Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, thời gian qua với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, công tác GD-ĐT của huyện Phú Hòa ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Chú trọng đổi mới công tác giảng dạy
Ông Trình Ngọc Mẫn, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Phú Hòa cho biết: Toàn huyện hiện có 28 trường mầm non, tiểu học, tiểu học và THCS, THCS thì đến nay đã có 19 trường đạt chuẩn quốc gia và cuối tháng 7 này sẽ có thêm 3 trường đạt chuẩn quốc gia nữa. Đặc biệt, năm học 2018-2019, Trường tiểu học Hòa An 2 đã được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đây là trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đầu tiên của tỉnh.
Theo ông Trình Ngọc Mẫn, để có được kết quả này, ngành GD-ĐT huyện luôn xác định nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, cứ ngay từ đầu năm học, ngành GD-ĐT Phú Hòa xây dựng và thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ năm học bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chất lượng dạy học, giáo dục; tuyên truyền, huy động cộng đồng tham gia xây dựng, phát triển nhà trường; thực hiện tốt phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Các trường học triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Theo đó, cấp mầm non tập trung đổi mới nội dung; thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm” giai đoạn 2016-2020, 100% trường xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, lồng ghép các nội dung giáo dục văn hóa truyền thống, giáo dục kỹ năng sống vào các hoạt động giáo dục, các hoạt động ngoại khóa phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường, địa phương và chương trình giáo dục mầm non; phát triển kỹ năng sống cho trẻ. Toàn huyện tổ chức ăn bán trú cho trẻ ở 7/10 trường với 20 lớp công lập và 55 nhóm, lớp tư thục. Có 1.832/3.145 cháu được ăn bán trú, tỉ lệ 58,2%. Các trường có tổ chức bán trú quan tâm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không để trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường và nhóm lớp tư thục.
Đối với cấp tiểu học, các trường thường xuyên đổi mới phương pháp trong dạy học, dạy - học lấy học sinh làm trung tâm, dạy - học phân hóa các đối tượng học sinh phù hợp, tích hợp giáo dục đạo đức, kỹ năng sống vào các môn học có nội dung liên quan. Tăng cường các giải pháp tổ chức kiểm tra định kỳ và thường xuyên đúng thực chất, không để học sinh ngồi sai lớp; tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát hiện, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh năng khiếu cũng như phụ đạo cho học sinh chưa hoàn thành về kiến thức kỹ năng các môn học và chưa đạt về năng lực, góp phần xóa bỏ tình trạng học sinh lưu ban. Giữ vững huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.
Đối với bậc THCS, các trường thường xuyên tổ chức hội nghị chuyên đề dạy học sát đối tượng học sinh. Thầy Trương Ngọc Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Văn Chánh chia sẻ: “Thực hiện đổi mới trong công tác giảng dạy, những năm qua, giáo viên của trường luôn chủ động thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học, lựa chọn kiến thức phù hợp đối tượng, sắp xếp hợp lý các hoạt động của giáo viên và học sinh; phối hợp tốt giữa làm việc cá nhân và theo nhóm; tạo điều kiện, hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ; xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lý để giúp học sinh vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, khắc phục việc ghi nhớ máy móc. Giáo viên nhà trường nâng cao chất lượng các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ, kiểm tra học kỳ cả lý thuyết và thực hành. Giáo viên chủ động kết hợp một cách hợp lý, phù hợp giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan. Nhờ đó, hàng năm tỉ lệ học sinh khá, giỏi của trường đạt từ 65-70%. Đặc biệt, trong đợt dịch COVID-19, Trường THCS Lương Văn Chánh là một trong những trường thực hiện hiệu quả dạy học trực tuyến”.
Đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện
Để có học trò giỏi thì giáo viên phải giỏi. Vậy nên, ngành GD-ĐT huyện rất quan tâm đến công tác bồi dưỡng phát triển năng lực cho đội ngũ nhà giáo. Trong các năm qua, Phòng GD-ĐT huyện tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng giáo viên về sử dụng các phần mềm phục vụ soạn giảng điện tử, bài trình chiếu cho giáo viên; thường xuyên tổ chức thao giảng, hội giảng các cấp về chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy; 100% giáo viên đã ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy… Bên cạnh đó, ngành đã chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05/CT-TW về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, các phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”… Nhờ thực hiện tốt các mặt công tác trên nên chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện Phú Hòa từng bước được nâng cao với nhiều thành tựu nổi bật như dẫn đầu tỉnh về phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đặc biệt là bậc THCS, 100% trường đạt chuẩn quốc gia; hiệu quả chu kỳ đào tạo đạt cao với tỉ lệ học sinh khá giỏi đạt 50-60%; hàng trăm học sinh đạt giải học sinh giỏi các cấp; nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; 100% trường học thực hiện dạy học môn Ngoại ngữ từ lớp 3 đến lớp 5.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ngô Ngọc Thư cho rằng, Phú Hòa là một trong những địa phương có cơ sở vật chất trường lớp học rất tốt, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục được lãnh đạo địa phương và nhân dân rất quan tâm nên chất lượng GD-ĐT của Phú Hòa trong những năm qua đạt hiệu quả cao, là đơn vị điển hình của ngành Giáo dục tỉnh trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, được UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT tặng nhiều bằng khen.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong thời gian đến, ngành GD-ĐT huyện Phú Hòa tiếp tục sắp xếp quy mô trường, lớp hợp lý; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện tốt phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, chú trọng giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; đổi mới công tác quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng tự đánh giá và đánh giá ngoài cơ sở giáo dục, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện; thực hiện đạt kết quả cao các nhiệm vụ và lĩnh vực công tác.
“Để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, ngành Giáo dục huyện rất cần có sự quan tâm, đầu tư, sự vào cuộc của toàn xã hội, sự phối hợp, ủng hộ của các cấp, ngành, địa phương, các đoàn thể. Trong đó, các cơ sở giáo dục phải nêu cao vai trò chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao, nhất là công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đây là yếu tố quan trọng trong việc ổn định, giữ vững kỷ cương, nền nếp trường, lớp học và nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục”, ông Trình Ngọc Mẫn nói.
Một năm học mới sắp bắt đầu, với những giải pháp trên, tin rằng chất lượng GD-ĐT của huyện Phú Hòa sẽ ngày càng được nâng cao, diện mạo của ngành GD-ĐT huyện tiếp tục có những bước tiến mới nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện GD-ĐT, góp phần tích cực vào công tác xây dựng huyện nông thôn mới bền vững.
Phú Hòa là một trong những địa phương có cơ sở vật chất trường lớp học rất tốt, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục được lãnh đạo địa phương và nhân dân nơi đây rất quan tâm nên những năm qua chất lượng GD-ĐT của Phú Hòa luôn đạt hiệu quả cao, là đơn vị điển hình của ngành Giáo dục tỉnh trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, được UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ngô Ngọc Thư |
MẠNH THÚY