Thứ Bảy, 27/04/2024 04:57 SA
Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao:
Nơi hội tụ và lan tỏa công nghệ
Thứ Hai, 10/05/2021 07:00 SA

Ông Nguyễn Văn Hưng (phải), Trưởng Ban quản lý Khu NNUDCNC Phú Yên giới thiệu mô hình dưa lưới áp dụng công nghệ IoT. Ảnh: THÁI HÀ

Vừa thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, vừa sản xuất kinh doanh hiệu quả để tạo nguồn thu cho đơn vị, thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên) không ngừng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình sản xuất, đồng thời chuyển giao các quy trình kỹ thuật cho người dân, doanh nghiệp.

 

Hội tụ công nghệ tiên tiến

 

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NCPTNNCNC) là cơ sở chuyên nghiên cứu, ứng dụng, đề xuất, xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp hiện đại cũng như thực hiện thí điểm các mô hình sản xuất để tìm ra giải pháp phù hợp với đặc điểm, tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Thực hiện nhiệm vụ đó, thời gian qua, Trung tâm NCPTNNCNC đã thực hiện nhiều mô hình nông nghiệp tiên tiến nhằm hạn chế sự tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu và tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao.

 

Hiện vườn dưa lưới, vườn lan hay vườn rau thủy canh của trung tâm đều áp dụng quy trình tự động hóa, cho phép điều khiển lượng nước tưới, dưỡng chất và các điều kiện môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, thời tiết, áp suất, ánh sáng, lượng mưa, độ pH phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây... Nhờ hoạt động theo quy trình hoàn toàn tự động nên hoạt động sản xuất diễn ra liên tục, ít tốn công lao động nhưng cho năng suất cao, chất lượng nông sản đồng đều.

 

Ðể đảm bảo nguồn giống sạch bệnh cung cấp cho người dân và doanh nghiệp, Trung tâm NCPTNNCNC đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trên các giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp. Hiện trung tâm là nơi có phòng nuôi cấy mô hiện đại với chi phí đầu tư khoảng 11 tỉ đồng trên diện tích khoảng 300m2. Trung tâm đang nuôi cấy mô khoảng 20 loại cây, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 200.000 cây giống các loại, chủ yếu là các giống chuối, sung magic, các giống cúc... và đang nghiên cứu quy trình nuôi cấy mô đối với 4 loại cây lâm nghiệp là macca, dổi, ươi, đàn hương, bước đầu đã xác định môi trường nuôi cấy phù hợp. Ngoài ra, trung tâm còn đang nghiên cứu nhân giống các giống lan, như: lan kim tuyến, mokara, hồ điệp, giả hạc... và đã hoàn thiện được quy trình nuôi cấy, bảo tồn được 4 chủng vi sinh vật phân giải tinh bột (bacillus, xạ khuẩn, vi sinh vật phân giải lân, vi sinh vật cố định đạm); sản xuất được chế phẩm sử dụng 2 chủng bacillus và xạ khuẩn.

 

Chú trọng phát triển sản phẩm giá trị cao

 

Với phương châm: Khoa học phải “đi trước một bước”, những năm gần đây, Trung tâm NCPTNNCNC đã tích cực nghiên cứu, cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.

 

Trung tâm đã hoàn thiện quy trình sản xuất cây giống của một số loại dưa, rau ăn lá quy mô công nghiệp, cây giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, tỉ lệ cây xuất vườn đạt trên 95%; hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất một số loại dưa, rau ăn lá trong nhà màng tự động, bán tự động hiệu quả kinh tế tăng ít nhất 50% so với sản xuất đại trà; hoàn thiện quy trình trồng và chăm sóc dưa hoàng kim trong nhà màng; quy trình trồng và chăm sóc rau ăn lá các loại bằng phương pháp thủy canh hồi lưu… Các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Mô hình sản xuất lan ở Khu NNUDCNC Phú Yên. Ảnh: THÁI HÀ

 

Ngoài các nông sản truyền thống, trung tâm hiện đang triển khai thực hiện đề án “Tiếp nhận và hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi trồng nấm nhộng trùng thảo”. Bước đầu mô hình đã cho thu hoạch mẻ đầu tiên với sản lượng hơn 100kg tươi. Sản phẩm nhộng trùng thảo của trung tâm sau khi kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng dược chất đạt khá. Sau khi thu hoạch, trung tâm đã sản xuất các sản phẩm rượu nhộng trùng thảo, nhộng trùng thảo khô để cung ứng ra thị trường. Trong năm 2020-2021, trung tâm triển khai thực hiện đề án: “Tiếp nhận và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất nấm mối đen (Oudemansiella radicata) trên địa bàn tỉnh Phú Yên” và bước đầu đã cho thu hoạch dù số lượng còn ít.

 

Ông Phạm Quốc Hoàng, Giám đốc Trung tâm NCPTNNCNC, cho biết thời gian tới, trung tâm tập trung nghiên cứu các sản phẩm và công nghệ có lợi thế cạnh tranh của địa phương, đặc biệt là các công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; quan tâm nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch, công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao…

 

Đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao công nghệ

 

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) Phú Yên, tỉnh có chủ trương xây dựng khu NNUDCNC nhằm đưa nhanh việc ứng dụng các thành tựu khoa học, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng CNH-HĐH, tạo ra sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa, có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Để thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất sản phẩm hàng hóa, đồng thời làm đầu tàu, tạo đà cho phát triển nông nghiệp toàn tỉnh và trong vùng, ngoài khai thác tối đa các nguồn lực của địa phương, Phú Yên đã ký kết hợp tác với những địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, các viện, trường đại học uy tín, như: Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Viện Di truyền nông nghiệp (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam)...

 

Ngoài ra, Ban quản lý Khu NNUDCNC Phú Yên còn đồng hành, hỗ trợ kỹ thuật cho hai đơn vị đang hoạt động trong khu cũng như các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh có nhu cầu về công nghệ, qua đó góp phần hình thành những vùng sản xuất NNCNC, tạo ra sản phẩm chất lượng đảm bảo, có tính cạnh tranh cao. “Mới đây, chúng tôi đã làm việc với Ban quản lý Khu NNUDCNC Hậu Giang, Trường đại học Phú Yên nhằm trao đổi, cung cấp thông tin và kinh nghiệm vận hành khu nông nghiệp; chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ; hợp tác xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Hưng cho biết.

 

TS Lê Đức Thoang, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên mong muốn thời gian tới, sẽ cùng hợp tác với Ban quản lý Khu NNUDCNC thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực cũng như tạo điều kiện để sinh viên có chuyên môn phù hợp có môi trường thực hành và làm việc tại khu NNUDCNC sau khi ra trường.

 

Là đơn vị nhận được sự hỗ trợ không nhỏ từ Trung tâm NCPTNNCNC, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ BB (BB Farm) đã tự tin tiếp cận các quy trình sản xuất mới, qua đó giúp hoạt động của BB Farm ngày càng hiệu quả. Ông Phạm Thọ Trường, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ BB, cho biết: “Trung tâm NCPTNNCNC đã chuyển giao công nghệ cho BB Farm những quy trình kỹ thuật sản xuất các loại rau, dưa; hỗ trợ đào tạo kỹ thuật; liên kết bao tiêu sản phẩm; tư vấn sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ sự hỗ trợ này mà hoạt động sản xuất nông nghiệp của BB Farm ngày càng hiệu quả và phát triển theo hướng bền vững”.

 

Dù đi vào hoạt động chưa lâu, lực lượng mỏng nhưng công tác liên kết, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tại Trung tâm NCPTNNCNC Phú Yên đã cho kết quả đáng khích lệ. Hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của trung tâm đã góp phần quan trọng giúp ngành Nông nghiệp Phú Yên phát triển lên một tầm cao mới.

 

Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Ban quản lý Khu NNUDCNC Phú Yên

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek