Thứ Ba, 26/11/2024 00:45 SA
Đào tạo nhân lực để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững
Chủ Nhật, 09/12/2018 11:00 SA

Bối cảnh hội nhập và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ có thể nắm bắt cơ hội khi nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Đây là nội dung chính được đại biểu các sở, ban ngành và giảng viên thảo luận tại Hội thảo khoa học “Chiến lược phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0” do Học viện Ngân hàng - Phân viện Phú Yên vừa tổ chức. Báo Phú Yên đã ghi lại một số ý kiến thiết thực về nội dung này.

 

ThS TRẦN BÙI QUỐC TUỆ, GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN NGÂN HÀNG - PHÂN VIỆN PHÚ YÊN: Đào tạo nguồn nhân lực có các kỹ năng mới và trình độ cao

 

Làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra không ít cơ hội và thách thức cho các nhà quản lý doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đó là “Làm thế nào để doanh nghiệp phát triển bền vững trong thời đại công nghiệp 4.0”.

 

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn bị động với các xu thế mới của cách mạng công nghiệp 4.0 hoặc chưa sẵn sàng năng lực để tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng mới. Chính vì vậy, họ cần phải xây dựng cho mình một chiến lược với những bước đi cụ thể, vững chắc để bước vào cuộc cách mạng này nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

 

Một nền kinh tế muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải dựa vào các yếu tố như: áp dụng khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực, trong đó nguồn lực con người giữ vai trò quan trọng.

 

Hiện nay, khi chúng ta đang trong thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề nguồn nhân lực được xem là khâu đột phá, phát triển nguồn nhân lực trở thành nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia.

 

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lần này, cơ hội dành cho tất cả mọi người là như nhau. Ai có năng lực, trình độ chuyên môn tốt, kỹ năng tốt và có thể tạo ra nhiều giá trị cho xã hội, người đó sẽ thành công.

 

Đối với các trường đại học, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải đào tạo ra nguồn nhân lực có các kỹ năng mới và trình độ giáo dục cao hơn so với những thập kỷ trước, bởi thị trường đòi hỏi lao động có trình độ cao hơn. Đây là một thách thức lớn đối với giáo dục đại học Việt Nam. Vì vậy, các cơ sở giáo dục cần phải nhận thức được những thách thức này, từ đó có chiến lược đào tạo phù hợp.

 

NCS LÊ AN PHA, SỞ GD-ĐT PHÚ YÊN: Tiến đến triển khai mô hình “Ngôi trường thông minh”

 

Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đã ký kết các thỏa thuận hợp tác toàn diện về ứng dụng CNTT với ngành Giáo dục Phú Yên, tiến đến triển khai mô hình “Ngôi trường thông minh” nói chung và mô hình đô thị thông minh nói riêng.

 

Điều này cho thấy sự sẵn sàng của các doanh nghiệp CNTT trong việc triển khai các ứng dụng IoT cho mô hình “Ngôi trường thông minh” trên địa bàn tỉnh. Qua đó cho thấy ngành CNTT tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những ngành quan trọng trong nền kinh tế, đã đang và sẽ góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển, hội nhập của đất nước, đặc biệt là quyết tâm nắm bắt cơ hội phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

“Ngôi trường thông minh” là sự kết hợp hoàn chỉnh của hệ ứng dụng hoạt động trên nền tảng web, ứng dụng trên thiết bị di động và trang web thông tin tích hợp, với khả năng hiển thị tốt trên tất cả các giao diện và trình duyệt phổ biến.

 

Bộ giải pháp này sẽ từng bước tinh giản quá trình quản lý xuyên suốt giữa cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý, dùng công nghệ để bổ trợ công tác điều hành thông tin nội bộ, theo dõi toàn diện quá trình sinh hoạt và học tập của học sinh cũng như tương tác trực tiếp với phụ huynh để có những phương pháp giáo dục thích hợp cho từng trường hợp cụ thể.

 

Hiện Phú Yên là một địa phương đi đầu trong việc triển khai các giải pháp quản lý giáo dục sau TP Hồ Chí Minh. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh ta về cơ bản đã triển khai đồng loạt cho các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến cấp THPT.

 

Tuy nhiên, việc triển khai và quản lý còn rời rạc, chưa kết nối liên thông giữa các cơ sở giáo dục với cơ quan quản lý; chưa có ứng dụng để tương tác trực tiếp giữa phụ huynh với nhà trường. Điều này cần một giải pháp toàn diện để quản lý xuyên suốt giữa cơ quan quản lý, nhà trường, phụ huynh, học sinh tiến tới mô hình quản lý trường học thông minh đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

ThS HỒ ĐỨC TIẾN, KHOA NGÂN HÀNG, HỌC VIỆN NGÂN HÀNG - PHÂN VIỆN PHÚ YÊN: Đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực

 

Cách mạng công nghiệp 4.0 hoàn toàn làm thay đổi mô hình kinh doanh và chất lượng cuộc sống. Bối cảnh nghiên cứu ở giai đoạn đầu của nền công nghiệp 4.0, đang tác động ngày càng rõ nét, trong đó lực lượng lao động được dự báo là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, vừa là cơ hội vừa là thách thức cho lực lượng lao động Việt Nam hiện nay.

 

Hiện nay, chúng ta đang trong thời kỳ “dân số vàng” với hơn 50% dân số trong độ tuổi lao động. Xét về mặt số lượng, Việt Nam có lợi thế lớn với chi phí nhân công rẻ. Tuy nhiên, phần lớn lao động này chưa qua đào tạo chuyên môn, trình độ tay nghề thấp, thiếu các kỹ năng mềm.

 

Điều này làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường lao động so với các nước trong khu vực và thế giới dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, trong thời gian tới, chúng ta cần thay đổi cơ bản và toàn diện hệ thống giáo dục để đáp ứng thị trường lao động mới, đặc biệt ưu tiên các ngành khoa học kỹ thuật.

 

Nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn trong nước mà còn tiến tới đáp ứng những tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường nhân lực toàn cầu. Bên cạnh đó cũng cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực trong tương lai gần và xa hơn.

 

Bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có tác động rất lớn tới cơ cấu của nền kinh tế, khả năng suy giảm, thậm chí mất đi của nhiều ngành nghề cũng như sự xuất hiện mới của những ngành nghề trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra, điều này sẽ dẫn tới những thay đổi rất lớn trong cơ cấu việc làm.

 

ThS HUỲNH THỊ HUYỀN TRANG, KHOA KINH TẾ, TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHÚ YÊN: Lựa chọn hướng đi phù hợp

 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được dự báo sẽ có những tác động nhanh và toàn diện đối với tất cả các khía cạnh của hoạt động kinh tế. Điều quan trọng là mỗi quốc gia sẽ lựa chọn hướng đi phù hợp để vượt qua thách thức và tận dụng triệt để cơ hội nếu có.

 

Để có thể tiếp cận và khai thác thành công những cơ hội mà công nghiệp 4.0 mang lại, về phía doanh nghiệp, trước hết cần phải hiểu đúng, đầy đủ về cuộc cách mạng này; những đặc trưng của nền sản xuất trong tương lai và những yêu cầu mà doanh nghiệp cần phải đáp ứng nếu không muốn tụt lại phía sau. Internet vạn vật, big data, trí thông minh nhân tạo… là rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp.

 

Nhưng để đưa vào hoạt động ngay là rất khó, nếu thiếu lực lượng lao động chất lượng cao. Do vậy, doanh nghiệp có thể cải thiện ngay hiệu suất làm việc bằng chất lượng nhân viên, quản lý công việc. Các doanh nghiệp cũng cần liên tục cập nhật trong quá trình đầu tư mới để có thể tiếp cận công nghệ hiện đại, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam sẽ bị mất cạnh tranh do lạc hậu. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng cho mình một chiến lược phát triển lâu dài và những bước đi cụ thể, vững chắc để bước vào cuộc cách mạng này.

 

Đón đầu cuộc cách mạng này, sự nghiệp GD-ĐT của nước ta hơn lúc nào hết cần đổi mới mạnh mẽ và toàn diện nội dung, chương trình cũng như phương pháp giảng dạy và học tập nghiên cứu để tạo ra tiền đề quan trọng nhất cho quá trình thích ứng và hội nhập vào nền văn minh hiện đại của nhân loại.

 

ÔNG NGUYỄN VĂN HOÀNG, CHỦ TỊCH HĐQT CÔNG TY CP CƠ KHÍ VINA NHA TRANG: Kết nối cung - cầu sẽ giải tỏa “cơn khát” nhân lực chất lượng cao

 

Bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh, công nghệ cao tạo ra sự thay đổi hàng loạt về công nghệ, quản trị và nhiều ngành nghề mới. Vì thế, nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là một trong các trụ cột quan trọng và là đòn bẩy để doanh nghiệp phát triển.

 

Trước đây, chúng ta đào tạo chuyên sâu kỹ thuật đơn ngành thì bây giờ đào tạo cần phải liên ngành có gắn kết công nghệ thông tin; đào tạo cho sinh viên có kiến thức, kỹ năng liên ngành mới là điều quan trọng. Muốn làm được điều này, các trường phải xem xét, nghiên cứu nhu cầu của các ngành nghề, của doanh nghiệp để có thể dự đoán thị trường đang và sẽ cần gì trong tương lai.

 

Những năm gần đây, doanh nghiệp chúng tôi tăng cường hợp tác toàn diện với các cơ sở đào tạo để tận dụng tốt nhất nguồn nhân lực đào tạo ra phù hợp với mình. Kết nối cung - cầu giữa nhà trường - doanh nghiệp giúp cho các trường hiểu và nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp về kỹ thuật, công nghệ và đặc biệt là yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, năng lực của ứng viên dự tuyển vào doanh nghiệp.

 

Và khi doanh nghiệp - nhà trường chủ động tìm đến nhau, hợp tác cùng có lợi sẽ giải tỏa “cơn khát” nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

THÚY HẰNG (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek