Bác sĩ Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên, cho biết: Vừa có một trường hợp tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân là cháu L.O.H, sinh năm 2011, ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân).
Trước đó, ngày 18/2, cháu H bị chó nhà hàng xóm cắn dưới mi mắt trái và ở thân, được đưa đến Trạm Y tế xã Xuân Quang 1 để xử trí vết thương. Nhân viên y tế tư vấn gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân để tiêm vắc xin phòng bệnh dại, nhưng gia đình không thực hiện mà lại cho cháu uống thuốc nam. Đến ngày 21/4, cháu H có những triệu chứng của bệnh dại: sốt, khó thở, sợ nước, sợ gió… Gia đình đưa cháu đến Trung tâm Y tế huyện Đồng Xuân, sau đó bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, nhưng đã quá muộn. Ngày 23/4, cháu H tử vong.
Theo y văn, bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương. Virus dại từ động vật lây sang người bởi chất tiết (thông thường là nước bọt bị nhiễm virus), xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại (thường là chó, mèo, khỉ...). Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật lẫn người, đều dẫn đến tử vong.
Hiện không có thuốc chữa bệnh dại; cách phòng ngừa hiệu quả nhất là tiêm chủng. “Chúng ta đã thông tin rất nhiều về sự nguy hiểm của bệnh dại. Và cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn thế giới, chưa có một nghiên cứu nào nói rằng thuốc nam có thể điều trị được bệnh dại. Vì vậy, khi bị súc vật cắn, bà con phải đến cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng. Trong trường hợp cần thiết, nếu vết cắn nặng, sâu, vết cắn ở vùng đầu - mặt - cổ…, thì ngoài việc tiêm vắc xin còn tiêm huyết thanh kháng dại”, bác sĩ Biện Ngọc Tân khuyến cáo.
YÊN LAN