* Đức thúc đẩy nghiên cứu vắcxin chống virus SARS-CoV-2
Theo các quan chức y tế Mỹ, hiện có ít nhất 14 loại vắc xin chống virus SARS-CoV-2 đang được điều chế theo chương trình “Operation Warp Speed” của chính quyền Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy tiến trình đưa vắc xin vào sử dụng vào đầu tháng 1/2021.
Các quan chức cho biết 14 loại vắc xin được lựa chọn từ 93 loại vắc xin do 80 công ty dược phẩm điều chế và nghiên cứu như một phần của dự án hợp tác giữa các công ty dược phẩm tư nhân và các cơ quan chính phủ cùng quân đội Mỹ, nhằm thúc đẩy rút ngắn thời gian sản xuất vắcxin trong thời gian tối đa 8 tháng.
Các quan chức cho biết trong hai tuần tới, 14 loại vắc xin này sẽ được tiến hành thử nghiệm thêm và họ hy vọng khoảng 6-8 loại trong số đó sẽ được đưa vào vòng thử nghiệm lâm sàng tiếp theo.
Mục tiêu cuối cùng là có 3 hoặc 4 loại vắc xin sẽ được đưa vào thử nghiệm cuối cùng trước khi được đưa vào sử dụng vào đầu năm tới.
Theo các quan chức, mặc dù không đảm bảo được chắc chắn rằng bất kỳ loại nào trong số 14 loại vắc xin trên sẽ được lựa chọn vào vòng cuối cùng, tuy nhiên, họ rất lạc quan về các cơ hội khi cho rằng có một xác suất hợp lý rằng một hoặc nhiều loại vắc xin sẽ thành công.
Mối quan tâm lớn hơn là làm thế nào để nhanh chóng tạo ra vắcxin cho hơn 300 triệu người Mỹ sau khi họ tìm thấy một loại thuốc có hiệu quả.
Trước đó, Tổng thống Trump đã ca ngợi “Operation Warp Speed”, đồng thời cho biết ông đang trực tiếp giám sát chương trình này và hứa sẽ thúc đẩy nhanh chóng chưa từng thấy trước đây.
Trong khi đó, ngày 2/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết vắc xin phòng chống virus SARS-CoV-2 mà Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch triển khai sẽ có mặt trên toàn cầu.
Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi gây quỹ trị giá 7,5 tỉ euro (khoảng 8,3 tỉ USD) để phục vụ công tác nghiên cứu và điều chế vắc xin chống SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo bà Merkel, số tiền này thực tế vẫn chưa đủ.
Trong một tuyên bố, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh Berlin sẽ nhận trách nhiệm cũng như đóng góp một khoản tài chính đáng kể cho việc phát triển vắcxin, thuốc cũng như những lựa chọn chẩn đoán tốt nhất cho tất cả mọi người trên thế giới.
Ngoài ra, Thủ tướng Merkel cũng bày tỏ hoan nghênh khi không chỉ có các cơ quan chính phủ mà còn có các quỹ tài trợ tư nhân, các nhà sản xuất thuốc và điều chế vắc xin cùng tham gia vào hoạt động này. Dự kiến ngày 4/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tham dự hội nghị các nước tài trợ cho cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 theo lời mời của Ủy ban châu Âu (EC).
Bên cạnh đó, bà Merkel cũng cho biết thêm Đức dự định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong vấn đề này.
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)