Hiện hầu hết các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) áp dụng hình thức đào tạo theo hệ tín chỉ. Học theo tín chỉ, sinh viên được quyền học vượt để rút ngắn thời gian học, song các em cần đánh giá đúng sức học khi chọn học vượt.
Rút ngắn thời gian học tập
Theo học ĐH tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) mới được 3,5 năm nhưng Trần Kim Hùng ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) đã nhận được bằng tốt nghiệp Kỹ thuật điện tử - viễn thông và xin được việc làm, điều này đã làm nhiều người ở quê em bất ngờ. Hùng cho biết: Để đạt được kết quả này, em đã trải qua quá trình học tập và rèn luyện hết sức gian nan so với các bạn cùng lớp. Đó là, em phải học 8-10 môn mỗi học kỳ (trong khi các bạn học bình thường thì 5-6 môn) theo tinh thần học vượt để có thể rút ngắn thời gian học tập. Khi quyết định học vượt, em phải sắp xếp thời gian học tập khoa học và chọn môn thích hợp để theo kịp tiến độ, không bỏ sót kiến thức.
Từ kinh nghiệm học tập của mình, Hùng chia sẻ: Để học vượt, người học phải quyết tâm và dồn hết sức chứ không học như bình thường được. Ngay từ năm nhất, em phải lên kế hoạch kỹ càng, sau đó định hướng, sắp xếp hợp lý. Khi học vượt, sinh viên năm nhất có thể phải học những môn học của sinh viên năm 3, 4 nên sẽ có lúc trùng thời gian học. Do đó, trước khi đăng ký môn học, em phải lập ra thời khóa biểu sẵn cho riêng mình. Việc đăng ký môn học cũng rất quan trọng. Bởi nếu đăng ký không đúng (vượt quá xa) với năng lực học tập của mình, có thể dẫn đến kết quả học tập yếu kém, sẽ bị buộc thôi học.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT về đào tạo học chế tín chỉ, điều kiện xét tốt nghiệp, công nhận tốt nghiệp khi sinh viên tích lũy đủ số học phần quy định cho chương trình đào tạo với khối lượng không dưới 180 tín chỉ đối với khóa ĐH 6 năm, 150 tín chỉ đối với khóa ĐH 5 năm, 120 tín chỉ đối với khóa ĐH 4 năm. Ưu điểm của học chế tín chỉ là để cho sinh viên tự sắp xếp kế hoạch học tập của mình, tự cân đối quỹ thời gian, xác định năng lực bản thân và được ra trường trước thời hạn. Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng “tranh thủ” được ưu điểm này.
Cân nhắc kỹ khi đăng ký học vượt
Học vượt giúp sinh viên tốt nghiệp trước thời hạn, có thể đi làm sớm nhưng đổi lại sinh viên phải chịu áp lực lớn trong học tập.
ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Xây dựng Miền Trung, cho biết: Bản chất của việc đào tạo theo học chế tín chỉ là sự tích lũy kiến thức của người học theo từng học phần trong quá trình học tập. Khi quyết định học vượt, sinh viên cần tìm hiểu tổng thể chương trình học. Việc này giúp các em thấy được từng học kỳ mình phải học những gì để phân bố sức học. Sau khi xác định được sức học của mình, các em đăng ký những môn học phù hợp. Việc đăng ký học vượt để có thể tốt nghiệp trước thời hạn phải tùy vào năng lực, điều kiện của từng sinh viên. Nếu sinh viên nào thấy mình có đủ năng lực, sức khỏe thì nên đăng ký học vượt.
Thực tế đào tạo tại Trường ĐH Xây dựng Miền Trung những năm qua cho thấy, có rất ít sinh viên đảm đương được việc học vượt. “Chương trình ĐH được thiết kế theo thời gian hợp lý dành cho đa số sinh viên, vậy nên em nào đăng lý học vượt để tiết kiệm thời gian thì phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba sinh viên học bình thường”, thầy Trạm nói.
Tại Trường ĐH Phú Yên, số sinh viên học vượt cũng không nhiều. TS Lê Thị Kim Loan, phụ trách Phòng Đào tạo của trường này cho hay: Việc đăng ký học vượt để hoàn thành chương trình học hoàn toàn tùy thuộc vào trình độ, năng lực và sự quyết tâm của các bạn sinh viên. Tại trường, một số sinh viên có đăng ký học vượt nhưng sau đó không kham nổi nên bỏ cuộc. Vì vậy, các bạn sinh viên phải suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định học vượt, nhằm tránh tình trạng khi đăng ký học vượt lại có điểm trung bình tích lũy thấp.
Điểm khác biệt lớn nhất của học chế tín chỉ so với cách học truyền thống là thời lượng sẽ dành nhiều hơn cho thảo luận, làm việc nhóm và tự nghiên cứu. Vì vậy, theo các trường ĐH, sinh viên muốn đạt điểm cao và hiệu quả học tập tốt, không chỉ có “cày” chăm chỉ, đến kỳ thi học thuộc bài, mà quan trọng là phải có kỹ năng và sự sáng tạo trong học tập. Với sinh viên, quan trọng nhất khi đăng ký học vượt là các em nên lượng sức mình và xác định đã học môn nào là chắc môn đó thì mới phát huy hiệu quả học tập.
Thực tế đào tạo tại Trường ĐH Xây dựng Miền Trung những năm qua cho thấy, có rất ít sinh viên đảm đương được việc học vượt. Chương trình ĐH được thiết kế theo thời gian hợp lý dành cho đa số sinh viên, vậy nên em nào đăng lý học vượt để tiết kiệm thời gian thì phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba sinh viên học bình thường.
ThS Nguyễn Vân Trạm |
THÚY HẰNG