Thứ Năm, 28/11/2024 09:35 SA
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số:
Không để ngôn ngữ trở thành rào cản
Chủ Nhật, 30/09/2018 07:00 SA

Học sinh Trường tiểu học Sơn Hội (huyện Sơn Hòa) trong giờ học tiếng Việt - Ảnh: MẠNH THÚY

Nhận thức rõ việc trang bị tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) có ảnh hưởng lớn tới kết quả học tập của trẻ, vì vậy ngành Giáo dục Phú Yên không ngừng tìm ra những giải pháp cụ thể để tăng cường dạy tiếng Việt ngay từ bậc học mầm non, tiểu học cho các đối tượng học sinh này. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với ThS Trần Khắc Lễ, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên về nội dung này.

 

* Thưa ông, sau hai năm triển khai đề án Tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, việc dạy và học tiếng Việt đối với học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào?

 

Ông Trần Khắc Lễ

- Không như học sinh người Kinh, trước khi đến trường đa số học sinh DTTS chưa thể nói hoặc nói và hiểu được tiếng Việt rất ít. Trẻ trong độ tuổi mẫu giáo có vốn từ tiếng Việt còn rất hạn chế, chỉ có thể nói được những câu, từ đơn giản.

 

Hạn chế về kỹ năng nghe, nói và hiểu tiếng Việt của trẻ chính là rào cản lớn nhất làm các em khó tiếp thu được những kiến thức ngay từ khi bắt đầu bước vào môi trường giáo dục phổ thông. Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, ngành Giáo dục đã kịp thời chỉ đạo giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh. Đối với tiểu học, triển khai dạy tiếng Việt ngay từ tháng 8 hàng năm trước khi các em vào lớp 1.

 

Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường phân công những giáo viên nhiệt tình và kinh nghiệm để phụ trách lớp 1, đặc biệt ưu tiên bố trí các giáo viên là người DTTS. Đồng thời trang bị cơ sở vật chất, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Chỉ đạo tăng cường phụ đạo những học sinh yếu về tiếng Việt, tích cực đổi mới phương pháp dạy học.

 

Tổ chức các hoạt động ngoại khóa như giao lưu tiếng Việt giữa các trường, thi kể chuyện, thi văn nghệ, múa hát, trò chơi dân gian, thi sáng tác truyện tranh… Qua đó giúp các em nâng cao vốn tiếng Việt, để các em ngày càng yêu tiếng Việt và yêu quê hương đất nước mình hơn.

 

* Trong năm học 2018-2019, ngành Giáo dục có giải pháp gì để nâng cao chất lượng học tập nói chung, tiếng Việt nói riêng của trẻ em DTTS?

 

- Trước khi bước vào năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội thảo để xây dựng và nghiệm thu bộ tài liệu “Chuẩn bị tiếng Vỉệt cho trẻ em DTTS trước khi vào lớp 1”. Bộ tài liệu gồm 30 bài học và tập tranh tương ứng. Tài liệu này được Sở GD-ĐT tổ chức biên tập theo hướng tinh gọn từ bộ tài liệu 60 bài phục vụ đề án Tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng khó khăn của Bộ GD-ĐT.

 

Tại hội thảo, giáo viên các trường đã trao đổi về các vấn đề làm gì để tăng cường tiếng Việt cho trẻ, tạo được môi trường nói tiếng Việt và tìm các giải pháp tối ưu để phát triển các kỹ năng nghe, nói của các em. Khi kỹ năng nghe, nói tốt thì trẻ học lớp 1 sẽ tiếp thu được kiến thức tốt hơn và sử dụng tốt các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt.

 

Sau khi tài liệu được nghiệm thu, Sở GD-ĐT đã tổ chức cho giáo viên tập huấn và dạy minh họa tại trường tiểu học có trẻ DTTS để rút kinh nghiệm. Tài liệu này chính thức được triển khai từ năm học 2018-2019 này.

 

Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, tổ chức viết tài liệu về tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS từ 350 tiết/năm lên 500 tiết/năm; tăng cường dạy 2 buổi/ngày, tổ chức dạy thêm một số buổi/tuần…

 

* Việc phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS đóng vai trò rất quan trọng. Theo ông, làm thế nào để thực hiện tốt sự liên kết này?

 

- Trong sinh hoạt gia đình, cộng đồng hầu hết các em DTTS chỉ sử dụng tiếng mẹ đẻ, nên khi bước vào môi trường giáo dục, tiếng Việt trở thành ngôn ngữ thứ hai của các em. Do đó, việc phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS là rất quan trọng.

 

Về phía gia đình, khi ở nhà phụ huynh nên giao tiếp với con bằng tiếng Việt nhiều hơn. Tạo điều kiện cho con được đến các lớp nhà trẻ, mẫu giáo để được làm quen với tiếng Việt ngay từ khi trẻ bắt đầu biết nói. Thường xuyên phối hợp với giáo viên và nhà trường để có những điều chỉnh, hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

 

Các thầy cô giáo dạy học tại các trường vùng đồng bào DTTS cần quan tâm lắng nghe, theo dõi, nhắc nhở, uốn nắn kịp thời đối với những học sinh còn hạn chế về tiếng Việt, nhất là với nội dung đọc, viết: âm, vần, ghép vần, tiếng, từ, câu đơn giản. Tăng cường giao tiếp với học sinh, kiểm tra, sửa lỗi và hướng dẫn các em nói và viết đúng tiếng Việt.

 

Thường xuyên phối hợp với gia đình học sinh để trao đổi và hướng dẫn cha mẹ các em cùng tạo ra môi trường nói tiếng Việt trong gia đình, để các em thường xuyên được giao tiếp bằng tiếng Việt. Bản thân các thầy cô giáo cũng cần tăng cường học hỏi, sáng tạo để có những phương pháp nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

THÚY HẰNG (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek