Thứ Năm, 28/11/2024 07:36 SA
Kết nối nguồn nhân lực trong khởi nghiệp sáng tạo
Thứ Hai, 01/10/2018 13:27 CH

Đại biểu dự hội nghị Phát triển các sản phẩm KH-CN tham quan khu vực trưng bày sản phẩm của Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ tỉnh - Ảnh: THÁI HÀ

Để lan tỏa hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), ngoài cơ chế nuôi dưỡng và ươm tạo từ Nhà nước, Phú Yên đang tiến hành kết nối các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để ươm tạo và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH-CN); hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh về lĩnh vực KH-CN, góp phần hình thành và phát triển thị trường KH-CN tại địa phương.

 

Tăng cường kết nối

 

Hội nghị Phát triển các sản phẩm KH-CN và lễ ký kết hợp tác thúc đẩy chương trình ươm tạo doanh nghiệp KH-CN vừa được Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ tổ chức. Hoạt động này nhằm kết nối các nguồn lực để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đi vào chiều sâu và phù hợp với thực tiễn; qua đó đưa khởi nghiệp trở thành động lực góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 844 về “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025”, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch 117/KH-UBND hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST tỉnh đến năm 2025. Ngoài hỗ trợ phát triển các dự án KNĐMST, tỉnh sẽ thiết lập mạng lưới liên kết trong hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh, với quốc gia và thế giới.

 

Bước đi mới của sự liên kết này vừa được Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ tỉnh, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp Sông Hàn, Hội Doanh nghiệp tỉnh thực hiện bằng việc ký thỏa thuận hợp tác phát triển hoạt động hỗ trợ, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, thương mại hóa các sản phẩm KH-CN gắn với thị trường tiêu thụ. Theo đó, thời gian tới, các bên sẽ cùng nhau hợp tác toàn diện, phát huy thế mạnh nhằm đem lại hiệu quả cao nhất về các lĩnh vực: Hỗ trợ KNĐMST cho các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp KH-CN vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hợp tác và đồng hành chương trình ươm tạo doanh nghiệp KH-CN; tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH-CN vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; thương mại hóa các sản phẩm KH-CN và chuyển giao công nghệ đến các đối tác và thị trường tiêu dùng; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hoạt động KNĐMST, ươm tạo và phát triển doanh nghiệp KH-CN, thương mại hóa sản phẩm KH-CN.

 

Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ tỉnh với Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung cũng ký kết thực hiện hoạt động ươm tạo, giáo dục khởi nghiệp ở trường với hoạt động ươm tạo, đầu tư doanh nghiệp KH-CN. Hai bên xác định là đối tác chiến lược, cùng nhau hợp tác toàn diện, phát huy thế mạnh nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong địa bàn tỉnh và khu vực lân cận.

 

Cụ thể, cả hai sẽ cùng hợp tác để tổ chức các hoạt động: Hỗ trợ ươm tạo và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên nói riêng và tất cả các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp nói chung; kết nối tổng thể hoạt động giữa các vườn ươm khởi nghiệp sinh viên, vườn ươm doanh nghiệp; khai thác hiệu quả nguồn nhân lực giữa hai bên để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

 

Trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia có ba chủ thể đó là: Nhà nước, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. Chỉ khi nào ba chủ thể đó kết hợp hài hòa thì những công trình nghiên cứu mới có khả năng vận dụng vào thực tế và đem lại lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực. Những mối liên kết làm nền tảng cho KNĐMST đã bước đầu hình thành, sẵn sàng để triển khai những hoạt động nhằm đưa hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh ta đến những mục tiêu rõ ràng hơn.

 

Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu

 

ĐMST là hoạt động chú trọng vào đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KH-CN của cộng đồng xã hội, thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa khối nghiên cứu (các trường đại học, viện nghiên cứu) với khối sản xuất (doanh nghiệp) để đưa ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

 

Ngày nay, KH-CN đã trở thành nhân tố có tác động quyết định đối với sự tăng trưởng và phát triển của kinh tế - xã hội. Thương mại hóa kết quả nghiên cứu góp phần tích cực thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN và đẩy nhanh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên thực tế cho thấy, thời gian qua, sự phát triển của KH-CN ở tỉnh ta vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó mặt yếu nhất là thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu KH-CN.

 

Ông Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN cho rằng: “Hàng năm, Sở KH-CN có nhiệm vụ triển khai rất nhiều đề tài, dự án và là cơ quan đồng chủ trì các hoạt động đổi mới sáng tạo như: Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng. Tuy nhiên, các sản phẩm từ đề tài, dự án, hội thi, cuộc thi này đa phần chỉ là kết quả nghiên cứu chứ chưa phải là sản phẩm được thương mại hóa. Vì vậy, chúng chưa góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.

 

Cũng theo ông Cựu, từ giữa năm 2016 đến cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã lần lượt ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844); Quyết định 939/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939) và Quyết định 1665/QĐ-TTg, ngày 30/10/2017 về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665).

 

Bên cạnh đó còn có Chương trình thanh niên khởi nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức năm 2016… nhằm tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Hành lang pháp lý để tạo môi trường khởi nghiệp đã sẵn có, quan trọng là địa phương cần làm gì để khởi nghiệp đi đến mục tiêu cuối cùng là thương mại hóa sản phẩm từ các kết quả nghiên cứu.

 

ÔNG LÊ VĂN CỰU, GIÁM ĐỐC SỞ KH-CN: Tìm hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp cho địa phương

 

Hàng năm, các nhiệm vụ của Sở KH-CN, các sáng kiến của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên có rất nhiều nhưng sản phẩm đưa ra thị trường còn lúng túng bởi đa số người làm nghiên cứu khi hoàn thành xong một đề tài, dự án sẽ bàn giao và chuyển sang làm đề tài, dự án mới mà chưa quan tâm đến vấn đề thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.

 

Hội nghị lần này chính là dịp để các bên cùng ngồi lại đưa ra kế hoạch phù hợp, tìm ra mô hình KNĐMST, hệ sinh thái khởi nghiệp tốt nhất. Hiện nay, hai tỉnh Bình Định và Quảng Nam đã xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Tỉnh ta tuy có chậm so với một số tỉnh bạn (cả nước có khoảng 20 tỉnh phát triển phong trào này) nên cơ hội để ta học hỏi kinh nghiệm, vươn lên bứt phá vẫn còn nhiều. Để xây dựng được hệ sinh thái KNĐMST thành công, ngoài việc xác định ưu thế cạnh tranh của mình thì tỉnh ta cần sự liên kết chặt chẽ giữa vườn ươm để đi đến cốt lõi vấn đề là thương mại hóa sản phẩm từ các kết quả nghiên cứu.

 

ÔNG NGÔ ĐA THỌ, CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH: Thiếu sự liên kết, doanh nghiệp sẽ khó tồn tại

 

Thực tế thời gian qua, nhiều dự án khởi nghiệp đã không thể triển khai thành công do thiếu thị trường đầu ra hoặc không thu hút được nhà đầu tư chiến lược. Do vậy, kết nối cung - cầu trong khởi nghiệp là bài toán cần “hóa giải” để KNĐMST phát triển bền vững.

 

Nhà nước - nhà khoa học - nhà kinh doanh đã được nhắc đến nhiều trong quá trình khởi nghiệp của các doanh nghiệp KH-CN. Tuy nhiên, tại tỉnh ta, “3 nhà” này vẫn chưa xích lại gần nhau, vẫn là những “mảnh ghép” rời rạc cần cơ chế liên kết. Một phần nguyên nhân là vì đa số các đề tài, dự án tỉnh thực hiện đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp, mà các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lại ít hoạt động ở lĩnh vực này nên việc kết nối giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu khá khó khăn; một phần khác là do trong quá khứ, các doanh nghiệp mạnh ai nấy làm không ai quan tâm đến ai. Tuy nhiên, điều này đã không còn phù hợp và hiện nay, nếu không liên kết, doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại.

 

ÔNG TRẦN KIM QUYÊN, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG THƯƠNG MIỀN TRUNG: Nhà trường quyết tâm thay đổi

 

Thời gian qua, trường đã có 3 dự án khởi nghiệp được lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia, 5 dự án khởi nghiệp đạt giải cấp bộ, ngành và hỗ trợ thành lập cho 3 doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động tốt… Thành tích đó là không nhỏ nhưng thực tế là trong số đó có rất ít nghiên cứu gắn với hoạt động chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp vượt ra khỏi phạm vi nhà trường. Nhận thức được điều đó, nhà trường đã quyết tâm thay đổi, đặt ĐMST vào nhiệm vụ trọng tâm để tự đổi mới chính mình.

 

Thời gian tới, nhà trường sẽ tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình hỗ trợ khởi nghiệp, thông qua gắn kết với giới làm chính sách, giới doanh nhân, với các viện, trường, các trung tâm ươm tạo ĐMST… để thúc đẩy ĐMST dựa trên thế mạnh của các bên, đưa nhà trường đến gần hơn với những vấn đề của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đầu ra cho những sản phẩm nghiên cứu của trường.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek