* WHO xem xét khả năng virus SARS-CoV-2 lây lan trong không khí
Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Tây Ban Nha được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet cho thấy không thể có miễn dịch cộng đồng đối với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Các biện pháp giữ khoảng cách tiếp xúc, giữ vệ sinh và đeo khẩu trang vẫn là cách tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, các nhà khoa học Tây Ban Nha đã tiến hành nghiên cứu 61.000 trường hợp để xác định những người có kháng thể chống lại bệnh COVID-19. Kết quả cho thấy chỉ có 5% trong số này có được miễn dịch chống virus SARS-CoV-2.
Chuyên gia dịch tễ học của trường Đại học Tự do Bỉ (ULB) Marius Gilbert khẳng định: “Đây là một nghiên cứu rất thú vị và là nghiên cứu đầu tiên được tiến hành tại một đất nước đã bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề.
Nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch COVID-19, người ta vẫn thấy tỉ lệ người có kháng thể với virus SARS-CoV-2 rất thấp. Do vậy, chúng ta không thể có được miễn dịch cộng đồng chống lại virus SARS-CoV-2”.
Theo chuyên gia Marius Gilbert, nghiên cứu trên cũng cho thấy tại những khu vực chưa bị ảnh hưởng trong đợt bùng phát dịch thứ nhất tại Tây Ban Nha, tỉ lệ người có kháng thể chống COVID-19 là rất thấp, chỉ khoảng 1-2%, và những khu vực này có nguy cơ bị tác động nghiêm trọng nếu như đại dịch lại một lần nữa bùng phát tại Tây Ban Nha.
Ông Gilbert thừa nhận vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh virus SARS-CoV-2, ví dụ như khả năng cơ chế phòng vệ miễn dịch đối với bệnh COVID-19 không diễn ra qua việc sản xuất kháng thể, và những kháng thể này không tồn tại lâu ở người sau khi cơ thể bị nhiễm bệnh hay thực tế là một số người dường như được bảo vệ mà không cần tới việc sản xuất kháng thể.
Chuyên gia này nhận định: “Đây là những điều chúng ta chưa biết tới và có nguy cơ khiến chúng ta có thể bị nhiễm bệnh trong những tuần tới hay tháng tới. Chúng ta vẫn chưa biết được yếu tố nào có thể ngăn cản dịch COVID-19 bùng phát”.
Nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 30% số người tham gia quá trình nghiên cứu đã nhiễm virus SARS-CoV-2 mà không có triệu chứng bệnh, cho thấy mức độ nguy hiểm của bệnh này đối với sức khỏe cộng đồng.
Các chuyên gia y tế cho rằng cần phải tiếp tục theo dõi đại dịch để xem liệu một khu vực đã bị ảnh hưởng nặng ở đợt bùng phát đầu tiên liệu có thể bị tái phát dịch lần hai hay không. Cho tới nay, các chuyên gia y tế khuyên rằng cách tốt nhất để phòng dịch là cần cảnh giác, giữ đảm bảo giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 8/7 thông báo đang xem xét khả năng virus SARS-CoV-2 có thể lây lan trong không khí, sau khi các nhà khoa học quốc tế hối thúc tổ chức này sửa lại hướng dẫn phòng ngừa virus.
Phát biểu họp báo, một quan chức WHO cho hay nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2 trong không khí không thể bị loại trừ hoàn toàn, đặc biệt là ở những khu vực đông người, kín và không thông thoáng.
WHO sẽ tiếp tục tìm hiểu mọi con đường lây lan tiềm tàng của SARS-CoV-2.
Trước đó, WHO khuyến cáo virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lây lan chủ yếu qua những giọt bắn lớn thoát ra từ đường hô hấp của bệnh nhân khi họ ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. WHO nói rằng các giọt bắn này sẽ rơi xuống bề mặt nào đó thay vì lơ lửng trong không khí.
Tuy nhiên, 239 nhà khoa học từ 32 quốc gia cùng nhất trí rằng bằng chứng hiện nay cho thấy virus có thể lây lan qua các hạt có kích thước vô cùng nhỏ, tồn tại trong không khí trong một không gian kín. Qua đó, họ viết thư một bức thư ngỏ kêu gọi WHO công nhận việc virus SARS-CoV-2 lây truyền qua không khí là yếu tố quan trọng khiến căn bệnh truyền nhiễm này lan rộng.
Trước đó, ngày 7/7 WHO đưa ra nhận xét: Với khoảng 400.000 ca mắc mới được ghi nhận ở các nước vào cuối tuần qua, đại dịch COVID-19 không cho thấy dấu hiệu chậm lại. Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định: “Đại dịch vẫn có diễn biến nhanh và rõ ràng chúng ta vẫn chưa đạt tới đỉnh dịch”.
Tuyên bố trên được đưa ra trong thời điểm đại dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại châu Mỹ. Số liệu thống kê mới nhất của trang Worldometers cho biết có hơn 11 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, trong đó có 543.820 người tử vong.
H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)