Thứ Năm, 24/10/2024 19:15 CH
Nâng chất, đổi mới công tác thanh tra giáo dục
Thứ Tư, 19/09/2018 13:30 CH

Đoàn thanh tra của Sở GD-ĐT Phú Yên thanh tra định kỳ đầu năm học tại Trường THPT Nguyễn Trãi - Ảnh: HÀ MY

Thanh tra giáo dục có vị trí quan trọng trong việc đảm bảo nề nếp, kỷ cương, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả GD-ĐT. Thời gian qua, ngành Giáo dục đã tăng cường công tác này theo hướng đổi mới, chuyển từ thanh tra chuyên môn sang thanh tra quản lý; kịp thời theo dõi, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, góp phần giải tỏa những bức xúc trong xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân.

 

Hoạt động có trọng tâm, trọng điểm

 

Sau 5 năm thực hiện Nghị định 42/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục và chỉ thị của Bộ trưởng GD-ĐT về việc tăng cường công tác thanh tra giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, hệ thống thanh tragiáo dụcđã có nhiều thay đổi, chuyển hẳn từ thanh tra nặng về chuyên môn sang thanh tra quản lý với nhiều kết quả tích cực.

 

Nếu trước đây, thanh tra giáo dục làm nhiều việc nhưng chủ yếu là thanh tra toàn diện nhà trường và hoạt động sư phạm của giáo viên, không phù hợp với Luật Thanh tra, thì thời gian qua, thanh tra giáo dục đã tập trung vào một số vấn đề như: Điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; việc thực hiện tự chủ của nhà trường; liên kết đào tạo; việc dạy thêm, học thêm, thu, chi của cơ sở giáo dục; thanh tra thi, tuyển sinh; việc tuyển dụng và thực hiện chính sách đối với nhà giáo... Qua thanh tra đã giúp các cơ sở giáo dục điều chỉnh hoạt động; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, góp phần giữ vững nền nếp, kỷ cương trong giáo dục.

 

Tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm học 2017-2018 và phương hướng công tác thanh tra năm học 2018-2019 của Bộ GD-ĐT vừa tổ chức tại TP Tuy Hòa đã ghi nhận những kết quả tích cực theo tinh thần đổi mới. Bà Lê Thái Loan, Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Lâm Đồng chia sẻ: “Quản lý giáo dục đang đổi mới mạnh mẽ theo hướng tăng cường phân cấp, tăng cường tự chủ cho cơ sở giáo dục và tính chủ động của giáo viên. Cách chuyển từ thanh tra nặng về chuyên môn sang thanh tra quản lý đã góp phần nâng cao hiệu quả thanh tra trong điều kiện hạn chế về con người cũng như một số nguồn lực khác”.

 

Cùng với đó, công tác thanh tra giáo dục khối sở GD-ĐT cũng đã có những chuyển biến rất tích cực. Các Sở GD-ĐT đã tập trung xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh tra có trọng tâm, nhằm vào những vấn đề quản lý tác động đến hệ thống. Báo cáo của Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết: Trong năm học 2017-2018, các sở GD-ĐT đã tiếp nhận, giải quyết gần 800 đơn thư, khiếu nại theo quy định; tổ chức 943 cuộc thanh tra kế hoạch và đột xuất, tập trung vào việc thực hiện quy định về tổ chức, biên chế của các cơ sở giáo dục; trách nhiệm của người đứng đầu; chế độ chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; việc quản lý dạy thêm, học thêm, các khoản thu, chi đầu năm học…

 

Qua các cuộc thanh tra đã phát hiện sai phạm trong công tác thực hiện liên kết đào tạo trình độ đại học, sai phạm trong việc xác nhận kết quả thi THPT; việc giải quyết đơn tố cáo sai sót; kịp thời chấn chỉnh và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục... Bên cạnh đó, các sở GD-ĐT đã nghiêm túc tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra; có nhiều giải pháp để tăng cường năng lực thanh tra gắn liền với quá trình đổi mới quản lý giáo dục.

 

Nâng cao năng lực thanh tra

 

Tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm học 2017-2018 và phương hướng công tác thanh tra năm học 2018-2019 của Bộ GD-ĐT, thanh tra và lãnh đạo các sở GD-ĐT cũng đã có nhiều ý kiến làm phong phú thêm nhiệm vụ, phương hướng trong giai đoạn mới. Theo đó, năm học 2018-2019, toàn ngành tiếp tục tăng cường tính chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thanh tra giáo dục trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Đảng, triển khai mạnh mẽ đề án “Tăng cường năng lực thanh tra đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đến năm 2020”.

 

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho hay: Năm học này, ngành Giáo dục tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò công tác thanh tra trong tiến trình đổi mới giáo dục; kiện toàn tổ chức, đội ngũ cán bộ thanh tra, cộng tác viên thanh tra giáo dục. Bên cạnh tập trung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp của ngành, các vấn đề bất cập trong thực tiễn và dư luận phản ánh; ngành Giáo dục tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng chống tham nhũng, tăng cường xử lý sau thanh tra; phối hợp giữa thanh tra sở, phòng GD-ĐT với thanh tra địa phương trong công tác thanh, kiểm tra và bồi dưỡng nghiệp vụ.

 

Trước tình trạng tại một số nơi vẫn còn biểu hiện tiêu cực, gây bức xúc và thường “rộ lên” vào dịp đầu năm học như: tình trạng lạm thu, dạy thêm học thêm hoặc hiện tượng xúc phạm danh dự, xâm phạm thân thể người học…, ông Bằng cho biết: “Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều giải pháp, thể hiện đậm nét trong chỉ thị năm học mới, hướng dẫn công tác thanh tra và một số văn bản ngay trước khi bước vào năm học.

 

Các sở GD-ĐT cần nghiêm túc triển khai coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thanh tra năm học, đặc biệt là vào thời điểm đầu năm học. Cần có kế hoạch cụ thể để kịp thời phát hiện, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm; tăng cường xử phạt hành chính theo thẩm quyền và thông tin rộng rãi để rút kinh nghiệm chung. Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ vào tình hình triển khai và kết quả thực hiện của các sở GD-ĐT để đánh giá thi đua năm học. Bộ cũng sẽ tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại cơ sở, xử lý nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh đối với hành vi cố ý vi phạm”.

 

THỨ TRƯỞNG BỘ GD-ĐT PHẠM MẠNH HÙNG: Nâng cao nhận thức về hoạt động thanh tra

 

Khẩu hiệu năm nào cũng là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vị trí của hoạt động thanh tra giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định đối tượng nào cần được nâng cao nhận thức? Theo tôi, các đối tượng đó là lãnh đạo ngành Giáo dục từ Trung ương đến địa phương. Ở cấp bộ, bộ trưởng, các thứ trưởng, lãnh đạo các cục đều phải nhận thức rõ hoạt động thanh tra giáo dục tác động như thế nào đến quản lý nhà nước. Còn ở cấp địa phương, người đứng đầu ngành Giáo dục là giám đốc sở phải nhận thức đúng để quán triệt và chỉ đạo tốt hoạt động thanh tra.

 

Ngoài ra, người đứng đầu các cơ sở giáo dục tức hiệu trưởng cũng cần phải nhận thức sâu hơn về tầm quan trọng của hoạt động thanh tra để sẵn sàng hợp tác. Một cuộc “thăm khám bệnh” sẽ giúp cơ sở giáo dục phát hiện các sai sót để kịp thời chấn chỉnh, từ đó làm tốt hơn. Bên cạnh đó, những người làm công tác thanh tra cũng phải ý thức được vị trí, vai trò của mình để tự hào và có trách nhiệm hơn trong công việc.

 

CHÁNH THANH TRA SỞ GD-ĐT TP HỒ CHÍ MINH TẠ THỊ MINH THƯ: Ưu tiên kiểm tra, xử lý các vấn đề “nóng” để tạo niềm tin cho xã hội

 

Theo dõi, thanh tra, xử lý các vấn đề “nóng” mà dư luận và xã hội phản ánh, bức xúc luôn là ưu tiên hàng đầu trong công tác thanh tra của ngành Giáo dục TP Hồ Chí Minh. Để tiếp nhận được đầy đủ những phản ánh của người dân, sở đã thiết lập hộp thư điện tử, đường dây nóng, phần mềm quản lý văn bản và trực tiếp tại phòng tiếp công dân của sở. Trong năm học vừa qua, chúng tôi đã thành lập 16 đoàn thanh tra, 11 đoàn kiểm tra đột xuất để giải quyết những phản ánh của người dân.

 

Để công tác thanh tra giáo dục được chuyên nghiệp hơn, tôi đề nghị cần xem xét bổsung Luật Thanh tra có thanh tra cấp phòng GD-ĐT hoặc có biên chế của thanh tra cấp huyện chuyên quản ngành Giáo dục tại địa phương. Bên cạnh đó, tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT đề xuất Thanh tra Chính phủ quy định cụ thể chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo, để tránh tình trạng cố tình gửi đơn vượt cấp, gây mất ổn định trong ngành.

 

CHÁNH THANH TRA SỞ GD-ĐT PHÚ YÊN DIỆP THẾ THÂN: Bổ sung biên chế thanh tra giáo dục

 

Với 3 biên chế thanh tra sở và 52 cộng tác viên, năm học qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt thanh tra theo kế hoạch và đột xuất, góp phần chấn chỉnh trật tự, kỷ cương trong ngành. Để rút ngắn thời gian xuống cơ sở mà vẫn nắm bắt đầy đủ thông tin, chúng tôi thành lập 3 tổ thanh tra chuyên ngành các phòng GD-ĐT với số lượng 10-12 người. Từ kết quả thanh tra chuyên ngành, các phòng GD-ĐT, sở đã làm việc với chính quyền các địa phương, phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ các tồn tại, nâng cao chất lượng giáo dục.

 

Hiện nay, biên chế thanh tra Sở GD-ĐT Phú Yên và một số nơi chỉ có 3 người, khó đảm bảo đầu công việc và thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác. Vì vậy, tôi kiến nghị Bộ GD-ĐT có văn bản thống nhất với UBND các tỉnh, thành phố về cơ cấu, vị trí việc làm, số người làm việc trong Thanh tra Sở GD-ĐT. Thêm vào đó, cộng tác viên thanh tra giáo dục đều trải qua các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, song hiện nay, thời gian công nhận chức danh này chỉ có 3 năm, cho nên để tránh lãng phí, cần kéo dài chu kỳ công nhận.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek