, sở dĩ số lượng thí sinh đăng ký vào ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên cao là bởi từ năm nay, bên cạnh chính sách nhà nước có thêm những ưu tiên cho sinh viên ngành sư phạm thì nhu cầu tuyển thêm giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, chính sách xã hội hóa giáo dục ngày càng được đẩy mạnh cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành sư phạm.
Chính sách cần đi liền với thực tiễn
Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được kỳ vọng thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như việc giải quyết vấn đề thất nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, với quy định sau khi ra trường, sinh viên sư phạm không làm trong ngành Giáo dục phải bồi hoàn chi phí hỗ trợ học tập và sinh hoạt. Đây là vấn đề làm nhiều thí sinh đắn đo.
Em Lê Nguyễn Thảo Vy tham gia xét tuyển vào ngành Giáo dục tiểu học, Trường đại học Phú Yên băn khoăn: “Em thích nghề giáo. Sau khi tìm hiểu Nghị định 116, em rất phấn khởi vì được hỗ trợ học phí và phí sinh hoạt. Tuy nhiên, điều làm em lo lắng nhất là sợ sau này không có việc làm. Nếu không được công tác trong ngành thì khoản bồi hoàn sẽ trở thành gánh nặng của gia đình”.
Chắc chắn nhiều thí sinh khác cũng có chung nỗi lo này, bởi thực tế tuyển dụng giáo viên những năm qua cho thấy để thi vào biên chế giáo viên không hề dễ dàng. Không mấy sinh viên sư phạm muốn từ bỏ nghề mà mình đã theo đuổi trong bốn năm học tập, phấn đấu, nhưng cơ hội để được tuyển dụng và cống hiến cho ngành Giáo dục vẫn còn nhiều rào cản, bởi đầu ra cho đào tạo giáo viên - định biên lại do Bộ Nội vụ quyết định. Vậy nên sinh viên sư phạm bị “kẹt” ở giữa, một mặt được khuyến khích vào sư phạm bằng cơ chế hỗ trợ tốt, nhưng đầu ra lại chồng chéo vướng mắc và phải đối diện với nguy cơ bồi hoàn học phí, mặc dù vẫn muốn cống hiến cho ngành Giáo dục.
Hiện nay, sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm vẫn còn nhiều, gần như địa phương nào cũng đang có rất nhiều sinh viên sư phạm thất nghiệp do những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành tuyển dụng rất ít; thậm chí nhiều địa phương đã phải cắt hợp đồng đối với giáo viên gắn bó nhiều năm với ngành Giáo dục. Do đó, nhiều nhà giáo cho rằng chính sách hỗ trợ tiền sinh hoạt cho sinh viên sư phạm có thể thu hút nhiều học sinh đến với nghề, nâng cao chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp tối ưu, không phải là cái gốc của việc thừa thiếu giáo viên, lãng phí nguồn lực xã hội như hiện nay, mà cốt lõi của vấn đề là sinh viên sư phạm cần được đảm bảo công tác tại các cơ sở giáo dục sau khi ra trường. Khi ấy nhóm ngành sư phạm mới thực sự thu hút được người học.
THÚY HẰNG