Thứ Năm, 10/10/2024 06:30 SA
Phát huy vai trò của khoa học - công nghệ trong Chương trình OCOP
Thứ Hai, 31/08/2020 14:00 CH

Sản phẩm nông nghiệp của huyện Phú Hòa được trưng bày, giới thiệu tại một triển lãm tổ chức ở Phú Yên. Ảnh: THÁI HÀ

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, để phát triển các chuỗi giá trị nông sản, nâng cao chất lượng, mẫu mã và mở rộng thị trường tiêu thụ, KH-CN có vai trò quan trọng, cần phát huy.

 

Nâng tầm sản phẩm địa phương

 

Hoạt động KH-CN góp phần quan trọng tạo ra các sản phẩm mới, công nghệ mới; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và kinh doanh; đồng thời phục tráng, phát triển thành công nhiều sản phẩm đặc thù, đặc hữu của tỉnh.

Nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là Chương trình OCOP). Trên cơ sở đó, các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có Phú Yên đã xây dựng và ban hành đề án Mỗi xã một sản phẩm phù hợp với địa phương.

 

Tháng 10/2019, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Phú Yên giai đoạn 2019-2020. Theo đó, mục tiêu của đề án là có ít nhất 20 sản phẩm thế mạnh hiện có của các địa phương được lựa chọn hoàn thiện hoặc nâng cấp; ít nhất 5 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh; triển khai xây dựng và phát triển các làng văn hóa du lịch; tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp; củng cố ít nhất 30 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm thế mạnh hiện có của các địa phương (doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác...) và phát triển mới ít nhất 15 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, HTX) tham gia Chương trình OCOP…

 

Bà Ngô Thị Mỹ Nhung, chuyên viên Phòng Kinh tế hợp tác, Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, hiện toàn tỉnh có 27 sản phẩm OCOP đã đăng ký tham gia chương trình này. Dự kiến đến trước 30/10/2020, các sản phẩm được tổng kết, đánh giá xếp hạng. Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP không chỉ góp phần tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, thương hiệu mà còn phát huy được những lợi thế của đặc sản, có thế mạnh ở địa phương so với các địa phương khác trong cả nước.

 

KH-CN đóng vai trò quan trọng

 

Đầu tư ứng dụng KH-CN trong chế biến, sản xuất chính là giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2019, khi triển khai thực hiện Chương trình OCOP, xác định việc đầu tư ứng dụng KH-CN góp phần hoàn thiện các tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng để tham gia vào chu trình OCOP luôn là vấn đề được các chủ thể quan tâm, phát huy. Trong quá trình hoàn thiện các tiêu chuẩn và đảm bảo chất lượng sản phẩm, vai trò của KH-CN rất quan trọng.

 

Theo Sở KH-CN, hoạt động KH-CN góp phần quan trọng tạo ra các sản phẩm mới, công nghệ mới; đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương áp dụng có hiệu quả vào sản xuất và kinh doanh; đồng thời phục tráng, phát triển thành công nhiều sản phẩm đặc thù, đặc hữu của tỉnh. Thời gian tới, song song với các hoạt động trên, Sở KH-CN tiếp tục quan tâm đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho nhiều sản phẩm của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty TNHH TM và DV Hương Hương Phú, chủ nhãn hiệu Cà phê Hương Hương, cho biết: Hiện tại, doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đủ điều kiện ban đầu để tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ, nâng cấp các trang thiết bị, mẫu mã sản phẩm hướng đến được chứng nhận là sản phẩm OCOP. Do yêu cầu từ Chương trình OCOP cũng như nhu cầu cải tiến sản xuất, các máy móc thiết bị chưa hợp lý đều được doanh nghiệp thay đổi, lắp đặt mới. Tuy nhiên, việc tìm kiếm những công nghệ mới phù hợp hay bảo hộ thương hiệu các sản phẩm của doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.

 

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN cho hay, tháng 6/2020, Sở KH-CN đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và Chương trình OCOP. Theo đó, Sở KH-CN tham gia một số nhiệm vụ, giải pháp như: xây dựng và triển khai chính sách KH-CN đối với sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai, xây dựng tiêu chuẩn hóa sản phẩm; xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoàn thiện và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP; ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP; ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng…

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek