Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) là một trong những hoạt động được Chính phủ và chính quyền địa phương quan tâm trong vài năm trở lại đây. Cùng với những chính sách mới từ Trung ương, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch 117/KH-UBND hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 nhằm tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển doanh nghiệp KNĐMST.
Địa phương nỗ lực kiến tạo
Theo ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, mặc dù việc đầu tư và phát triển các doanh nghiệp KNĐMST gặp nhiều rủi ro, tỉ lệ thành công thấp nhưng một khi đã thành công thì đây chính là những đối tượng mang lại giá trị gia tăng vượt bậc cho nền kinh tế của mỗi địa phương, quốc gia; tiềm năng tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa.
Tại Việt Nam, phong trào khởi nghiệp nói chung và KNĐMST nói riêng đang diễn ra sôi động. Tuy vậy, bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp không thể tự phát triển nếu thiếu một hệ sinh thái thuận lợi. Vì vậy, để có thể hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, rất cần sự nỗ lực của địa phương.
Cũng theo ông Quân, doanh nghiệp KNĐMST có những đặc điểm riêng như: có tính đột phá, sáng tạo; có tính tăng trưởng cao và có tính rủi ro cao. Với những đặc điểm trên, các doanh nghiệp KNĐMST gặp phải hàng loạt trở ngại từ năng lực quản trị kinh doanh, chấp hành thủ tục hành chính; các vấn đề liên quan tới tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền sở hữu trí tuệ và trở ngại lớn nhất đó chính là thiếu vốn, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Như vậy, để tạo lập và phát triển, các doanh nghiệp KNĐMST rất cần có những yếu tố hỗ trợ, quan trọng nhất là vốn, trình độ quản lý, các kỹ năng…
Nhằm cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước về KNĐMST, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 117/KH-UBND hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, hỗ trợ phát triển tối thiểu 1 dự án KNĐMST; hỗ trợ phát triển tối thiểu 4 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, tổ chức KNĐMST.
Đến năm 2025, tỉnh hỗ trợ phát triển tối thiểu 3 dự án KNĐMST; hỗ trợ phát triển tối thiểu 8 doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, tổ chức KNĐMST. Đồng thời thực hiện một số nội dung chủ yếu triển khai trong kế hoạch như thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về KNĐMST; đào tạo nâng cao năng lực về KNĐMST; xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ KNĐMST; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp KNĐMST; thiết lập mạng lưới liên kết trong hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh, với quốc gia và thế giới.
Bên cạnh những nỗ lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ từ Trung ương và địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng yêu cầu các tổ chức, hiệp hội tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhằm giúp các doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh để từ đó tạo sức bật cho khởi nghiệp phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn.
Cần môi trường khởi nghiệp thực chất
Nhằm nâng cao nhận thức, tạo hiệu ứng, sức lan tỏa, tinh thần và ý thức khởi nghiệp, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp thực sự, những năm qua, UBND tỉnh đã phối hợp cùng với Sở KH-CN tổ chức nhiều hội thảo xây dựng hệ sinh thái KNĐMST với sự góp mặt của nhiều chuyên gia trên lĩnh vực KNĐMST để chia sẻ về các vấn đề khởi nghiệp.
Những hội thảo này đã thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng, lãnh đạo địa phương và nhất là những người trẻ đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp. Tuy nhiên, tổ chức nhiều hội thảo, đẩy mạnh truyền thông là chưa đủ mà KNĐMST muốn hiệu quả phải xây xựng được hệ sinh thái khởi nghiệp mang tính thực chất.
Được hình thành bởi 3 nhóm chủ thể chính là: các doanh nghiệp khởi nghiệp, các đối tượng hỗ trợ khởi nghiệp và các nhà đầu tư cho khởi nghiệp, hệ sinh thái KNĐMST được hiểu là các điều kiện, môi trường trong đó các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và xã hội bắt tay cùng nhau để thúc đẩy sự thịnh vượng và phồn vinh của nền kinh tế.
Năm 2018 mở ra những cơ hội mới cho cộng đồng khởi nghiệp khi việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động ở nhiều tỉnh, thành cả nước với nhiều dự án startup huy động vốn thành công. Tuy nhiên, có một thực tế là từ Trung ương xuống địa phương, hành lang pháp lý về KNĐMST đều được xây dựng khá toàn diện nhưng việc doanh nghiệp KNĐMST tiếp cận với các chính sách này không hề dễ.
Em Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, sinh viên ngành Công nghệ thông tin Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Em tham gia cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Phú Yên năm 2018 do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh và Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên tổ chức.
Trước khi về Phú Yên, em đã tìm hiểu và biết được tỉnh nhà có chính sách hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST nên mang về dự án Máy cắt laser công nghệ IoT với mong muốn sản phẩm của em được hỗ trợ để quảng bá, thử nghiệm. Tuy nhiên, khi em hỏi các nhà quản lý làm cách nào để tiếp cận được với những chính sách hỗ trợ này thì hầu như không nhận được câu trả lời cụ thể”.
Mặc dù kế hoạch hành động của tỉnh xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đã có, nhưng theo ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh, trên thực tế đến nay vẫn chưa có một chính sách cụ thể nào được ban hành và thực thi. Do đó, các cơ quan quản lý, đứng đầu là UBND tỉnh cần tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp thật sự, cần những bước đi cụ thể, hành động cụ thể tạo điều kiện cho những cá nhân, doanh nghiệp KNĐMST có thể tìm thấy một môi trường thuận lợi để làm ăn, góp phần tạo động lực làm giàu và cống hiến cho xã hội.
THÁI HÀ