Thứ Hai, 21/10/2024 09:11 SA
Giáo dục nghề nghiệp:
Cơ cấu lại ngành nghề để đáp ứng nhu cầu xã hội
Chủ Nhật, 23/12/2018 07:00 SA

Học nghề công nghệ ô tô tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung - Ảnh: THÚY HẰNG

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là lao động và việc làm chịu tác động rất lớn, do đó các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang từng bước cơ cấu lại ngành nghề để phù hợp với xu hướng và nhu cầu thị trường lao động.

 

Sắp xếp lại ngành nghề để thu hút người học

 

Tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Quân cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra cho giáo dục nghề nghiệp rất nhiều cơ hội phát triển. Xã hội sẽ không còn chạy theo bằng cấp mà chú trọng đến tay nghề và kỹ năng đáp ứng công việc nhiều hơn. Vấn đề quan trọng đặt ra là hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho sự đổi mới này.

 

Để chuẩn bị lực lượng lao động cho công nghiệp 4.0, buộc các trường cao đẳng, dạy nghề phải nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, một động thái tích cực đang được các trường tập trung thực hiện trong mùa tuyển sinh năm 2019, đó là cơ cấu lại ngành nghề đào tạo để phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

ThS Huỳnh Mạnh Nhân, Phó phụ trách Phòng Quản lý đào tạo (Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung), cho biết: Bên cạnh thiết kế lại chương trình học, xây dựng tiêu chuẩn đầu ra, nhà trường tập trung đầu tư trang thiết bị các ngành, nghề trọng điểm như: 2 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế (Điện công nghiệp, Cắt gọt kim loại), 2 nghề cấp độ ASEAN (Công nghệ hàn, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí ), 3 nghề cấp độ quốc gia (Điện tử công nghiệp, Công nghệ thông tin, Hướng dẫn du lịch), hướng đến xây dựng các chương trình này thành chương trình chất lượng cao.

 

Trường cũng triển khai tuyển sinh đại trà các ngành, nghề mà xã hội có nhu cầu như: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ ô tô, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống... Chuyển các ngành, nghề xã hội có nhu cầu tuyển dụng nhưng ít người học sang đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp gồm: Công nghệ kỹ thuật trắc địa, Khai thác mỏ, Khoan thăm dò địa chất, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử…

 

Nhà trường cũng sẽ tạm dừng tuyển sinh các ngành, nghề mà nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tại địa phương và khu vực không còn cần nhiều như: Tài chính - Ngân hàng, Sinh học ứng dụng, Công nghệ chế tạo máy, Quản lý đất đai, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Phân tích các sản phẩm lọc dầu… Dự kiến năm 2019, trường mở mới các ngành nghề xã hội có nhu cầu là Quản trị khách sạn, Công nghệ may.

 

Tương tự, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đưa tiêu chí đánh giá ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy đối với nhà giáo; chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo những gì thị trường cần và sẽ cần.

 

ThS Nguyễn Hồng Phong, Trưởng Phòng Đào tạo Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, cho hay: “Bên cạnh kiến thức hàn lâm, nhà trường tập trung phát triển kỹ năng cho người lao động, đáp ứng được yêu cầu trong thời đại mới. Chương trình đào tạo được thiết kế linh hoạt, một mặt đáp ứng chuẩn đầu ra của nghề; mặt khác tạo sự liên thông giữa các trình độ trong một nghề và giữa các nghề”.

 

Gắn kết với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo

 

Thời đại công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu mới về nguồn nhân lực và các yêu cầu mới này dẫn đến nhu cầu phải điều chỉnh trình độ chuyên môn, năng lực của người lao động cho phù hợp. Chính vì vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo là rất cần thiết.

 

Theo Thứ trưởng Lê Quân, trong cuộc cách mạng này, thị trường lao động sẽ bị thách thức nghiêm trọng giữa chất lượng cung và cầu cũng như cơ cấu lao động. Có thể hàng loạt ngành nghề cũ sẽ mất đi và thay thế vào đó là những ngành nghề mới. Như vậy, thị trường lao động sẽ có sự thay đổi về cơ cấu lao động, nguồn nhân lực. Đặc biệt, người lao động phải có sự thích ứng cao hơn để đáp ứng những công việc mới và tránh bị đào thải.

 

“Để công tác đào tạo đáp ứng yêu cầu này, các trường cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa việc gắn kết với doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung như: cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, qua đó rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống”, Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.

 

So với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có lợi thế hơn là thời gian đào tạo ngắn, tổ chức đào tạo theo modun gắn với từng kỹ năng cụ thể, quá trình đào tạo gắn liền với thực hành. Do đó, nguồn nhân lực của giáo dục nghề nghiệp sẽ đáp ứng nhanh những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Thông qua sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo sẽ giúp người học nhanh chóng cập nhật và làm quen với công nghệ mới. “Với cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ thay đổi dần phương thức đào tạo truyền thống sang phương thức đào tạo linh hoạt, chú trọng đào tạo các kỹ năng.

 

Ngành nghề nào cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép người lao động có thêm nhiều lựa chọn ngành nghề hơn”, ThS Nguyễn Hồng Phong nói.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek