Những năm qua, mặc dù tử vong trẻ em đã giảm đáng kể nhưng tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi của tỉnh Phú Yên có những giai đoạn luôn cao hơn mức trung bình so với nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trước thực tế đó, BSCKI Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cùng nhóm cộng sự đã thực hiện công trình: “Nghiên cứu tình hình và nguyên nhân tử vong sơ sinh (TVSS) tại tỉnh Phú Yên năm 2016-2017” để từ đó, đưa ra các giải pháp giúp giảm thiểu tỉ suất TVSS trên địa bàn tỉnh.
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho sản phụ và trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên - Ảnh: THÁI HÀ |
Nghiên cứu trên diện rộng
Những người thực hiện đề tài đã tiến hành nghiên cứu trên diện rộng với đối tượng nghiên cứu là tất cả trẻ sơ sinh (và mẹ của trẻ) được sinh ra ở các cơ sở y tế tuyến tỉnh, y tế cơ sở trong khoảng thời gian từ 0 giờ ngày 1/9/2016 đến 24 giờ ngày 31/8/2017. Qua thống kê, có 14.685 trẻ được sinh ra trong giai đoạn này là đối tượng nghiên cứu đáp ứng các tiêu chuẩn chọn bệnh và tiêu chuẩn loại trừ của nhóm thực hiện đề tài.
Để thực hiện đề tài, nhóm tác giả đã xác định rất nhiều biến số để quan sát, đo lường phục vụ cho quá trình nghiên cứu. Cụ thể, các biến số này gồm: tuổi thai, cân nặng lúc sinh của trẻ, chỉ số APGAR (là phương pháp đơn giản kiểm tra 5 tiêu chuẩn: màu da, nhịp tim, phản xạ kích thích, cử động, hô hấp để đánh giá nhanh chóng tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh ngay sau sinh), suy hô hấp sau sinh, ngạt, nhiễm trùng sơ sinh, sang chấn sản khoa, trẻ đẻ ra sống, dị tật bẩm sinh, tuổi mẹ, số lần khám thai, kiến thức về làm mẹ an toàn, tiền sử sản khoa của mẹ, bệnh lý của mẹ khi mang thai, tiền sử dùng thuốc - hóa chất trong thai kỳ, các biến chứng của mẹ trong chuyển dạ, đa thai tình trạng ối vỡ, tình trạng nước ối bẩn, rối loạn thân nhiệt trẻ sơ sinh… Toàn bộ số liệu thu thập được nhập vào máy tính và xử lý theo phương pháp thống kê y học bởi phần mềm STATA 10.
Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm tác giả ghi nhận 75 trường hợp tử vong trong số 14.685 trẻ sơ sinh đẻ ra sống với tỉ suất TVSS trong cộng đồng là 5,1‰. Trong đó, tỉ suất TVSS theo thống kê cao nhất là ở 3 huyện miền núi Sơn Hòa (11,0‰), Đồng Xuân (10,7‰), Sông Hinh (10,3‰). Các địa phương thấp nhất là TX Sông Cầu (2,8‰), TP Tuy Hòa (2,9‰); các huyện đồng bằng xấp xỉ nhau chiếm từ 3,9-4,3‰. Qua phân tích, nhóm nghiên cứu xác định các nguyên nhân gây TVSS gồm: trẻ non yếu (50,7%), ngạt (8%), nhiễm trùng sơ sinh (21,3%), vàng da nhân (2,7%), dị tật bẩm sinh (10,7%) và không rõ nguyên nhân (6,6%).
Lý giải về tỉ suất TVSS ở các huyện miền núi cao hơn các vùng còn lại, bác sĩ Trần Ngọc Dưng cho biết, ở những địa phương này, đa phần điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bên cạnh đó, mặt bằng dân trí thấp, kiến thức về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản, thai nghén, nuôi con bằng sữa mẹ… chưa cao; chăm sóc y tế chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời… là những nguyên nhân chủ yếu làm cho tỉ suất TVSS ở các vùng này cao hơn ở thành thị. Trước thực trạng này, ngành Y tế cần tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp hạ thấp TVSS ở địa bàn miền núi trong thời gian tới.
Cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Sau 2 năm triển khai thực hiện đề tài, nhóm tác giả đã xác định tỉ suất và nguyên nhân TVSS tại tỉnh Phú Yên, khảo sát mối tương quan giữa tỉ suất TVSS với một số yếu tố liên quan. Tuy nhiên, để tiếp tục giảm TVSS trong thời gian tới, đồng thời thu hẹp được khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, các nhóm đối tượng, Phú Yên cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Dưng, phần lớn các yếu tố gây TVSS có thể phòng ngừa nếu cải thiện sức khỏe cộng đồng; chăm sóc tiền sản tốt; nhân viên y tế được huấn luyện trong chăm sóc trẻ sơ sinh trước, trong và sau sinh tốt; có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, chế độ lao động hợp lý cho bà mẹ khi mang thai; tăng cường quản lý thai nghén và chuyển bà mẹ lên tuyến trên điều trị khi thai nghén có nguy cơ cao.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả cũng đề xuất các giải pháp để tránh những yếu tố nguy cơ, hạ thấp tỉ suất TVSS. Cụ thể, ngành Y tế sẽ phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho cộng đồng về thực hành tốt trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, quản lý thai nghén trước sinh; thực hiện bổ sung viên sắt cho phụ nữ mang thai; chú trọng công tác truyền thông thay đổi hành vi thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số, dinh dưỡng; củng cố mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản từ tuyến tỉnh đến cơ sở; nâng cao khả năng điều trị chuyên sâu, bổ sung nhân lực, đào tạo đội ngũ y tế chuyên sâu sơ sinh; cải tạo cơ sở hạ tầng và trang thiết bị; thực hiện định kỳ luân chuyển bác sĩ sản nhi từ tỉnh về huyện để chuyển giao kỹ thuật…
Ngoài ra cần ứng dụng công nghệ thông tin và cải thiện chất lượng báo cáo thống kê y tế, triển khai thí điểm việc khám chữa bệnh, hội chẩn từ xa bằng công nghệ thông tin… Cũng theo bác sĩ Trần Ngọc Dưng, để tránh những yếu tố nguy cơ, hạ thấp tỉ suất TVSS, bên cạnh nỗ lực của ngành Y tế, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Đánh giá cao kết quả đề tài đạt được, bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, kết quả đề tài là nỗ lực bền bỉ của đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, dày dạn kinh nghiệm với sự hỗ trợ rất lớn từ tuyến y tế cơ sở. Vì vậy, kết quả đáng tin cậy của đề tài không chỉ là tài liệu tham khảo bổ ích cho các cơ quan quản lý mà còn phục vụ đắc lực trong hoạt động chuyên môn của ngành Y tế. Sau khi đề tài được nghiệm thu, nhóm tác giả sẽ tiếp tục thực hiện nghiên cứu mở rộng để kết quả nghiên cứu đi vào đời sống và phục vụ thiết thực cho cộng đồng.
THÁI HÀ