Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới. Vì vậy tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021 cấp tiểu học, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, quan điểm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là rất thận trọng, có lộ trình, kế hoạch rõ ràng. Bởi chất lượng thực sự của chương trình, SGK phải qua thực tế triển khai 1-2 năm mới tổng kết, đánh giá đầy đủ. Theo người đứng đầu ngành Giáo dục, đổi mới chính là điểm “lõi” trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Các thầy cô đổi mới thì chất lượng giáo dục sẽ tốt lên rất nhiều.
Bộ trưởng cũng yêu cầu ngoài chuyên môn, các giáo viên cần tăng cường giáo dục toàn diện về đạo đức, lối sống, bởi tiểu học là bậc nền tảng, ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành và phát triển nhân cách, trí tuệ tương lai của học sinh. Do đó, mỗi thầy cô giáo tiểu học phải là tấm gương về đạo đức để học sinh nhìn vào, học tập, noi gương.
Để triển khai giảng dạy Chương trình GDPT mới đối với lớp 1 trong năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT đã tổ chức bồi dưỡng SGK lớp 1 cho đội ngũ giáo viên giảng dạy lớp 1 trong năm học mới này. Sau đó, các thầy cô giáo tiếp tục chủ động nỗ lực tự bồi dưỡng, tự nghiên cứu SGK mới để thiết kế bài giảng phù hợp nhất với đối tượng học sinh. Việc quan tâm nhất hiện nay của các trường vẫn là quá trình đi vào triển khai. Bởi tinh thần của giáo viên về chương trình mới hiện nay chỉ là thiết kế trên lý thuyết suông thông qua sản phẩm thiết kế bài dạy. “Để chương trình mới thực sự đổi mới cần lắm những người thầy biết đổi mới, nhất là đổi mới các phương pháp giảng dạy. Đây mới chính là yếu tố quyết định sự thành công của chương trình mới”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái nhắn nhủ.
Theo các chuyên gia giáo dục, học theo Chương trình GDPT mới, SGK không còn là pháp lệnh nữa mà là tài liệu tham khảo, thầy cô được quyền chủ động để thực hiện sao cho phù hợp nhất với đối tượng học sinh và điều kiện nhà trường. Do đó, để sự chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên phát huy hiệu quả, các thầy, cô giáo mong muốn các bậc phụ huynh cũng cần hiểu về chương trình, SGK mới để chung tay, đồng hành cùng với thầy cô, nhà trường trong quá trình thực hiện chương trình mới.
Tới đây Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư mới về đánh giá học sinh theo hướng đánh giá phẩm chất năng lực, đánh giá vì sự tiến bộ của người học, kết hợp đánh giá thường xuyên với định kỳ. Khen thưởng học sinh phải thực chất, tránh tình trạng khen tràn lan, khen chưa đúng dẫn đến hiệu ứng ngược. Các thầy cô phải cùng nhau có giải pháp, cách thức để công tác khen thưởng học sinh và thi đua giữa các giáo viên, nhà trường đi vào thực chất và phù hợp. Làm tốt việc khen thưởng thì sẽ tạo động lực lớn cho các cô thầy cũng như các học sinh.
MẠNH THÚY