Thứ Hai, 14/10/2024 06:22 SA
Ý: Vùng Lombardy xét nghiệm máu tìm người có kháng thể với virus
Thứ Sáu, 24/04/2020 14:02 CH

Vùng Lombardy xét nghiệm máu tìm người có kháng thể với virus SARS-CoV-2. Nguồn: AFP

* Phát triển cảm biến sinh học phát hiện virus SARS-CoV-2

 

Ngày 23/4, vùng Lombardy ở miền Bắc Ý (thủ phủ là Milan) đã bắt đầu chương trình xét nghiệm máu tìm kháng thể có thể giúp nhà chức trách xác định cá nhân trong cộng đồng "miễn nhiễm" với virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong bối cảnh Ý chuẩn bị mở cửa trở lại nền kinh tế sau nhiều tuần phong tỏa.

 

Lombardy, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do cuộc khủng hoảng COVID-19 tại Ý, đang hy vọng việc tìm ra những thông tin về khái niệm "miễn dịch cộng đồng" từ các cuộc xét nghiệm máu sẽ giúp khu công nghiệp thịnh vượng này hồi phục nhanh hơn và an toàn hơn.

 

Giới chức y tế cho biết 20.000 xét nghiệm sẽ được thực hiện mỗi ngày tại 14 khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch COVID-19 của vùng Lombardy, sử dụng bột xét nghiệp do công ty sinh học DiaSorin sản xuất.

 

Đối tượng được lấy mẫu xét nghiệm đầu tiên là những người sống tại các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch, bao gồm các nhân viên y tế, những người đang cách ly có các triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2 cùng những người tiếp xúc gần, cũng như những người có các triệu chứng nhẹ.

 

Nhà chức trách hy vọng sẽ triển khai chương trình xét nghiệm trên toàn bộ vùng Lombardy sau ngày 29/4. 

 

Tháng trước, người đứng đầu Hội đồng Y tế Quốc gia Ý Franco Locatelli cho biết các xét nghiệm tìm kháng thể sẽ giúp nhà chức trách xác định sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

 

Dữ liệu này cũng sẽ cung cấp "thông tin rất phù hợp về khả năng miễn dịch cộng đồng", được xem là hữu ích trong việc phát triển các chiến lược để khôi phục hoạt động kinh tế và cuộc sống thường nhật tại Ý.

 

Lombardy là địa phương mới nhất tiến hành xét nghiệm máu tìm người có kháng thể với virus SARS-CoV-2 sau 2 vùng lân cận là Veneto và Emilia-Romagna vốn tiến hành chương trình nào đầu tháng này.

 

Bước đi này được triển khai trong bối cảnh Chính phủ Ý đã công bố giai đoạn 2, bắt đầu từ ngày 4/5, khi nước này phải tiến hành nới lỏng các biện pháp hạn chế hiện nay, song phải dựa trên một kế hoạch chặt chẽ.

 

Khác với việc lấy dịch mũi để xác định virus SARS-CoV-2, việc xét nghiệm huyết tương nhằm tìm ra những kháng thể nhất định hiện diện trong máu cho thấy cơ thể người nhiễm virus đã tự chiến đấu và phục hồi thậm chí ngay cả khi họ không xuất hiện triệu chứng. Xét nghiệm này cũng có ưu điểm thực hiện nhanh hơn và đơn giản hơn.

 

Các chuyên gia tin rằng khi ít nhất có 60% tới 70% dân số miễn dịch với virus, "miễn dịch cộng đồng" sẽ được hình thành và những người có miễn dịch trở thành "lá chắn sống" bảo vệ những người chưa bị nhiễm.

 

Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây, đã phát hiện ra rằng cái gọi là "miễn dịch cộng đồng" khó có thể đạt được.

 

Tại một trường trung học ở tỉnh Oise của Pháp, một trong những nơi bùng phát dịch đầu tiên, các nhà nghiên cứu chỉ tìm thấy 26% sinh viên, giáo viên và gia đình của họ mang kháng thể.

 

Bên cạnh đó, khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 kéo dài bao lâu vẫn chưa có câu trả lời, đồng nghĩa có nguy cơ những người được coi là "miễn dịch" có thể bị tái nhiễm và làm lây lan virus sang người khác.

 

* Một nhóm nhà khoa học ở Thụy Sĩ đã phát triển thành công một cảm biến sinh học không những có thể phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà còn có thể theo dõi chủng virus nguy hiểm này trong không khí.

 

Trong thông báo mới đây, các nhà khoa học tại Phòng Thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Vật liệu Liên bang Thụy Sĩ (Empa) cho biết cảm biến sinh học trên có thể được sử dụng để đo nồng độ virus SARS-CoV-2 ở những nơi đông người trong thời gian thực.

 

Thiết bị này cũng có thể ứng dụng để phát hiện các loại virus khác, qua đó giúp phát hiện và ngăn chặn các dịch bệnh ở giai đoạn đầu mới bùng phát.

 

Để chứng minh tính hiệu quả và chính xác của cảm biến mới phát triển, các nhà khoa học đã thử nghiệm thiết bị này với virus corona gây ra dịch SARS ở Trung Quốc hồi năm 2003, một chủng rất gần với virus SARS-CoV-2 hiện nay.

 

Theo tiến sĩ Jing Wang thuộc nhóm nghiên cứu, các kết quả thử nghiệm cho thấy cảm biến sinh học này có thể phân biệt rõ các chuỗi RNA (axit ribonucleic) rất giống nhau của hai chủng virus corona này, và cho kết quả chỉ trong vài phút.

 

Ông Wang cho biết cảm biến này không nhất thiết phải thay thế các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm hiện nay, mà có thể được sử dụng như một biện pháp thay thế trong chẩn đoán lâm sàng.

 

Chuyên gia trên nhấn mạnh ông hy vọng thiết bị này sẽ góp phần giúp khống chế đại dịch COVID-19 càng sớm càng tốt.

 

Cảm biến sinh học do nhóm nghiên cứu gồm các thành viên của Empa phối hợp với Bệnh viện Đại học Zurich và Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich) phát triển. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cảm biến này vẫn chưa được sử dụng đại trà do vẫn cần phải hoàn thiện thêm.

 

L.H (tổng hợp từ Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek