UBND tỉnh vừa phê duyệt đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ sở để bảo tồn, lưu giữ, khai thác và phát triển nguồn gen quý hiếm, đặc hữu và có giá trị kinh tế của Phú Yên.
Nguồn gen đứng trước thử thách
Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025 thực hiện mục tiêu tiếp tục lưu giữ, bảo tồn 7 nguồn gen lâm nghiệp, 14 nguồn gen dược liệu và 2 nguồn gen invitro trong giai đoạn 2015-2020; bảo tồn 20 nguồn gen trong giai đoạn 2021-2025; nghiên cứu khai thác và phát triển ít nhất 5 nguồn gen đặc hữu, có giá trị khoa học và ứng dụng cao để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn gen. |
Nguồn gen là một trong những tài nguyên thiên nhiên tái tạo, có tầm quan trọng đặc biệt gắn với nhiều lợi ích kinh tế, xã hội, cùng các giá trị về sinh thái, môi trường. Tuy nhiên, dưới tác động phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng dân số và hiện tượng bất thường tự nhiên, nguồn gen đặc hữu, quý hiếm của Phú Yên đứng trước nguy cơ suy giảm và suy thoái nghiêm trọng.
Hệ sinh thái Phú Yên bao gồm 5 dạng kiểu rừng phân bố chính: Kiểu rừng ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, rừng phân bố dưới 1.000m, rừng phân bố ở độ cao dưới 600m, rừng phân bố ở độ cao dưới 500m và kiểu rừng thưa trên đất thấp ven biển. Bên cạnh đó, Phú Yên còn nhiều kiểu hệ sinh thái đất ngập nước nổi tiếng như đầm Ô Loan, đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, các rạn san hô và thảm cỏ biển; các kiểu hệ sinh thái nước ngọt như sông Ba, Kỳ Lộ và các vùng hồ chứa tạo cho cảnh quan đất ngập nước thêm phong phú và đa dạng hơn.
Những năm qua, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực để bảo tồn sự đa dạng sinh học, nhưng các nguồn gen đang bị đe dọa bởi nhiều nguy cơ khác nhau, mà chủ yếu là do con người. Trong đó, các hoạt động khai thác thiếu hợp lý qua thời gian dài đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nguồn gen. Nhiều nguồn gen thực sự bị suy thoái và đối diện nguy cơ tuyệt chủng. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2015-2020, nhiều loài động vật và thực vật bị khai thác mạnh, đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cao. Trong đó, toàn tỉnh đã ghi nhận 57 loài thực vật bậc cao quý hiếm, 21 loài bị đe dọa ở cấp toàn cầu và 43 loài bị đe dọa ở cấp quốc gia. Thực vật bậc thấp có 2 loài nấm quý hiếm theo Sách đỏ Việt Nam là Lentinus sajor-caju và Cookeina tricholoma; động vật có xương sống có 79 loài quý hiếm (theo Sách đỏ Việt Nam năm 2007).
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN, những năm qua, công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen tại địa phương được các cấp ngành quan tâm, một số nguồn gen đã được bảo tồn và phát triển thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh… Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen chưa phát triển được thành chương trình, dự án cấp nhà nước để đánh giá, khai thác và phát triển thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh.
Bảo tồn, phát triển nguồn gen bản địa có giá trị
Sau năm 1975, khi tái thiết đất nước, do nhu cầu xây dựng nhà cửa, cây gỗ mun tại huyện Sơn Hòa bị khai thác đến cạn kiệt. Đến năm 2012, các thành viên của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường phát hiện một quần thể gỗ mun tại khu vực Suối Ké - một nhánh của sông Trà Bương, thuộc địa phận xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa). Từ phát hiện này, TS Nguyễn Minh Ty, nguyên giảng viên Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đã xây dựng dự án bảo tồn và phát triển cây gỗ mun. Áp dụng phương pháp nhân giống invitro, những người thực hiện đề tài đã “sản xuất” 700 cá thể gỗ mun, sau đó trồng ở nhiều khu vực trong tỉnh.
Ông Lê Văn Thứng, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Phú Yên thì thực hiện thành công đề tài cấp tỉnh về bảo tồn cây gỗ trắc. Ông Thứng chia sẻ: “Sau khi bảo tồn thành công, nhóm tác giả và Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường đã tặng cây giống và hỗ trợ phân bón cho các đơn vị, người dân trên địa bàn tỉnh. Riêng cây trắc đã được trồng thành công hơn 7.000 cây. Hiện cây trắc trồng đợt đầu tiên đã cao 4-5m. Cây gỗ mun cũng được trồng thử nghiệm nhiều nơi và qua kiểm tra cây phát triển tốt”.
Theo lãnh đạo Sở KH-CN, hàng năm, sở đã giao nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng cho Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ thực hiện công tác lưu trữ, bảo tồn các nguồn gen; thông báo và tuyển chọn các tổ chức, cá nhân tham gia nhiệm vụ KH-CN về nguồn gen. Giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã triển khai 13 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh giúp bảo tồn, lưu giữ 30 nguồn gen đặc hữu địa phương, bao gồm 8 nguồn gen lâm nghiệp, 18 nguồn gen dược liệu, 2 nguồn gen thủy sản và 2 nguồn gen vật nuôi; đồng thời xây dựng vườn bảo tồn cây lâm nghiệp, cây dược liệu và cơ sở lưu giữ giống cây invitro tại Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ.
Việc nghiên cứu phục tráng, bảo tồn nguồn gen nguồn gốc bản địa có nhiều ý nghĩa trong phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh cũng như mang lại giá trị văn hóa, ghi dấu ấn về những sản vật địa phương. Do đó, để bảo tồn và phát triển cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc bản địa, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành chuyên môn nhằm định hướng cho người dân về giá trị, hiệu quả kinh tế và lộ trình phát triển cụ thể, cũng như tiếp tục chú trọng xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các giống cây trồng, vật nuôi bản địa nhằm phục vụ có hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững.
THÁI HÀ