Thứ Năm, 28/11/2024 19:33 CH
Phân luồng học nghề để tránh lãng phí
Chủ Nhật, 16/09/2018 08:00 SA

Học nghề công nghệ ô tô tại Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung - Ảnh: THÚY HẰNG

Học đại học đã không còn là con đường duy nhất để kiếm sống. Tuy nhiên, định hướng đúng nghề nghiệp để phân luồng cho học sinh vào học nghề vẫn còn nhiều nan giải dẫn đến những bất cập trong cung - cầu.

 

Cầu vượt cung

 

Trường cao đẳng Nghề Phú Yên vừa tổ chức Ngày hội việc làm cho học sinh sinh viên tốt nghiệp khóa 2015-2018 với sự tham gia của gần 10 công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp là hơn 2.000 lao động, trong khi khóa tốt nghiệp này của trường có chưa đến 150 học sinh, sinh viên.

 

Và trong số học sinh, sinh viên tốt nghiệp khóa này lại có đến 80% đã tìm được việc làm nên không có nhu cầu tìm việc. Em Võ Thái Khánh ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa) cho biết: “Em học ngành Chế tạo thiết bị cơ khí. Ngay từ năm thứ ba em đã làm việc thời vụ cho Công ty TNHH Cơ khí và Xây dựng Phú Yên với thu nhập 230.000 đồng/ngày.

 

Hiện em có một người anh đang làm việc tại một công ty cơ khí ở TP Hồ Chí Minh nên anh rủ em vào làm ở công ty này luôn với mức thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng. Sau khi nhận bằng tốt nghiệp, em sẽ vào đó làm việc”.

 

Tương tự em Trần Trung Hiếu, học cùng lớp với Khánh, chia sẻ: “Lớp cao đẳng Chế tạo thiết bị cơ khí khóa này chỉ có 16 sinh viên tốt nghiệp thì 100% đã đi làm từ khi tụi em học năm cuối. Nhờ làm đúng nghề nên đến thời điểm tốt nghiệp, tụi em đều vững vàng tay nghề, tự tin làm việc”.

 

Những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề nhóm ngành kỹ thuật luôn trong tình trạng cầu vượt cung; nhu cầu tuyển dụng lớn, trong khi người tốt nghiệp nghề lại rất ít. Do đó, hầu hết học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm nên không mặn mà với ngày hội việc làm.

 

Ông Lê Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Tuyển dụng và kết nối Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, cho hay: “Chúng tôi có nhu cầu tuyển dụng gần 200 lao động thuộc ngành điện, cơ khí, kinh tế để làm nhân viên bảo trì, vận hành máy, trực camera, kho và nhân viên sản xuất. Tuy nhiên, tại ngày hội việc làm này, có rất ít học sinh, sinh viên nộp hồ sơ dự tuyển”.

 

Còn bà Lương Thị Thanh Thúy, chuyên viên tuyển dụng và đào tạo Công ty TNHH Thủy sản Hải Vương (Khánh Hòa) nói: Công ty có nhu cầu tuyển dụng 500 công nhân chế biến thủy sản, gần 100 nhân viên cơ điện, KCS, thống kê; vậy nhưng số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp quá ít.

 

Cũng vì số lượng học sinh, sinh viên tốt nghiệp nghề quá ít so với nhu cầu tuyển dụng nên các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh như Công ty CP An Hưng, Công ty TNHH Rượu Vạn Phát… cũng không tuyển được bao nhiêu lao động.

 

Sinh viên tốt nghiệp khóa 2015-2018 của Trường cao đẳng Nghề Phú Yên tìm hiểu thông tin tuyển dụng của Công ty TNHH Thủy sản Hải Vương - Ảnh: THÚY HẰNG

 

Tuyển sinh là tuyển dụng

 

Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp có gần 2.000 cơ sở cung cấp đào tạo nhiều ngành, nghề khác nhau ở các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 30% học sinh vào học nghề.

 

Tuy nhiên, tỉ lệ học nghề những năm qua còn thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có tâm lý ưa chuộng bằng đại học. Các trường nghề không đủ sinh viên để giới thiệu cho doanh nghiệp do đầu vào ít hơn rất nhiều so với đầu ra (nhu cầu tuyển dụng).

 

Các trường nghề hiện đang chiếm ưu thế trong các lĩnh vực cung ứng nhân lực du lịch, dịch vụ, kỹ thuật, công nghệ nhưng lại gặp khó trong tuyển sinh. Đây là sự lãng phí rất lớn.

 

Thời gian qua, học sinh và phụ huynh ít nhiều đã có sự thay đổi nhận thức, đó là học để có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, và doanh nghiệp chỉ quan tâm người có năng lực phù hợp chứ không để ý đến bằng cấp.

 

Vậy nên, những năm gần đây, các trường thuộc hệ thống nghề nghiệp thực hiện chính sách tuyển sinh là tuyển dụng thông qua việc ký kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo việc làm cho người học sau khi ra trường.

 

Tuy nhiên, số người tham gia học nghề vẫn chưa nhiều. Ông Nguyễn Kim Nguyên, phụ trách nhân sự tuyển dụng - đào tạo Công ty CP An Hưng, cho biết: Lợi thế lớn nhất của các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đó là đào tạo ra đội ngũ nhân sự giỏi tay nghề, am hiểu sâu rộng về nghiệp vụ chuyên môn. Sinh viên ngoài học về văn hóa, đại cương, chương trình chính vẫn là học và rèn luyện, nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu cụ thể cho doanh nghiệp ngay sau khi ra trường.

 

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có các trường như cao đẳng Công Thương Miền Trung, cao đẳng Nghề Phú Yên, nhiều nghề đào tạo không đủ cung cấp lao động cho các doanh nghiệp. Sinh viên của các trường luôn được doanh nghiệp đánh giá cao về tinh thần ý thức, thái độ làm việc cũng như kiến thức, kỹ năng làm việc. Người học chỉ cần tốt nghiệp ở các trường này là có thể làm được việc.

 

Việc lựa chọn học ngành nghề nào luôn được các bạn trẻ đắn đo suy nghĩ sau khi tốt nghiệp trung học, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn. Với hơn 500 nghề thuộc hệ cao đẳng và hơn 800 ngành nghề trung cấp, học sinh có thể chọn lựa ngành nghề phù hợp khả năng và sở thích.

 

Từ phân tích nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, có thể thấy một số ngành, nghề như: Công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, hướng dẫn du lịch, quản trị nhà hàng, khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn, điện tử công nghiệp, hàn, cắt gọt kim loại, công nghệ ô tô, cơ điện tử… đang là xu hướng tuyển dụng trong thời gian tới.

 

Ông cha ta có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hoặc “Ruộng bề bề không bằng có cái nghề trong tay” hàm ý nói đến tầm quan trọng của việc học nghề, làm nghề và quan niệm ấy vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.

 

TS ĐẶNG VĂN LÁI, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ PHÚ YÊN: Chi phí thấp nhưng nhiều cơ hội việc làm 

 

Học nghề chi phí ít, thời gian tốt nghiệp ngắn, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên học nghề rất lớn, được các công ty và doanh nghiệp tuyển dụng tại chỗ, ngay trong ngày tốt nghiệp với mức lương bảo đảm. Một thuận lợi nữa là hình thức tuyển sinh học nghề cũng rất linh hoạt.

 

Theo quy định, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp được phép tuyển sinh quanh năm theo hình thức xét tuyển bằng học bạ hoặc điểm thi THPT. Sinh viên không chỉ có cơ hội khi đã tốt nghiệp mà còn được hướng dẫn thực tập và làm việc ngay khi đang học tập.

 

Thị trường lao động ngày càng thực chất và minh bạch hơn, doanh nghiệp dưới sức ép cạnh tranh, họ cần đúng người đúng việc với chi phí hợp lý. Như vậy tất nhiên là sẽ có không ít các vị trí dành cho những người thành thục kỹ năng, tay nghề và có thái độ nghề nghiệp đúng mực.

 

Đó chính là cơ hội và khả năng cạnh tranh của các bạn trẻ chọn hướng học nghề. Điều quan trọng là các em phải không ngừng trau dồi kỹ năng để đáp ứng được vị trí mà đơn vị tuyển dụng yêu cầu.

 

ÔNG LÊ VĂN PHỔ, TRƯỞNG PHÒNG DẠY NGHỀ (SỞ LĐ-TB-XH PHÚ YÊN): Phá bỏ lối tư duy chuộng bằng cấp 

 

Hiện nay, các trường nghề không đủ học sinh, sinh viên để giới thiệu cho doanh nghiệp do số lượng tuyển sinh thấp hơn nhiều so với nhu cầu tuyển dụng. Trước thực trạng này, điều chúng ta cần làm đó là phải phá bỏ lối tư duy chuộng bằng cấp trong phụ huynh, học sinh.

 

Theo đó, các em nên chọn nghề phù hợp với năng lực sở trường bản thân, với hoàn cảnh kinh tế gia đình trong từng giai đoạn chứ không phải chỉ vì không vào được THPT công lập hoặc không đậu đại học. Thực tế có rất nhiều nhà quản lý doanh nghiệp luôn tự hào vì đi lên từ học nghề.

 

Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng người đi lên từ học nghề được đánh giá cao bởi ý thức kỷ luật, không ngại khó ngại khổ, có chí hướng, cầu thị và ham học hỏi.

 

Tiêu chí tuyển dụng của các doanh nghiệp ngày càng khắt khe, đòi hỏi các trường phải có chương trình đào tạo mới sát với thực tế song song với trang bị kỹ năng. Điều này bắt buộc các trường phải cập nhật chương trình mới, tiên tiến mới có thể đào tạo ra lao động có chất lượng.

 

Các trường cũng cần nhìn nhận lại thế mạnh của mình ở đâu để có hướng đầu tư hợp lý, hiệu quả nhằm tránh lãng phí.

 

ÔNG TRƯƠNG ĐỨC HUY, TRƯỞNG PHÒNG TỔ CHỨC CÔNG TY TNHH RƯỢU VẠN PHÁT: Đặt hàng đào tạo để tuyển dụng 

 

Trước thực trạng khó khăn trong tuyển dụng lao động, Công ty TNHH Rượu Vạn Phát đã ký kết đặt hàng đào tạo với Trường cao đẳng Nghề Phú Yên để tuyển dụng lao động các nghề hàn, cơ khí, điện… khi các em ra trường.

 

Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ nhà trường trong vấn đề thực tập, thực hành cho học sinh, sinh viên, công ty sẽ chú trọng đóng góp ý kiến trong xây dựng chương trình đào tạo để nhà trường có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế của công ty. Điều này cũng sẽ tạo sự hứng thú để học sinh tìm hiểu và theo học các ngành, nghề mà địa phương, xã hội đang cần.

 

Học sinh học cách tự đánh giá và kiểm nghiệm năng lực bản thân, sở trường, điều kiện để học nghề và tham gia thị trường lao động một cách tích cực. Hy vọng với cách làm này, công ty sẽ tuyển được lao động trong thời gian đến.

 

Theo tôi, các trường cũng cần liên kết chặt chẽ với các công ty, doanh nghiệp để xây dựng lực lượng tư vấn tuyển sinh chuyên nghiệp, sẵn sàng cung cấp thông tin và hỗ trợ định hướng cho người muốn học nghề, không nên để các em “tự bơi” trong muôn vàn hướng đi sau khi tốt nghiệp.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek