Thứ Sáu, 29/11/2024 01:48 SA
Tuyển sinh đại học năm 2018:
Phân hóa chất lượng ngành, trường qua thí sinh nhập học
Chủ Nhật, 09/09/2018 07:19 SA

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường đại học Xây dựng Miền Trung - Ảnh: THÚY HẰNG

Mùa tuyển sinh đại học năm 2018 sắp kết thúc, trong khi nhiều trường tốp trên cơ bản đã tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường tốp dưới, trường địa phương vẫn phải “trông ngóng” thí sinh dù điểm đầu vào thấp. Thông qua điểm trúng tuyển của mỗi trường cho thấy rõ sự phân hóa chất lượng giữa các ngành, trường.

 

Cạn nguồn tuyển

 

2018 là năm các trường được tự xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định các điều kiện tuyển sinh, tham gia các nhóm tuyển sinh hoặc tuyển sinh độc lập. Vậy nên, quá trình tuyển sinh năm nay đảm bảo được quyền tự chủ của các trường.

 

Sau tuyển sinh đợt 1, trong khi nhiều trường đại học thuộc tốp trên cơ bản tuyển đủ chỉ tiêu thì không ít trường đại học tốp dưới, đại học vùng, đại học địa phương công bố xét tuyển bổ sung hàng ngàn chỉ tiêu, nhưng đến nay số lượng thí sinh tham gia xét tuyển bổ sung rất ít, tuyển sinh không đạt yêu cầu.

 

Ghi nhận từ các trường cho thấy số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đợt bổ sung không đáng kể. Tại Phú Yên, đến thời điểm này Trường đại học Xây dựng Miền Trung mới tuyển được hơn 50% sinh viên so với chỉ tiêu, còn Trường đại học Phú Yên thì tuyển chưa tới 50% so với chỉ tiêu.

 

Số chỉ tiêu tuyển sinh được chủ yếu tập trung ở một vài ngành hot của mỗi trường; các ngành còn lại rất ít thí sinh tham gia xét tuyển. Dù mỗi trường tiếp tục đưa ra thông báo xét tuyển bổ sung đợt 2, đợt 3 nhưng thực tế không hy vọng nhiều ở những đợt xét tuyển này do nguồn tuyển đã cạn.

 

Theo ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Xây dựng Miền Trung, dù trường vẫn tiếp tục xét tuyển bổ sung cho các đợt tiếp theo ở tất cả các ngành mà trường đào tạo, nhưng thực tế không hy vọng nhiều vì những thí sinh có nguyện vọng học đại học, cao đẳng trong năm nay cũng đã đăng ký học ở trường này, trường kia nên khó có thí sinh đăng ký xét tuyển ở thời điểm này.

 

Không chỉ các trường đại học địa phương gặp khó trong xét tuyển bổ sung, mà các trường lớn cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, như Trường đại học Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng vừa ra thông báo xét tuyển bổ sung đợt 3 hàng loạt ngành. Trường đại học Tây Nguyên cũng vừa thông báo tuyển bổ sung với 31 ngành trong tổng số 37 ngành đào tạo. Trong đó, nhiều ngành nhận hồ sơ chỉ ở mức 13 điểm…

 

Hầu hết thí sinh chọn ngành, trường dựa vào nhu cầu việc làm nên những ngành khó xin được việc làm khó tuyển đủ chỉ tiêu - Ảnh: THÚY HẰNG

 

Cần “nâng chất” những ngành khó tuyển

 

Thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, những ngành hot thường tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt đầu xét tuyển. Các ngành còn lại hầu như phải xét tuyển bổ sung, trong khi ở các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh lại có nhiều phương án xét tuyển nên xét tuyển ở các đợt bổ sung chắc chắn không còn nguồn.

 

Tại Trường đại học Phú Yên, hàng năm, hai ngành Giáo dục tiểu học, Giáo dục mầm non thường tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1, ấy vậy mà năm nay vẫn phải xét tuyển bổ sung. Ngay trong đợt xét tuyển bổ sung, số lượng thí sinh dự tuyển cũng không nhiều.

 

Theo PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, thí sinh luôn quan tâm đến việc chọn học ngành nào để ra trường tìm được việc làm. Cũng thương hiệu Trường đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh nhưng phân hiệu của trường đào tạo chủ yếu cho địa phương, tuyển sinh những ngành do địa phương đề xuất.

 

Tuy nhiên, những ngành địa phương yêu cầu tổ chức đào tạo chưa chắc đã có nhu cầu cao, trong khi người học có nhu cầu học những ngành khác để dễ có cơ hội việc làm chứ không phụ thuộc vào nhu cầu của địa phương. Chính vì vậy ở các đợt xét tuyển bổ sung phân hiệu gần như không còn nguồn tuyển.

 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2018 cả nước có 688.641 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học (tăng 7,5% so với năm ngoái). Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường đại học là 455.174 (tăng 1,2% so với năm 2017). Như vậy, nguồn tuyển so với chỉ tiêu xét tuyển của các trường dôi dư 1,51 lần.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trường tốp trên cũng có những ngành khó tuyển. Bởi điểm chuẩn của các ngành phụ thuộc vào chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo của các ngành đó, độ hot của thị trường đối với ngành đó.

 

Vì thế, nếu năm nay điểm chuẩn đầu vào của một số ngành thấp thì đây cũng là cơ hội để các trường, các ngành khi có điểm chuẩn thấp, không thu hút được nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển thì cần nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình; nâng cao chuẩn đầu ra, chất lượng đội ngũ để làm sao tăng được uy tín của ngành đó để trong năm tới tiếp tục thu hút được thí sinh vào học.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek