Thứ Ba, 26/11/2024 06:24 SA
Lớp học của tình thương và những đứa trẻ “đặc biệt”
Thứ Tư, 28/11/2018 10:26 SA

Một giờ học của cô và trò Trung tâm Giáo dục và phát triển kỹ năng sống Sao Mai - Ảnh: KHÁNH HÀ

Mỗi phòng học đôi khi chỉ một cô và một trò. Bài học có khi được lặp lại suốt một thời gian dài chỉ để hướng dẫn cách nhận biết đồ vật, màu sắc, phát âm cho tròn vành rõ chữ hay đơn giản chỉ là rèn luyện sự tập trung, chú ý... Có mặt từ hơn hai năm qua, Trung tâm Giáo dục và phát triển kỹ năng sống Sao Mai (phường 8, TP Tuy Hòa) đã thắp lên hy vọng cho nhiều phụ huynh và các em mắc chứng tự kỷ, chậm phát triển.

 

Thắp hy vọng cho trẻ

 

Cứ cuối tuần, mẹ con chị N.T.T lại đón xe khách từ thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa (Gia Lai) xuống TP Tuy Hòa theo học tại Trung tâm Giáo dục và phát triển kỹ năng sống Sao Mai (Trung tâm Sao Mai). Cháu T.V.H đã 4 tuổi nhưng do mắc bệnh chậm phát triển trí não, nên có những hành vi mất kiểm soát, chậm nói, không tập trung và tiếp thu kém. Thương con, vợ chồng chị T gác hết mọi việc đưa con đi kiểm tra và chạy chữa khắp nơi nhưng không có nhiều chuyển biến. Được bạn bè giới thiệu, vợ chồng chị vượt đường xa hơn 100km, đưa con đến Trung tâm Sao Mai với niềm khao khát rằng con sẽ phát triển như bao đứa trẻ khác.

 

Chị T tâm sự: “Là giáo viên nên vợ chồng tôi rất có niềm tin ở giáo dục. Từ khi cho cháu theo học cá nhân tại trung tâm, được các cô nhiệt tình kèm cặp, cháu tiến bộ hơn. Vì vậy, cứ cuối tuần, tôi lại lặn lội đường xa đưa con xuống TP Tuy Hòa trọ học. Vợ chồng tôi không màng vất vả, chỉ mong cháu tiến bộ, hòa nhập cùng các bạn”.

 

Cùng cảnh ngộ với chị T, gia đình chị L.T.G có con trai 10 tuổi, nhưng không thể kiểm soát được hành vi, chậm phát triển. Cứ thứ 3, 4, 6 hàng tuần, chị G lại đón xe buýt đưa con trai từ xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân) vào TP Tuy Hòa để các cô giáo của trung tâm chỉ dạy. Trò chuyện với chị G và các phụ huynh có con đang theo học tại trung tâm, chúng tôi được nghe những lời trải lòng từ các bậc cha mẹ không may mắn này. Không ít người chia sẻ rằng từng rơi vào tình trạng mất hy vọng, để rồi, khi đưa con đến học tại Trung tâm Sao Mai, họ như được thắp lên niềm tin con mình sẽ tiến bộ và sớm hòa nhập cộng đồng.

 

Phương pháp phù hợp cho từng trẻ

 

Bảy ngày trong tuần, hay 2 lần/tuần, tùy vào hoàn cảnh gia đình, các em lại được ba mẹ đưa đến trung tâm để học. Hiện nay, trung tâm đang dạy cho 30 cháu, chủ yếu theo học phương pháp giáo dục cá nhân. Không chỉ hiểu rõ tính cách mỗi học sinh mà giáo viên còn cập nhật bệnh tình của từng em để có phương pháp dạy phù hợp.

 

“Trẻ đầu tiên tôi can thiệp là một cháu gặp khó khăn về mặt ngôn ngữ. Vì không nói ra được, không biết cách thể hiện cảm xúc nên bé rất dễ cáu giận và thể hiện bằng những hành vi như đấm đá, la hét, nhả dãi, tự xé quần áo, gào khóc... Sau khi quan sát, đánh giá tình trạng của cháu, tôi đã áp dụng phương pháp can thiệp thành công. Hiện nay, cháu đã hòa nhập hoàn toàn, đến trường như các bạn đồng trang lứa bình thường khác”, cô Phạm Thị Thu Hồng, giáo viên Trung tâm Sao Mai bộc bạch.

 

Theo cô Nguyễn Thị Mỹ Huệ, quản lý Trung tâm Sao Mai, dạy trẻ nhỏ là một công việc không hề đơn giản và dạy trẻ tự kỷ còn khó khăn gấp bội phần. Mỗi em một tính cách, bệnh lý. Vì vậy, kiên trì, gần gũi, yêu thương là điều cần có của các cô giáo để dạy các em hiệu quả. Ngoài ra, giáo viên phải có kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm để áp dụng các phương pháp giáo dục phù hợp.

 

Là giáo viên tốt nghiệp đại học ngành Giáo dục đặc biệt, lại đang công tác tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh nên cô Huệ thường xuyên tập huấn cho các đồng nghiệp và trực tiếp đứng lớp dạy các cháu. Năm 2017, có 12 cháu sau một thời gian theo học tại Trung tâm Sao Mai đã hòa nhập hoàn toàn; trong đó, 5 cháu theo học tiểu học, 7 cháu theo học các trường mầm non.

 

“Với những trẻ phát triển không bình thường, việc can thiệp càng sớm sẽ càng giúp trẻ có điều kiện khắc phục khuyết tật. Hiện nay, nhiều phụ huynh đã có cái nhìn đúng đắn và tiến bộ hơn về điều này nên số lượng trẻ được đưa đến trung tâm học nhiều hơn, có trẻ chỉ 19 tháng tuổi. Tôi luôn động viên phụ huynh phải có niềm tin với trẻ. Dù nhiều lúc áp lực, nhưng với tình yêu nghề, yêu trẻ và sự kiên trì, chúng tôi mong muốn mang tới nhiều điều tốt đẹp và tương lai tươi sáng hơn cho các cháu”, cô Huệ tâm sự.

 

KHÁNH HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek